NVT tính bán cục nợ xấu hơn 850 tỷ để trả nợ trái phiếu đến hạn cho Techcombank

Giá gốc cho khoản đầu tư, cho vay ngắn hạn và lãi phải thu tại Hai Dung và Du lịch Tân Phú mà NVT muốn chuyển nhượng lên tới 852,5 tỷ đồng, trong khi giá chuyển nhượng NVT cho biết là không thấp hơn 245 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết HĐQT, CTCP BĐS Du lịch Ninh Vân Bay (HOSE: NVT) sẽ chuyển nhượng các tài sản để chuẩn bị nguồn vốn cho việc thanh toán các khoản nợ trái phiếu đã phát hành ngày 11/11/2014. Cụ thể, theo hợp đồng đặt mua trái phiếu kèm chứng quyền ngày 11/11/2014, Công ty đã phát hành 23.000 trái phiếu kèm chứng quyền, trị giá 230 tỷ đồng cho Công ty TNHH Nam Thành (sau đó Nam Thành đã chuyển nhượng lại toàn bộ số trái phiếu này cho Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam – Techcombank). Số trái phiếu ngày sẽ đến hạn thanh toán trong tháng 11 năm 2017.

Do đó, HĐQT đã quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của Công ty tại Công ty TNHH Hai Dung là 99 tỷ đồng, tương đương 90% vốn điều lệ cùng toàn bộ các khoản tiền cho vay, tiền lãi vay và lợi ích khác của NVT tại Hai Dung. Đồng thời, Công ty cũng bán luôn toàn bộ các khoản tiền cho vay, tiền lãi vay tại CTCP Du lịch Tân Phú. Tổng giá trị chuyển nhượng toàn bộ số tài sản nói trên không thấp hơn 245 tỷ đồng để đảm bảo thanh toán các khoản nợ gốc và nợ lãi trái phiếu.

Công ty TNHH Hai Dung có vốn góp của chủ sở hữu là 110 tỷ đồng (NVT sở hữu 90% vốn), là chủ đầu tư dự án Six Senses Saigon River với 154 phòng theo kiểu biệt thự riêng biệt và hệ thống dịch vụ sang trọng. CTCP Du lịch Tân Phú có vốn điều lệ 150 tỷ đồng (NVT sở hữu 12,24% vốn). Dự án của Công ty là dự án Emeralda Ninh Bình chính thức đi vào hoạt động từ tháng 5/2011.

Tính đến 31/3/2017, NVT đã rót 204,7 tỷ vào Hai Dung và đã trích lập dự phòng toàn bộ khoản đầu tư này (204,7 tỷ đồng); rót 18,36 tỷ đồng Du lịch Tân Phú (đã dự phòng 8,5 tỷ đồng).

Ngoài đầu tư thì NVT đã cho Hai Dung vay 282,6 tỷ đồng, lãi suất từ 8% - 12%, đáo hạn vào 1/12/2017; cho CTCP Du lịch Tân Phú vay 211,7 tỷ, lãi suất từ 11% - 12% đáo hạn ngày 1/12/2017. Riêng hai khoản mục này đã chiếm 96% khoản phải thu về cho vay ngắn hạn của NVT (dự phòng phải thu về cho vay ngắn hạn khó đòi là 55,3 tỷ đồng).

Đồng thời, Hai dung còn có khoản lãi vay phải trả cho NVT là 53,2 tỷ trong khi Du lịch Tân Phú là 100,3 tỷ đồng (đây là hai khoản phải thu lớn nhất trong phải thu ngắn hạn khác của công ty mẹ NVT). Tổng hai khoản lãi vay này chiếm 95% phải thu khác của NVT và cũng có trích lập 53,2 tỷ dự phòng.

Như vậy, tính tổng cả đầu tư, cho vay ngắn hạn và lãi phải thu, tức toàn bộ giá trị gốc mà NVT định chuyển nhượng ở Hai Dung và Du lịch Tân Phú lên tới 852,5 tỷ đồng (chưa xét đã dự phòng tổng cộng 313,2 tỷ đồng).

Được biết, NVT vốn hoạt động theo mô hình holdings, toàn bộ hoạt động kinh doanh chính tập trung vào các công ty con, nguồn thu của công ty mẹ chỉ đến từ hoạt động tài chính và liên tục 2 năm gần đây bị lỗ ròng như năm 2015 lỗ đậm 280 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 5,3 tỷ đồng. Nhờ hợp nhất với các công ty con, công ty liên kết mà năm 2015 lỗ hợp nhất chỉ 127 tỷ và năm 2016 có lãi 13,1 tỷ đồng.

Quý I/2017, Công ty mẹ lỗ thêm 2,4 tỷ đồng trong khi hợp nhất thì có lãi 14,4 tỷ đồng, tăng mạnh 76% so với thực hiện cùng kỳ năm trước. Trong đó, phần lợi nhuận của công ty mẹ là 4,3 tỷ và của cổ đông không kiểm soát là 10 tỷ đồng.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/nvt-tinh-ban-cuc-no-xau-hon-850-ty-de-tra-no-trai-phieu-den-han-cho-techcombank-20170619035632925p4c147.news