Nuôi dưỡng văn hóa đọc

Theo ban tổ chức, Hội sách năm nay vượt qua hẳn Hội sách 2010 với 200.000 đầu sách khác nhau. Có bạn trẻ đã bán từng cuốn sách cũ với giá thấp và còn cam kết giao hàng tận nơi. Không phải để kinh doanh mà chỉ là muốn gây quỹ… đi dự Hội sách. Đúng là một “Đại hội quần hùng” với hàng chục ngàn bạn đọc. Nghe nói có gần đủ bộ sách “Hỏi gì đáp nấy” 21 tập của tôi, thế là vinh dự cho tôi lắm rồi.

Từ xa xưa văn hào Pháp Gustave Flaubert từng nói: “Đọc để mà sống”. Đúng vậy, theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia Viết là một hệ thống ký hiệu ngôn ngữ cho phép lưu truyền và bảo tồn thông tin. Việc viết lách dường như đã phát triển từ giữa thiên niên kỷ thứ VII trước Công nguyên. Từ xưa, lụa ở Trung Quốc được dùng để lưu trữ văn bản, ngoài ra còn có các vật liệu khác như xương, mai rùa (giáp cốt văn tự), đồ đồng (chung đỉnh văn tự), gốm, đá, gỗ, tre nứa…

Sách hiện được đánh giá vừa là người thầy, vừa là người bạn đối với người yêu văn hóa. Đọc sách không chỉ là niềm vui, là lẽ sống mà còn là chìa khóa dẫn đến thành công.

Tại trang web Sachhay.com, tôi đọc được biết bao cảm nhận lý thú: Tôi thấy khi đọc sách tôi có những phút thoải mái, tĩnh tâm hơn (Nguyễn Thị Ánh); Đọc sách là thú vui lớn nhất của tôi (Hoàng Nguyên). Hay như theo bạn Đặng Thị Yến, đọc sách không chỉ để tìm kiếm thông tin mà còn là một biểu hiện văn hóa, giúp nhìn lại mình nữa… Làm sao trích hết được biết bao những cảm nhận cảm động được ghi trên 67 trang ở web này.

Vừa qua tôi được anh Nguyễn Chu Nhạc, trưởng phòng tổ chức Đài Tiếng nói Việt Nam, tặng những cuốn thơ văn của anh. Tôi mải mê đọc những trang viết đầy trí tuệ của anh kỹ sư nông nghiệp, nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà biên tập mà nay lại làm cán bộ tổ chức của cơ quan. Tôi trao đổi với nhà thơ Trần Đăng Khoa là có lẽ một thời khá lâu chúng ta đã chọn nhầm những người làm trưởng phòng hay trưởng ban tổ chức và rất vui khi thấy Khoa đồng tình với tôi. Một thời gian dài đó là không ít những ông ít học, rất ghét đọc sách báo, chỉ cần có lý lịch tốt là có thể ngoi lên. Biết bao sự khốn khó, oan khiên đã đến với không ít tài năng lương thiện chỉ vì những bộ óc người máy ghét đọc sách này. Đã đến lúc cần có những cán bộ tổ chức biết yêu chuộng cái đẹp trong cuộc sống, trong văn chương, biết tôn trọng chân lý.

Cách đây ít hôm, tôi cùng với Khoa và một số bạn (cùng lớp cách đây 61 năm) đi dự buổi Tổng kết cuộc thi Đọc sách ở Trường Phổ thông Liên cấp Olympia. Chúng tôi không chỉ choáng ngợp trước một khuôn viên hoành tráng tại huyện Từ Liêm (Hà Nội) với kiến trúc hiện đại (do người Mỹ thiết kế), những phòng học, thư viện, phòng ăn, phòng ngủ bán trú mà có lẽ… chưa có trường Đại học nào ở nước ta sánh nổi mà còn càng ngạc nhiên bởi chất lượng đào tạo ở đây. Vì tuy học chương trình Việt Nam nhưng khi học hết lớp 11, học sinh có thể thi lấy các chứng chỉ tiếng Anh SAT và IELTS để theo học các trường Cao đẳng và Đại học dùng tiếng Anh. Đây là trường kết nghĩa với các trường trung học North Shore, Winchendon và các đại học St.John’s, South Florida-St.Peterburg (Mỹ). Nhưng chúng tôi lại bất ngờ hơn nữa bởi buổi chung kết đợt thi Đọc sách ở trường này của các em từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông. Rất nhiều tiết mục được trình diễn. Chúng tôi đã được chứng kiến sự hào hứng sôi nổi của các cháu nhỏ và sự xúc động sâu lắng của những bậc phụ huynh có mặt hôm ấy.

Chúng tôi thực sự tán thưởng tiết mục Romeo-Juliet (Shakespeare) của học sinh lớp 11A và tiết mục Tắt Đèn (Ngô Tất Tố) của học sinh hai lớp 4 - 5. Học sinh phải thật sự yêu thích và hiểu biết sâu sắc các tác phẩm này thì mới có thể diễn hay đến như vậy. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã rơm rớm nước mắt khi xem mấy em nhỏ vào vai vợ chồng Nghị Quế hay các con chị Dậu. Vai Juliet thật duyên dáng, xinh đẹp mà lại khiêu vũ rất hay với Romeo kẻng trai, đằm thắm. Lời từ tác phẩm được thốt ra từ những đôi môi trẻ trung trên một nền nhạc lãng mạn cùng với những hình ảnh minh họa được chiếu lên nền sân khấu đã gây nên ấn tượng sâu sắc cho tất cả chúng tôi.

Có được cuộc thi hôm đó là nhờ phong trào đọc sách của học sinh toàn trường. Các em thường xuyên tặng sách xây dựng thư viện, viết sách và… in sách (đẹp không thua kém gì sách của các nhà xuất bản chính quy).

Thế đấy, đọc sách đã tác động lớn đến trẻ em rồi từ đó đến với phụ huynh học sinh. Người lớn ắt phải suy nghĩ và tìm cách phát huy được văn hóa đọc cho con cái mình.

Mong sao hình thức khuyến khích đọc sách và thể hiện sách của Trường Olympia Hà Nội sẽ sớm lan tỏa sang các trường khác.

Từ chuyện trẻ em ham đọc sách cũng có thể suy ra rằng người lớn cần làm gương cho con cháu mình và làm cho văn hóa đọc lấn át “văn hóa Game”, “ văn hóa chát chít” đã phổ biến trong giới trẻ hiện nay.

Nguồn NCĐT: http://nhipcaudautu.vn/article.aspx?id=12013