Nuôi đà điểu – mô hình kinh tế mới ở Thăng Bình, Quảng Nam

Từ vùng thấp lụt của huyện Duy Xuyên, ông Lê Tấn Quang đã quyết định chọn quê vợ ở thôn Lý Trường, xã miền núi Bình Phú (huyện Thăng Bình) để thành lập trang trại nuôi đà điểu. Đây là mô hình chăn nuôi đà điểu đầu tiên của huyện, mở ra hướng phát triển mô hình kinh tế mới đem lại hiệu quả cao cho người nông dân.

Ông Quang bên đàn đà điểu tại trang trại của mình Bằng nguồn vốn tự có và vay Ngân hàng, năm 2006, ông Quang đã đầu tư trên 200 triệu đồng để mua con giống và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc nuôi đà điểu trên diện tích đất 2 ha. Ông đã mua 26 con giống của Trung tâm giống đà điểu Quảng Nam tại xã Tam Phú, Tam Kỳ. Đến nay đàn đà điểu giống của ông Quang từ chỗ ban đầu mỗi con có trọng lượng từ 20 kg đã tăng trọng lên 170 kg và đã sinh sản, mỗi con mái đẻ từ 40 – 60 trứng một năm. Tổng đàn đà điểu hiện có của ông Quang hơn 100 con, gồm 22 con giống, 45 con đà điểu thịt và còn lại là đà điểu con. Từ khi nuôi đến nay, đà điểu của ông Quang chưa xảy ra dịch bệnh, bởi đây là loại vật này có sức đề kháng tốt và ông thực hiện nghiêm túc việc tiêm phòng và tuân thủ chặt chẽ qui trình vệ sinh thú y. Ông Quang cho biết: Với điều kiện thuận lợi của vùng đất miền núi, ông Quang đã trồng 3 sào cỏ VA 06, đồng thời tận dụng các nguồn thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp để nuôi. Theo ông Quang: Một con đà điểu từ khi mới nở đến giết thịt là 10 tháng, ăn hết 4 kg bột và 6 kg cỏ (tính trung bình cho một kg hơi). Tuy nhiên, với ông Quang thì những chi phí đó không đáng kể bởi nơi đây nguồn thức ăn rất dồi dào, nên ông không phải lo lắng nhiều. Nói về mô hình kinh tế mới này của mình, Ông Lê Tấn Quang khẳng định: "Tôi đã chọn được hướng đi đúng vì con đà điểu đã phát triển được trên mảnh đất này. Tuy hiện nay thịt đà điểu chưa được nhiều người biết đến, nhưng tôi tin chắc rằng trong tương lai không xa nó sẽ chiếm được ưu thế và tôi sẽ làm giàu từ mảnh đất này”. Với những kết quả ban đầu nhiều khả quan như vậy, năm 2009, ông Lê Tấn Quang tiếp tục mở rộng diện tích trang trại về hướng bắc, đầu tư lò ấp trứng hơn 300 triệu đồng để chủ động nguồn đà điểu con. Dự kiến đến cuối năm nay, ông sẽ có đàn đà điểu trên 300 con và thu hồi được nguồn vốn đầu tư. Hiện tại, trang trại của ông Quang đã thực hiện được qui trình khép kín từ đà điểu sinh sản cho trứng, đưa vào lò ấp nở ra đà điểu con, nuôi dưỡng chăm sóc và cho thịt thương phẩm cung cấp trực tiếp cho các nhà hàng trong và ngoài huyện Thăng Bình. Với cách làm của mình, ông Quang không chỉ giải quyết việc làm cho 5 lao động với mức lương trên 1,8 triệu đồng/người/tháng mà nói như ông Phạm Văn Khương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Phú thì: “Nhờ địa bàn này phù hợp với việc nuôi đà điểu, nhất là về đất đai và nguồn thức ăn, nên mô hình con vật nuôi mới này sẽ được bà con nông dân ở đây học tập và làm theo được”. Đà điểu đang ngày càng thích nghi với điều kiện ở Thăng Bình Đà điểu là con vật nuôi cho giá trị kinh tế cao đối với thị trường xuất khẩu và nội địa hiện nay cũng như trong thời gian tới. Tại Thăng Bình đây là con vật nuôi còn mới mới mẻ nhưng đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, nuôi đà điểu phải đầu tư nguồn vốn lớn nên bà con nông dân rất cần sự hỗ trợ từ các nguồn vốn vay ưu đãi mới phát triển được những trang trại nuôi đà điểu như ông Quang. Thiết nghĩ, để mô hình này phát huy hiệu quả và được nhân rộng, các cấp chính quyền và ngành chức năng huyện Thăng Bình nói chung, tỉnh Quảng Nam nói riêng nên sớm nghĩ đến giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân về vốn, nguồn giống và kỹ thuật để nuôi loài vật này tại địa phương./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=399041&co_id=30066