Nuôi bò thịt -Món ngon khó nhằn

(ĐTTCO) - Nhu cầu tiêu thụ thịt bò của người Việt Nam đang tăng khá nhanh, nhưng do cung trong nước không đủ cầu nên lượng nhập khẩu mỗi năm rất lớn. Vì sao không có nhiều DN trong nước đầu tư nuôi bò thịt, phải chăng vì đây là món ngon nhưng khó nhằn?

Thị trường lớn

Theo thống kê, hiện nay mỗi ngày cả nước tiêu thụ khoảng 3.000 con bò, riêng TPHCM tiêu thụ 600 con. Tổng đàn bò của Việt Nam hiện chỉ khoảng 4-5 triệu con và chu kỳ nuôi bò khá dài, chính vì thế nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu và buộc Việt Nam phải nhập khẩu bò ngoại rất nhiều. Trong vòng 5 năm trở lại đây, giá trị nhập khẩu thịt bò chứng kiến mức gia tăng đáng kinh ngạc gần 400%, từ 25 triệu USD năm 2010 lên đến 92,5 triệu USD năm 2014. Với mức tăng trưởng mạnh mẽ này, giá trị nhập khẩu thịt bò đã chiếm 45% tỷ trọng thịt nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2014.

Việt Nam nhập khẩu thịt bò từ khá nhiều quốc gia, nhưng nhiều nhất là Australia. Hiện Việt Nam là một trong những nước nhập khẩu bò Australia nhiều nhất. Năm 2015, tổng đàn bò Australia nhập khẩu về Việt Nam trên 300.000 con. Trong 4 tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập 71.000 con bò về vỗ béo, giết thịt. Mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ thịt bò trong khẩu phần ăn của người dân Việt Nam chiếm khoảng 20%, nên nhu cầu và tiềm năng phát triển bò thịt ở Việt Nam rất lớn (hiện tỷ lệ này chỉ 5%). Việc nhập khẩu bò nguyên con về vỗ béo rồi bán ra thị trường đã đáp ứng được nhu cầu ăn thịt tươi, nóng của người tiêu dùng.

Chính vì sức hấp dẫn của thị trường, khá nhiều quốc gia đã đến Việt Nam để giới thiệu sản phẩm thịt bò của mình. Đầu năm ngoái, Viện Nghiên cứu quốc tế thịt bò Canada phối hợp với Đại sứ quán Canada tại Việt Nam tiến hành quảng bá thương hiệu thịt bò Canada tại thị trường Việt Nam đạt chất lượng quốc tế và cơ hội hợp tác thương mại với các DN Việt hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối thịt bò. Tại khu vực châu Á, Viện Nghiên cứu quốc tế thịt bò Canada đánh giá Việt Nam là thị trường rất tiềm năng và mong muốn thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt bò Canada tại Việt Nam hơn nữa.

Cũng trong năm ngoái, vào đầu tháng 5 Bộ NN-PTNT Việt Nam đã thông báo chính thức cho phép bò của Pháp được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. Đây được đánh giá là một tin vui đối với các nông trại nuôi bò và DN xuất khẩu thịt bò của Pháp trước nhu cầu thịt bò đang tăng trưởng nhanh chóng tại Việt Nam. Thịt ngoại đang tràn ngập các siêu thị trong và ngoài nước. Thị trường lớn, nhu cầu tiêu dùng đang ngày một tăng cao, DN ngoại nhăm nhe nhảy vào, vậy tại sao DN nội lại chưa có thành công thực sự lĩnh vực này.

Thách thức nhiều

Một phân tích gần đây đã chỉ ra những nguyên nhân để lý giải cho sự thiếu hụt trong nguồn cung các loại thịt tại Việt Nam, trong đó đặc biệt là thịt bò. Đầu tiên phải kể đến diện tích chăn nuôi và đồng cỏ hạn chế tại Việt Nam; trong khi nước ta có 4,5 vạn hecta diện tích đồng cỏ để chăn nuôi bò, Australia có đến 760 vạn hecta diện tích đồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò. Thứ hai, sự thiếu đầu tư của DN nội địa trong những ngành liên quan đến chuỗi giá trị chăn nuôi gia súc và gia cầm như thức ăn chăn nuôi hay giống vật nuôi dẫn dến sự lệ thuộc vào nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu vốn rất đắt đỏ.

Giá trị nhập khẩu thịt bò tăng gần 400%.

Lý do cuối cùng là mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ tại Việt Nam. 85% gia súc ở nước ta được nuôi ở quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình, điều này dẫn đến sự thiếu bền vững trong năng suất, giá bán, cũng như chất lượng gia súc. Tất nhiên, nói là vậy nhưng cũng có những DN đã và đang đầu tư nuôi bò thịt quy mô lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Bình Hà… Thế nhưng, thực tế chưa có ai thành công như kỳ vọng, thậm chí Bình Hà khi nhập bò về nuôi lại vi phạm hàng loạt nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường và hồi tháng 5 vừa qua công ty này đã bị phạt 140 triệu đồng.

Mới đây nhất, vào giữa tháng 8 đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác nuôi bò thịt giữa Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn và đối tác Nhật Bản là Công ty Ushichan Farm. Dự án được triển khai tại Củ Chi với quy mô năm đầu tiên 5.000 con bò thịt. Năm 2018, dự án sẽ cho ra sản phẩm thịt bò sạch, chất lượng cao, giá cả cạnh tranh tốt so với cùng loại sản phẩm nhập khẩu từ các nước Hoa Kỳ, Australia… góp phần cung ứng sản phẩm thịt bò sạch cho thị trường. Với sự tham gia chuyển giao kỹ thuật của phía Nhật Bản, nhiều ý kiến cho rằng dự án sẽ có những thành công nhất định. Bình luận về việc có thêm một DN tham gia nuôi bò thịt cung cấp cho thị trường, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan, cho rằng đây là tín hiệu tốt, tuy nhiên với sản lượng ban đầu 5.000 con cũng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thị trường, cần thêm nhiều DN cùng làm.

Lẽ dĩ nhiên chỉ nỗ lực của DN thôi là chưa đủ, Nhà nước cũng cần chung tay hỗ trợ. Thời gian qua, có một số chính sách được Bộ NN-PTNT thực hiện như chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị cao hơn như cỏ, bắp… và tới nay đã chuyển đổi được trên 100.000ha đất. Bên cạnh đó, thời gian tới nhiều diện tích đất của nông, lâm trường làm ăn kém hiệu quả sẽ được đầu tư, cổ phần hóa hoặc phân bổ lại cho địa phương để bố trí diện tích đất đủ lớn cho ngành chăn nuôi bò thịt và bò sữa. Câu chuyện nuôi bò ở Việt Nam chắc chắn sẽ còn rất dài, nhưng nếu DN không nhanh chân hơn, Nhà nước không hỗ trợ tích cực hơn, một ngành tiềm năng sẽ rơi vào tay các đối tác nước ngoài khi nhiều hiệp định thương mại tự do có hiệu lực.

Thái Hà

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161022/nuoi-bo-thit-mon-ngon-kho-nhan.aspx