Nước Pháp mùa tranh cử

QĐND - Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày bầu cử tổng thống Pháp vòng một (22-4), nên cuối tuần qua, hai ngày thứ bảy và chủ nhật (14 và 15-4), là cao điểm của các cuộc vận động tranh cử. Các ứng cử viên đều dồn hết sức lực để biểu dương lực lượng hậu thuẫn chính trị sau lưng mình, nhất là để tung ra lời kêu gọi chung chung đến dân tộc Pháp, vì Tổ quốc Pháp và lòng yêu nước của dân Pháp. Họ không còn thì giờ để đi sâu vào nội dung chương trình tranh cử, mỗi người đưa ra những điểm “nhấn” chính trị của mình, những khẩu hiệu ngắn gọn để đánh vào trí nhớ của cử tri.

Đương kim Tổng thống Xác-cô-di, ứng cử viên đảng UMP, và những người ủng hộ trong buổi diễn thuyết ngày 15-4 tại Quảng trường La Công-coóc-đờ. Ảnh: Roi-tơ

Tuy thế, đứng từ phía người dân, thì có ý kiến cho rằng, sự lựa chọn người đại diện mình vào chức vị cao nhất nước Pháp đã được hình thành, và một tuần trước bầu cử khó còn có thể xoay ngược được chiều gió. Sự việc này có đúng không thì phải chờ kết quả bầu cử cuối cùng.

Bầu cử Tổng thống Pháp được tiến hành qua hai giai đoạn. Vòng 1 để lựa chọn ra hai đối thủ có số phiếu cao nhất và vòng 2, người đi bầu sẽ chọn một trong hai đối thủ, vào chức vị tổng thống cho một nhiệm kỳ là 5 năm. Cuộc bầu cử năm 2007 đã đưa đến kết quả là ông Ni-cô-la Xác-cô-di (Nicolas Sarkozy) và bà Xê-gô-len Roay-an (Ségolène Royal), hai người có số phiếu cao nhất trong vòng 1, rồi trong vòng 2, ông Xác-cô-di đã thắng với một tỷ số không xa đối thủ của mình là bao nhiêu.

Dư âm năm 2007 còn cho thấy, một số người tiếc là cuộc vận động tranh cử của bà Roay-an hơi “yếu”, nội bộ đảng Xã hội Pháp (PS) không thực sự đoàn kết đứng sau lưng ứng cử viên của mình, nên đảng PS không đạt được mục đích mong muốn. Nhân vật về thứ ba trong vòng 1 của năm 2007 là ông Phrăng-xoa Bây-ru (François Bayrou), thuộc đảng trung lập đã làm thất vọng một số cử tri của mình khi các nhân vật trong đảng của ông và ông kêu gọi dồn phiếu cho ứng cử viên của đảng Liên minh phong trào vì nhân dân (UMP), ông Xác-cô-di.

Trong mùa tranh cử năm 2007 có nhiều tiếng kêu gọi bỏ phiếu trắng hay tẩy chay bầu cử nổi lên. Nhưng năm nay thì có hẳn một sự khác biệt, không khí bầu cử là một không khí tranh đấu khá sôi động giữa hai cánh chính trị, tả và hữu. Có vẻ như dân chúng sẽ náo nức đi bầu.

Ngày 15-4 vừa qua, hai ứng cử viên Ni-cô-la Xác-cô-di và Phrăng-xoa Ô-lăng-đơ (François Hollande) đều biểu dương lực lượng đến mức tối đa. Ông Xác-cô-di diễn thuyết ở ngay trung tâm thủ đô Pa-ri, tại quảng trường La Công-coóc-đờ, một nơi có bề dày lịch sử. Đó là nơi mà Cách mạng Pháp 1789 đã chém rơi đầu vị vua cuối cùng của dòng Capétien, vua Lu-i XVI vào ngày 21-1-1793, và vợ ông, hoàng hậu Ma-ri An-toan-nét vào ngày 16-10-1793.

Ông Xác-cô-di tung ra một lời kêu gọi và trấn an nhiều ý nghĩa “Đừng lo sợ. Họ sẽ không thắng được đâu!”. Còn ông Ô-lăng-đơ diễn thuyết cách đó không xa, về phía tây của Pa-ri, tại Vanh-xen-nơ và khẳng định: “Tôi là người duy nhất có thể đem lại chiến thắng về phía tả”, cũng như hứa hẹn sẽ tiếp nối sự nghiệp của cố Tổng thống Phrăng-xoa Mít-tơ-răng. Cả hai đảng UMP và PS đều đưa ra một con số tham dự hơn 100.000 người, nhưng con số này không ai kiểm chứng được, cơ quan cảnh sát cũng không xác định là bao nhiêu. Trước đó, ngày 14-4, ông Giăng Lúc Mê-lăng-sông (Jean-Luc Mélenchon), ứng cử viên của liên minh các đảng phái thuộc cánh tả mà trong đó có Đảng Cộng sản Pháp, đã tập hợp được khoảng 120.000 người tại Mác-xây, gần bãi biển Pra-đo.

Trong 5 năm qua, chính phủ Xác-cô-di/Phi-ông đã để lại những con số không mấy ấn tượng. Thống kê của Viện Thống kê Pháp (INSEE) cho hay, tỷ lệ thất nghiệp của thành phần lao động tích cực tăng từ 8,1% (2007) lên thành 9,8 % (tính cả những đơn vị hành chính hải ngoại DOM); tổng số nợ quốc gia tăng từ 1.216,4 tỷ ơ-rô (66,6% tổng sản lượng quốc dân, năm 2007) lên thành 1.717,3 tỷ ơ-rô (85,8% tổng sản lượng quốc dân năm 2012).

Đầu tháng ba là khoảng thời gian khá “hồi hộp” cho chính trường tranh cử, vì các ứng cử viên, cho đến 18 giờ ngày 16-3 phải nộp danh sách ủng hộ có ít nhất 500 chữ ký ủng hộ của các đại biểu do dân bầu ra, kể từ cấp xã trưởng (tổng số là 47.000 người do dân bầu ra). Nhiều nhân vật chính trị quan trọng như bà Mác-tin Ô-bri (Martine Aubry), bà Roay-an, ông Đô-mi-ních Đờ Vi-lơ-panh (Dominique de Villepin) và ngay cả ông Xtrốt Can (Dominique Strauss-Kahn), người mang nhiều tai tiếng nhất hiện nay, không hội đủ các điều kiện và cơ hội ứng cử. Kết quả là có 10 ứng cử viên được tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2012- 2017, trong đó có 5 ứng cử viên thuộc cánh hữu và 5 ứng cử viên thuộc cánh tả. Kết quả này cho thấy, nếu năm 2007 cánh tả ở thế yếu, thì năm nay cánh tả đang trên chiều hướng đi lên. Hai nhân vật cánh tả, ông Ô-lăng-đơ và ông Mê-lăng-sông chiếm lĩnh cán cân nghiêng ngửa so với hai nhân vật nổi nhất của cánh hữu, ông Xác-cô-di và bà Ma-rin Lơ Pen. Đặc biệt, ông Mê-lăng-sông với ba buổi diễn thuyết tại quảng trường Ba-xtin tại Pa-ri, biểu tượng của Cách mạng Pháp, tại quảng trường Lơ Ca-pi-tôn ở Tu-lu-dơ và Mác-xây đã nổi lên chiếm thế mạnh một cách bất ngờ. Liên minh cánh tả đưa ra tham vọng là sẽ chấm dứt nền Đệ ngũ Cộng hòa Pháp, để bắt đầu nền Đệ lục Cộng hòa.

Rất nhiều dự đoán về kết quả bầu cử đã được đưa ra. Có dự đoán, ông Xác-cô-di và ông Ô-lăng-đơ sẽ dắt tay nhau vào vòng 2. Nhưng theo một dự đoán bất ngờ khác, hai nhân vật dẫn đầu vòng 1 sẽ là bà Ma-rin Lơ Pen (cực hữu) và ông Mê-lăng-sông (cực tả). Sự bất ngờ này sẽ thành sự thật hay không? Hãy chờ xem!

Mathilde Tuyết Trần

(Gửi từ Pa-ri)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/3/102/102/184741/Default.aspx