'Nước Mỹ' của Franz Kafka được xuất bản ở Việt Nam

Nếu đã từng quen với Kafka ở những “Hóa thân”, “Tòa án” hay “Lâu đài” sẽ thấy “Nước Mỹ” là một tác phẩm rất khác của nhà văn này.

Nước Mỹ, có một giai điệu nhẹ nhàng, thông thoáng, rất giống bộ phim hài, nhưng vẫn đậm chất phi lý Kafka.

Bản dịch Nước Mỹ, tác phẩm đầu tiên của thiên tài kì dị Kafka cuối cùng cũng được xuất bản tại Việt Nam đáp ứng sự chờ đợi của độc giả. Cùng với bộ ba kiệt tác, Hóa thân, Lâu đài, Tòa ánThư gửi bố, tác phẩm của Kafka đã được xuất bản khá hoàn chỉnh tại Việt Nam.

Hầu hết các nhà văn phải mất nhiều năm để trở thành chính mình, để chuyển đổi các mối bận tâm của họ và tìm kiếm một phong cách cá nhân đặc biệt. Đối với Franz Kafka, người đã từng là một ngoại lệ đối với rất nhiều quy tắc của cuộc sống và văn học, chỉ mất một đêm duy nhất.

Ngày chủ nhật 22 tháng 9, 1912, sau ngày Yom Kippur, Kafka 29 tuổi ngồi vào bàn và viết Sự phán xét, kiệt tác đầu tiên của mình, trong một bài đêm dài.

Sau tác phẩm ấy, ông hăm hở bắt tay vào viết bản thảo Nước Mỹ. Kafka đóng kín cửa và bắt tay vào những cuộc thử nghiệm. Ban đầu ông viết rất nhanh, nhưng sau đó ông lại viết ì ạch, liên tục bỏ dở, và trì hoãn. Cho đến cuối năm 1914, Kafka đã bỏ dở hoàn toàn cuốn tiểu thuyết này.

Nước Mỹ là cuốn đầu tiên trong ba tiểu thuyết ở dạng dang dở (cùng với Vụ ánLâu đài), được xem là bộ ba về sự cô đơn phí lý, một cảm thức nổi bật trong tác phẩm Kafka.

Cuốn tiểu thuyết thể hiện rõ trí tưởng tượng vô cùng sâu sắc của Kafka. Tác phẩm miêu tả một cuộc “biến mất” của người thanh niên trẻ Karl Rofsmann, và từ đó bắt đầu cuộc phiêu lưu cuộc đời mình trên đất Mỹ, với đầy đủ những trạng huống tưởng chừng sẽ không bao giờ có hồi kết trong đời sống. Anh đi lòng vòng quanh nước Mỹ, rơi vào những vực xoáy, luẩn quẩn những cuộc mất tích không thoát ra được.

Kafka đã miêu tả được những trạng thái nghẹt thở nhất của nước Mỹ lúc bấy giờ, nhưng nước Mỹ cũng trở thành một địa danh hư thực, khi Kafka miêu tả tượng Nữ thần Tự Do “cánh tay cầm kiếm như vừa vung lên và những làn khí tự do đang thổi quanh thân tượng”.

Trong suy nghĩ của nhà văn, ngọn đuốc tự do đã biến thành một thanh gươm trừng phạt, đó phải chăng là điềm bào của nhiều hình phạt cho nhân vật Karl, mà trong suốt diễn biến của tiểu thuyết, anh đã phải chịu đựng.

Franz Kafka - Nhà văn kỳ dị của thế kỷ 20. Ảnh: literate.

Cuốn tiểu thuyết dừng lại khi chuyển tàu đưa Karl đến vùng đất Oklaham, một địa danh như thực như mơ, bắt đầu khởi hành. Không ai biết vùng đất ấy ở đâu, không ai biết Karl sẽ sống tiếp ra sao. Nước Mỹ kết thúc ở đó, dang dở bất tận và bao trùm cô đơn.

Karl trong tác phẩm này hay K trong Lâu đài đều là những con người sống bơ vơ giữa những mê cung phi lý của đời sống, mà không biết số phận mình rồi sẽ đi về đâu, như chính lời Milan Kundera khi nghiên cứu Kafka cũng đã nhận định: “Với Kafka, tiểu thuyết không còn là điều tự bạch của tác giả. Tiểu thuyết là cơ hội thăm dò ý nghĩa cuộc sống, khi thế giới đã trở thành cái bẫy giam hãm con người”.

Ở cuốn tiểu thuyết đầu tiên này, lối viết của Kafka vẫn còn ở trạng thái bản năng nên so với các tác phẩm tiếp theo vẫn còn thiếu thuyết phục. Dù vậy, ở đây Kafka cũng đã bắt đầu hình thành các kỹ thuật mà ông sẽ sử dụng, và đạt được hiệu quả lớn sau này.

Kafka đã thực hiện được giấc mơ biến mất của mình qua các tác phẩm. Ông không tìm đến Mỹ hay một vùng đất trống không nào hết, như đã từng khao khát. Ông thực hiện cuộc biến mất của mình trong những văn bản, như chính Kafka từng nói “Tôi chẳng là gì khác, ngoài văn chương”. Với Kafka, chỉ như vậy là đủ.

Nước Mỹ được xuất bản ở Việt Nam qua bản chuyển ngữ của dịch giả Lê Chu Cầu, người luôn say mê Kafka và đã từng dịch các tác phẩm trước đó của nhà văn vĩ đại này.

Phong Linh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nuoc-my-cua-franz-kafka-duoc-xuat-ban-o-viet-nam-post689347.html