Nước mắm, truyền thông và câu chuyện về phẩm giá

“Cuộc chiến” nước mắm cuối cùng đã đi đến hồi kết khi báo Thanh Niên đã chính thức cáo lỗi và gỡ bỏ các bài viết liên quan đến vụ “nước mắm”.

Những thùng gỗ sản xuất nước mắm truyền thống của nhà thùng ở Phú Quốc.

Chưa bao giờ mà mạng xã hội lại nóng lên vì một “cuộc chiến” liên quan đến một loại gia vị trong bữa ăn đến như thế, nước mắm, cái từ chỉ cần nhắc đến đã gợi nên bao nỗi niềm thân thương với người Việt, có lẽ chính bởi thế nên nó nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Bắt đầu từ sự việc Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) công bố hàm lượng arsen trong các mẫu nước mắm sản xuất theo phương thức truyền thống không đảm bảo gây nên một cơn chấn động trong toàn xã hội. Nhưng tiếc thay, đó chỉ là những kết quả thiếu minh bạch, chưa chuẩn xác và đầy những thông tin mơ hồ khi kết quản này dường như cố tình gây nhầm lẫn giữa arsen hữu cơ (vô hại) với arsen vô cơ (có hại) cho sức khỏe người tiêu dùng.

Và cuối cùng, những doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống lãnh đủ, người tiêu dùng quay lưng, đơn hàng xuất rồi bị trả lại, thậm chí hệ thống siêu thị lớn là Fivimart đã nhanh tay dẹp bỏ tất cả các sản phẩm nước mắm truyền thống có trong danh sách “arsen” của VINASTAS ra khỏi kệ hàng của mình.

Nhưng đã khác với giai đoạn trước đây, phần đông người tiêu dùng và người sử dụng mạng xã hội đã không dễ bị những ông lớn truyền thông hù họa như một con “ngáo ộp”. Chính các “cư dân mạng” chứ không phải ai khác, đã “đọc vị” ra kịch bản định triệt hạ đường sinh sống của các hãng nước mắm truyền thống khi ngay sau khi công bố chỉ số arsen này, một đại gia trong lĩnh vực sản xuất gia vị và các loại nước chấm, nước tương đã tung ra quảng cáo sản phẩm của mình là an toàn, không có arsen.

Chiêu trò này bị nhanh chóng nhận ra bởi cũng là “bổn cũ soạn lại”, cách đây vài năm, cơn địa chấn mang tên “3-MCPD” trong nước tương gây ung thư đã hạ gục tất cả các đối thủ cạnh tranh . Bởi vì ngay sau khi con số kết quả điều tra này được công bố, đại gia này đã tung ra thị trường một mặt hàng mới được quảng cáo là không có “3-MCPD”.

Chưa khi nào mà vai trò của truyền thông và đạo đức người làm báo lại bị đem ra “mổ xẻ” kỹ lưỡng như trong trường hợp của “cuộc chiến” nước mắm này. Dù là cố ý hay vô tình trở thành nạn nhân, những trang báo đi đầu trong việc công bố những số liệu của VINASTAS đã nhận được bài học lớn và đắt giá.

Rõ ràng, trong thời buổi mà công nghệ marketing đã được nâng lên tầm thượng thừa, thậm chí các đại gia còn không ngần ngại sử dụng cả chiêu trò “truyền thông bẩn” để phục vụ cho mục đích tăng chỉ số bán hàng và lợi nhuận của mình, báo chí buộc phải “cảnh giác” và “sáng suốt” hơn lúc nào hết.

Cũng may mà “kiếp nạn” này đã nhanh chóng qua đi với nước mắm truyền thống khi đích thân Thủ tướng vào cuộc chỉ đạo làm rõ những thông tin xung quanh việc công bố chỉ số arsen của VINASTAS. Nước mắm truyền thống đã được Bộ Y tế giải oan. Nước mắm truyền thống đã lấy lại được niềm tin nơi người tiêu dùng bởi “phẩm chất” riêng có mà không loại nước chấm công nghiệp nào sánh kịp.

Nước mắm truyền thống, thứ gia vị tinh túy ngàn đời mang đậm hồn cốt người Việt, chỉ có muối mặn và con cá tươi ròng được đánh lên từ biển, qua phơi nắng phơi sương mà chắt ra từng giọt như cái ân tình sâu đậm của trời đất. Nó đã gắn bó với người Việt từ bao đời qua và có lẽ sẽ còn gắn bó với người Việt cho đến mãi mãi về sau.

Cây ngay không sợ chết đứng. Nước mắm truyền thống đã lấy lại được phẩm giá của mình, trắng là trắng mà đen là đen chứ không thể “lập lờ đánh lận con đen” như ý định của một ai đó định thâu tóm toàn bộ thị trường nước mắm về tay mình.

Mong rằng càng ngày sẽ càng có nhiều người tiêu dùng tin tưởng và ủng hộ cho nước mắm truyền thống. Đừng quay lưng lại với những thứ “của gia bảo” mà ông bà chúng ta đã trao truyền lại cho con cháu ngàn đời.

Mi An

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/nuoc-mam-truyen-thong-va-cau-chuyen-ve-pham-gia-3321493/