Nước mắm pha hóa chất gây hại: Thả gà ra đuổi?

Đừng có nói người tiêu dùng thông thái, người tiêu dùng rất khó để có thể lựa chọn đúng, nhắm mắt đưa tay cái là chết.''

Những ồn ào xung quanh nhưng nghi ngờ về việc hai nhãn hiệu nước mắm (Chinsu và Nam Ngư) của doanh nghiệp này chứa nhiều hóa chất vẫn chưa kết thúc.

Mặc dù họ khẳng định các sản phẩm nước mắm trên được chế biến và đóng chai theo quy trình công nghệ khép kín theo đúng quy định của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) và Sở Y tế địa phương nhưng người tiêu dùng vẫn đặt dấu hỏi về việc ''nước mắm công nghiệp'' có thực sự an toàn?

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, làm rõ tình trạng nước mắm công nghiệp có nhiều loại hóa chất trong thành phần với hàng trăm nhãn hàng khác nhau, đang chi phối thị trường.

Người tiêu dùng rất khó để có thể lựa chọn đúng, nhắm mắt đưa tay cái là chết. Ảnh: Zing

Phải thay đổi

Trao đổi với Đất Việt, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội (Nay là sở Công thương Hà Nội), nguyên Phó ban Phòng chống buôn lậu TP Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, không chỉ riêng nước mắm mà nhiều hàng hóa Việt Nam đang trong tình trạng mập mờ về tiêu chuẩn chất lượng khiến người tiêu dùng ''không biết đâu mà lần''.

''Nước mắm thì gắn mác 40 độ đạm, siêu đạm, rồi tiêu chuẩn nọ kia nhưng thực chất thì không phải vậy. Bây giờ vào siêu thị hàng trăm hàng loại nước mắm, chả biết thế nào. Đừng có nói người tiêu dùng thông thái, người tiêu dùng rất khó để có thể lựa chọn đúng, nhắm mắt đưa tay cái là chết.

Để xảy ra tình trạng này là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Bộ Y tế, Bộ Công thương…Chúng ta phải xây dựng quy chuẩn rõ ràng về tiêu chuẩn hàng hóa, doanh nghiệp nào mà không đúng thì phải xử lý thật mạnh tay.

Thứ hai, các cơ quan quản lý phải chủ động bảo vệ người tiêu dùng. Thứ ba là cơ quan chức năng phải quản lý từ gốc. Nghĩa là phải giám sát từ cơ sở làm nước mắm, từ nguyên liệu đầu vào, muối ướp thế nào...'' ông Phú lưu ý.

Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, hiện nay cơ quan chức năng đang tập trung quá nhiều vào việc kiểm soát khâu bán lẻ. Trong khi đó, có hàng vạn tiểu thương, hàng trăm siêu thị thì việc quản lý là rất khó. Kiểm soát khâu bán lẻ chỉ là bổ sung.

''Chúng ta đã quá mải mê quản lý ở khâu bán lẻ mà chúng ta quên quản lý từ gốc theo chuỗi, về lý thuyết nó phải theo chuỗi. Chặn luôn từ khâu sản xuất, chứ không thể chặn ở khâu lưu thông.

Khi sản phẩm được tung ra ngoài thị trường, vào 18,000 chợ, 700 siêu thị ở Việt Nam thì làm sao quản lý được, bao nhiêu cửa hàng kinh doanh bán lẻ nữa. Để sự việc này xảy ra rồi mới xử lý thì đã quá muộn.

Kiểu tư duy chạy đuổi theo mùi khói cần phải loại bỏ. Nước mắm trong nước đã bê bối như vậy, còn nước mắm nhập khẩu của Thái Lan, của Trung Quốc thì sao?

Chính vì vậy, chúng ta phải thay đổi hoàn toàn về tư duy quản lý thực phẩm nói chung và vấn đề nước mắm nói riêng. Khi mà sản phẩm xuất xưởng, kiểm tra được chất lượng, nguyên liệu, thì phải dán tem luôn, để người tiêu dùng yên tâm không phải hàng giả, hàng dởm. Tránh trường hợp quảng cáo vống lên, mất niềm tin ở người tiêu dùng.

Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là thực trạng này đang diễn ra hàng ngày tại thị trường Việt Nam. Không chỉ riêng nước mắm, nước tương, xì dầu, tương ớt... cũng đang gặp vấn đề tương tự.'' ông Phú khẳng định.

Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, hiện nay có nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận mà bất chấp tất cả. Số người làm ăn tử tế về sản xuất phân phối không có nhiều. Điều này là mối nguy hiểm cho xã hội.

Sai lầm nghiêm trọng

Nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc hơn, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, việc để các doanh nghiệp sản xuất tự công bố chất lượng trước khi đưa ra thị trường là một sai lầm nghiêm trọng, cần phải thay đổi ngay.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/nuoc-mam-pha-hoa-chat-gay-hai-tha-ga-ra-duoi-3320850/