Nước mắm nhiễm arsen: nửa sự thật không là sự thật!

Sự kiện 101/150 mẫu nước mắm được khảo sát không đạt tiêu chuẩn về arsen đang gây sự chú ý của dư luận và điều này dễ làm chúng ta nhớ đến câu chuyện nước tương nhiễm 3-MCPD chín năm về trước.

Khi ấy, trong lúc dư luận hoang mang về sự an toàn của các loại nước tương thì Masan tung ra sản phẩm nước tương Tam Thái Tử với thông điệp “nước tương không có 3-MCPD” và chớp thời cơ chiếm lĩnh thị trường.

Liệu rồi trong vụ "lùm xùm" với nước mắm nhiễm arsen, sẽ có doanh nghiệp nào tận dụng cơ hội tương tự để hưởng lợi? Câu trả lời là hoàn toàn có thể và điều này, trong kinh doanh, người ta thường gọi đơn giản là làm ăn dựa trên nỗi sợ.

Tuy vậy, xin hãy bình tĩnh. Ở đây là một câu chuyện khác.

Theo công bố của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) và Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chiều 17-10, kết quả thử nghiệm arsen (thạch tín) tổng cho thấy, có đến 101/150 mẫu khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định.

Hàm lượng arsen tổng của mẫu không đạt dao động từ trên 1 mg/l đến 5mg/l. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, hàm lượng arsen cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1 mg/l. Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu có arsen tổng vượt ngưỡng quy định thì đều không phát hiện có arsen vô cơ (loại chất có hại cho sức khỏe).

Như vậy, điều tích cực đầu tiên là các mẫu nước mắm không có arsen vô cơ. Suy ra, hàm lượng arsen còn lại là arsen hữu cơ, rất có thể đến từ arsen hữu cơ có sẵn trong cá biển. Theo một số nhà chuyên môn, không phải loại arsen hữu cơ nào cũng độc hại với cơ thể.

Theo quy định của Bộ Y tế, cụ thể tại QCVN 8-2:2011/BYT thì giới hạn arsen trong nước chấm là 1 mg/L. Thế nhưng, cũng theo quy định này, lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận được tạm thời, tính theo arsen vô cơ là 0,015 mg/kg thể trọng.

Lấy ví dụ, bạn là một phụ nữ, nặng 50 kg. Theo tiêu chuẩn trên, trong một tuần, cơ thể bạn có thể tạm thời chấp nhận lượng arsen vô cơ đưa vào là 0,75 mg. Giả sử bạn dùng lại nước mắm ở ranh giới an toàn với hàm lượng arsen là 1mg/l thì để chạm mức 0,75 mg arsen, riêng một mình bạn phải dùng 0,75 lít nước mắm.

Có ai trong chúng ta dùng nước mắm nhiều đến thế? Chưa kể, chỉ tiêu trên mới chỉ áp dụng cho arsen vô cơ, chứ không phải arsen hữu cơ.

Do vậy, có thể đừng nên quá hoang mang trong ngắn hạn.

Hiện có một số ý kiến đề nghị công bố danh sách các cơ sở sản xuất nước mắm có hàm lượng arsen hữu cơ vượt mức cho phép theo quy định của Bộ Y tế. Việc này nên chăng?

Báo Dân Trí, ngày 18-10 (1), dẫn ý kiến của bà Trần Thị Dung, chuyên gia Viện Kinh tế - Quy hoạch thủy sản cho biết, bản chất trong nước mắm đã chứa hàm lượng arsen hữu cơ cao do tự có trong thủy sản và hải sản. Tuy nhiên, khác với asen vô cơ (là chất công nghiệp, cho vào sản phẩm, sử dụng liều cao gây ung thư, tử vong), asen hữu cơ gần như vô hại, thậm chí ở châu Âu còn cho phép hàm lượng asen trong nước chấm lên tới 30 mg/lít.

Trong bài phỏng vấn trên Cafef.vn ngày 18-10 (2), PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm cũng đưa ra nhận xét tương tự: “Arsen vô cơ thì độc, còn arsen hữu cơ không độc, nó vẫn tồn tại như một chất tự nhiên có trong con cá”.

Rõ ràng, khi chưa thể khẳng định sản phẩm có độc hại hay không mà công bố thì chẳng khác nào đẩy doanh nghiệp vào thế khó.

Có thể thấy việc công bố kết quả khảo sát vừa qua của VINASTAS giúp người tiêu dùng ý thức hơn về chất lượng nước mắm sử dụng hàng ngày. Thế nhưng việc công bố thông tin còn mập mờ về tính an toàn như trên rất nguy hiểm.

Đừng quên, một nửa sự thật không bao giờ là sự thật. Khi VINASTAS đưa ra một nửa sự thật, họ đẩy sự bất an về phía người tiêu dùng và đẩy nỗi lo về phía những doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống.

----------

(1) http://dantri.com.vn/suc-khoe/hoang-mang-nuoc-mam-nhiem-asen-doc-hay-khong-doc-20161018155810954.htm

(2) http://cafef.vn/cach-cong-bo-nuoc-mam-nhiem-arsen-nhu-vay-la-khong-chuan-muc-20161018122635059.chn

Nguồn NDH: http://ndh.vn/nuoc-mam-nhiem-arsen-nua-su-that-khong-la-su-that--20161019025438210p150c170.news