Nước mắm độ đạm cao nhiễm thạch tín: Mắm thật không tin

Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết khẳng định thông tin nước mắm độ đạm thì chứa thạch tín càng nhiều là thông tin thiếu khách quan.

Đánh giá thiếu khách quan?

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát 150 mẫu nước mắm được sản xuất từ các cơ sở có địa chỉ tại 19 tỉnh, thành trên toàn quốc.

Các sản phảm trên được mua trực tiếp từ đại lý phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ bán lẻ và cửa hàng bán sản phẩm đặc sản.

Kết quả thử nghiệm Arsen tổng cho thấy có đến 101/150 mẫu nước mắm được khảo sát có hàm lượng thạch tín cao quá mức cho phép. Đáng chú ý, 95,65 % nước mắm độ đạm cao thì chứa thạch tín càng nhiều.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ông Trương Quang Hiến, Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết cho rằng cần phải xem xét lại các kết quả được đưa ra.

Theo ông Hiến, bất cứ doanh nghiệp nào khi làm nước mắm truyền thống cũng đều phải tuân thủ các quy định của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) và Sở Y tế địa phương.

Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết khẳng định thông tin nước mắm độ đạm thì chứa thạch tín càng nhiều là thông tin thiếu khách quan. Ảnh minh họa

Đặc biệt, từ nhiều năm nay các chuyên gia và người tiêu dùng đều dựa vào chỉ số đạm để đánh giá chất lượng nước mắm. Nước mắm độ đạm càng cao thì càng ngon và được nhiều người lựa chọn hơn.

“Nước mắm truyền thống từ 20-30 đạm là loại ngon, từ 10-20 đạm là loại bình thường, cao hơn nữa thì do khoa học kỹ thuật. Nếu nước mắm nhiều đạm ăn mà độc hại, nhiễm thạch tín thì làm sao xuất khẩu đi nước ngoài được. Ở đây các doanh nghiệp thu mua cá xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu. Một bữa người ta có thể ăn hết 200 - 250 mg nước mắm. Nếu không đạt tiêu chuẩn chắc chắn không thể bán vào các thị trường này vì yêu cầu, đòi hỏi của họ rất cao.

Thứ hai, thương hiệu và các sản phẩm nước mắm Phan Thiết đang được công nhận tại Mỹ, Thái Lan, Campuchia. Hiện nay chúng tôi chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch là chính để tránh nợ đọng vốn của người dân. Tôi khẳng định đánh giá như kết quả mới công bố không khách quan”, ông Hiến nhấn mạnh.

Trả tên cho nước mắm: Đạm thấp khác gì... pha lấy mùi

Ông Hiến khẳng định để đánh giá chất lượng nước mắm thì cần những cơ quan có chuyên môn bên Cục vệ sinh an toàn thực phẩm và Bộ Y tế vào cuộc. Đặc biệt, cần phải đi khảo sát các tỉnh sản xuất nước mắm để xem xét công nghệ dây truyền, chất lượng sản phẩm thực tế chứ không nên dừng lại ở việc lấy các mẫu nước mắm mua tại các siêu thị, cửa hàng.

“Nếu muốn lấy chuẩn xác thì các cơ quan có chuyên môn phải đi từ Bắc vào Nam, vùng ven biển làm nước mắm. Phải lấy mẫu trực tiếp ở đó để kiểm tra, chứ lấy hàng trên kệ thì với công nghệ hiện tại, các nhà sản xuất cho đầy đủ các loại vào thì sao chuẩn được.

Sản xuất nước mắm truyền thống chỉ có cá và muối thì sẽ cao đạm và ngon nhất. Còn bất kể anh cho một loại hóa chất hay một chất phụ gia nào vào là đã không tốt rồi. Nước mắm công nghiệp chỉ được 2,3, 4 đạm thì đương nhiên arsen thấp. Nó chỉ có màu, mùi còn đạm làm gì có đâu. Ở đây ngang bằng muối pha màu chứ đâu phải nước mắm. Nếu nhận được những văn bản kết luận như vậy chắc chắn tôi sẽ lên tiếng phản đối”, ông Hiến nêu quan điểm.

Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết cho rằng cần phải đưa ra những ý kiến đánh giá khách quan, thông tin sự thật nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của ngành sản xuất nước mắm nói riêng và ngành xuất khẩu cá nói chung của Việt Nam.

“Chúng ta phải nói đúng, làm đúng. Với những thông tin trên thì người dân chắc chắn sẽ nghi ngại. Hơn nữa việc xuất khẩu cá, thủy sản hay nước mắm sang thị trường các nước cũng gặp khó khăn. Công bố cái gì cũng cần phải chính xác và có lương tâm. Phía nhà sản xuất, chúng tôi chỉ muốn người tiêu dùng thông thái, biết thế nào là lợi, thế nào là hại để lựa chọn những sản phẩm tốt nhất”, ông Hiến nhấn mạnh.

Phải đánh giá nhiều lần

Cùng ngày trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, cá nhân ông chưa thật sự tin tưởng vào những kết luận mới được đưa ra.

Theo PGS.TS Thịnh để có kết quả khảo sát các mẫu nước mắm được chính xác thì cần phải làm nhiều lần, nhiều vị trí khác nhau, đặc biệt nhiều cơ quan phân tích khác nhau cùng làm các thí nghiệm. Nếu chỉ tiến hành một lần rồi đưa ra các con số trên thì chưa thể chính xác được.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/nuoc-mam-do-dam-cao-nhiem-thach-tin-mam-that-khong-tin-3321039/