Nước mắm công nghiệp: Không độc hại nhưng nghèo dinh dưỡng

Cục ATTP đã lên kế hoạch tổng kiểm tra chất lượng các sản phẩm nước mắm, đảm bảo đúng quy định trong dán nhãn và minh bạch thông tin.

Chiều 12/10, trao đổi với Đất Việt, ông Lê Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế cho hay đã chuyển các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng cũng như giao nhiệm vụ cho Cục ATTP thực hiện rà soát các nội dung thông tin như báo chí phản ánh.

TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho hay, Ban chỉ đạo liên ngành sẽ thành lập đoàn Thanh tra để kiểm tra, báo cáo thủ tướng theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Một đoàn thanh tra kiểm tra nước mắm tại siêu thị.

Theo ông Phong, hiện nay có cách gọi phân biệt "nước mắm công nghiệp" được pha hóa chất là cách gọi phiến diện.

"Những hóa chất được nhắc đến là các phụ gia thực phẩm. Đối với một số sản phẩm nước mắm hiện nay đã thực hiện việc ghi nhãn, dán nhãn bằng cách ghi tên các thành phần phụ gia thực phẩm có trong đó. Vấn đề là doanh nghiệp có ghi rõ, chính xác và đầy đủ cũng như đúng nồng độ và trong danh mục cho phép, đảm bảo độ tinh khiết của các phụ gia đó trong sản phẩm của mình hay không?", TS. Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh.

Ông Phong cho rằng, việc công khai ghi tên đầy đủ các phụ gia thực phẩm được sử dụng trong sản phẩm đó là quy định bắt buộc phải ghi nhãn mà doanh nghiệp trên thế giới nào cũng phải thực hiện.

Ngay cả các sản phẩm nước mắm truyền thống cũng sử dụng phụ gia thực phẩm. Nếu doanh nghiệp sản xuất nước mắm sử dụng đúng phụ gia đúng như công bố thì chất lượng sản phẩm đó hoàn toàn đảm bảo.

Trong khi đó, ông Trần Hữu Linh, Chánh VP Bộ Công thương cho hay Bộ vừa nhận được văn bản của Thủ tướng và vì Bộ Y tế chủ trì nhiệm vụ này nên phía Bộ Công thương đang đợi phía Bộ Y tế có văn bản phối hợp làm việc.

Nhầm lẫn nước mắm - nước chấm

Việc có quá nhiều phụ gia thực phẩm được ghi nhãn trên một chai nước mắm khiến dư luận không khỏi lo lắng về việc kết hợp giữa các loại phụ gia này trong chế biến cũng như dùng sai loại nước mắm - nước chấm liệu có ảnh hưởng như thế nào.

Giải thích điều này, PGS.TS. Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) khẳng định, các phụ gia thực phẩm đã được cơ quan nhà nước cho phép sử dụng trong thực phẩm và đúng với chủng loại và chất lượng thì về mặt độc hại thì hoàn toàn không ảnh hưởng tới sức khỏe.

Loại trừ trường hợp doanh nghiệp không sử dụng đúng hàm lượng các chất phụ gia thì sẽ có các rủi ro.

Do vậy, việc một chai nước mắm được sản xuất ra có ghi quá nhiều các phụ gia thực phẩm như báo chí phản ánh không hề có hại hay gây độc. Tuy nhiên, về giá trị dinh dưỡng thì có hạn chế rất nhiều.

"Nước mắm dùng ăn ngay thì được gọi là nước chấm. Nước chấm đã được pha thêm các phụ gia và chỉ cần mua về là dùng luôn. Không cần pha thêm các gia vị khác như chanh, ớt, mỳ chính... Nước mắm nói chung là mắm nhỉ, nước chắt từ cốt cá. Còn nước mắm nấu là đem chược ra để nấu lại và lọc, pha chế để đóng chai.

Những sản phẩm nước mắm được dùng từ mắm nhỉ hay từ hương liệu phụ gia đều được gọi là nước chấm", PGS.TS. Côn cho biết.

Chính vì vậy, theo PGS.TS. Côn, nếu dùng nước chấm để đun thì cũng không ảnh hưởng và độc hại gì nếu như loại nước chấm đó tuân thủ đúng các hàm lượng và các loại phụ gia được cho phép.

Nước mắm - nước chấm - nước mắm đun có các hàm lượng dinh dưỡng khác nhau.

Song xét về hàm lượng dinh dưỡng có trong nước mắm và nước chấm thì đương nhiên là khác nhau nhiều.

"Người tiêu dùng ưa dùng nước chấm hơn bởi nó đã được pha chế thêm nhiều phụ gia để át đi mùi khó ngửi của mắm truyền thống từ cốt cá. Nhưng về bản chất, trong một chai nước chấm có thể chỉ có hương liệu mà không hề có tinh chất cá. Còn trong một chai nước mắm thì bắt buộc phải có các quy định về độ đạm và hàm lượng các chất liên quan", vị chuyên gia cho hay.

Trong nước chấm sẽ có thể có rất ít hoặc không có lượng axit amin. Còn axit amin trong nước mắm chính là các dinh dưỡng bổ sung năng lượng cho con người.

Nhưng trong một xã hội thừa mứa các chất dinh dưỡng, có lẽ con người ta đã quen với cách ăn mắm không còn dinh dưỡng mà chỉ để cho hợp miệng.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/nuoc-mam-cong-nghiep-khong-doc-hai-nhung-ngheo-dinh-duong-3320732/