Nước mắm chứa asen hữu cơ không gây hại sức khỏe

Việc Asen trong nước mắm vượt ngưỡng cho phép như báo cáo của Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố, liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng đang là vấn đề được dư luận quan tâm.

Asen vượt ngưỡng

Vừa qua, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (VNASTAS) và Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã công bố kết quả khảo sát các nhãn hiệu nước mắm trên thị trường.

Theo kết quả được công bố, 95,65% mẫu nước mắm độ đạm cao có hàm lượng Asen vượt ngưỡng qui định. Điều này khiến cho dư luận trong nước khá hoang mang.

Theo VNASTAS, việc tổ chức lấy mẫu nước mắm được đơn vị này thực hiện 2 đợt vào tháng 8 và tháng 9. Sau đó, các mẫu được gửi giám định đồng thời tại 2 đơn vị là Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường 3 TPHCM và Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM. Trong đó, các địa phương được lấy mẫu nhiều nhất là TPHCM (33 mẫu), Kiên Giang (26 mẫu), Bình Thuận (16 mẫu), Hà Nội (14 mẫu)…

Tổng số mẫu khảo sát là 150 mẫu nước mắm đóng chai của 88 nhãn hiệu (được sản xuất bởi các cơ sở có địa chỉ tại 19 tỉnh, thành) đang bán trên thị trường tại 10 tỉnh, thành phố trong cả nước. Các mẫu được giám định thông tin ghi nhãn và 5 chỉ tiêu hóa học về thành phần cấu tạo, an toàn thực phẩm trong nước mắm (nitơ toàn phần, nitơ axit amin, nitơ ammoniac, Asen và hàm lượng muối).

Kết quả cho thấy, 125/150 mẫu nước mắm đều có ít nhất một chỉ tiêu trong 5 chỉ tiêu được khảo sát nói trên không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hóa. Trong đó, 51% mẫu có kết quả chỉ tiêu Nitơ toàn phần nhỏ hơn những gì doanh nghiệp công bố trên nhãn hàng hóa, có mẫu có mức chênh lệch trên 40%; 20% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ axit amin; 2% mẫu không đạt chỉ tiêu Nitơ ammoniac và 50% mẫu không đạt chỉ tiêu về lượng muối.

Theo quy định QCVN 8-2:2011/BYT, hàm lượng Asen (tính theo asen vô cơ) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1,0 mg/l. Trong khi theo kết quả khảo sát, có đến khoảng 67% mẫu không đạt chỉ tiêu Asen tổng theo quy định của Bộ Y tế. Các mẫu không đạt có hàm lượng Asen tổng dao động từ trên 1,0 mg/L đến trên 5 mg/L. "Các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỷ lệ có hàm lượng Asen hữu cơ vượt ngưỡng càng tăng, cụ thể 95,65% số mẫu có độ đạm từ 40% đều có hàm lượng Asen vượt ngưỡng", báo cáo của VINASTAS nêu rõ.

Nỗi lo sức khỏe

Theo ông Vũ Xuân Diện, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, nước mắm là gia vị truyền thống của mọi gia đình Việt, nên nhu cầu sử dụng rất lớn. Hiện cả nước đang có tới 2.300 cơ sở sản xuất và chế biến nước mắm tại tất cả 63 tỉnh và thành phố, mỗi năm tung ra thị trường hơn 200 triệu lít nước mắm. Tuy nhiên gần đây, chất lượng và độ an toàn có nhiều vấn đề gây tranh cãi và không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu rõ.

Nhiều người dân đang lo lắng trước thông tin nước nắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng

“Sợ hàng không đảm bảo vệ sinh, nên gia đình tôi chọn mua mắm ở siêu thị lớn. Với kết quả này, chúng tôi càng lo lắng hơn về các chất hóa học trong mắm hiện nay, không biết loại nào tốt, loại nào không tốt, ăn nhiều và thường xuyên sẽ ảnh hưởng sức khỏe thế nào…”, chị Trần Thị Bích T. (quận 6, TPHCM) lo lắng.

Asen hữu cơ trong nước mắm không đáng lo ngại

Theo một chuyên gia phân tích hóa phẩm (thuộc Sở Khoa học & Công nghệ TP.HCM), trong khi Asen vô cơ vô cùng nguy hại, và việc sử dụng sản phẩm có chưa asen vô cơ trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ gây ung thư bàng quang, thận, gan, phổi và bệnh tim mạch... thì Asen hữu cơ lại tương đối an toàn với con người. Ngay trong bản thân các loài động vật cũng có một lượng Asen hữu cơ nhất định tồn tại dưới dạng hợp chất, phục vụ cho sự phát triển của các tế bào.

Chính vì vậy, vị này cho rằng, việc tìm thấy Asen trong nước mắm không phải là điều quá khó hiểu, khi ngay trong bản thân con cá cũng đã có một lượng Asen hữu cơ ở dạng arsenobetaine nhất định. Độ đạm càng cao, thì lượng Asen càng nhiều.

"Kết quả kiểm tra của VINASTAS cho thấy, không tìm thấy Asen vô cơ vượt quá quy chuẩn cho phép trong các loại nước mắm được kiểm định. Điều này có nghĩa hầu hết đều là Asen hữu cơ. Theo tôi, mức Asen hữu cơ như công bố không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của người sử dụng. Thế nên, các cơ quan chức năng cũng cần có thông tin chính thức để làm an lòng người tiêu dùng", vị này chia sẻ.

Sự kiện này được công bố chỉ sau khi có thông tin dư luận liên tục xôn xao về một mẫu nước mắm vốn nổi tiếng lâu nay trên thị trường Việt Nam có chứa các chất gây nguy hại cho sức khỏe người sử dụng. Vì thế, ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho rằng, các cơ quan của Chính phủ cần tăng cường kiểm tra chất lượng nước mắm, quy trình sản xuất, nội dung ghi nhãn có đúng thực tế và cần công bố kết quả kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp, cơ sở vi phạm để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức để sử dụng các loại nước mắm thực sự an toàn và chất lượng, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, nói không với nước mắm bẩn và gian lận.

Thiện An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nuoc-mam-chua-asen-huu-co-khong-gay-hai-suc-khoe-c7a458835.html