Nước giải khát đóng chai: Làm sao đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng?

Thị trường nước giải khát đóng chai hiện nay vẫn tồn tại nhiều mặt trái gây hoang mang cho người tiêu dùng.

Tại chương trình GLTT " Chất lượng nước giải khát đóng chai với sức khỏe người tiêu dùng" do Chất lượng Việt Nam Online tổ chức, ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, để khẳng định chất lượng sản phẩm có vấn đề hay không, phải xem xét một cách tổng thể từ quá trình sản xuất cho đến toàn bộ khâu bảo quản lưu giữ sản phẩm, thậm chí kể cả việc đánh giá lại các phương pháp thử nghiệm có chính xác.

Theo ông Linh, các cơ quan quản lý nhà nước không thể có đủ nguồn lực để đi kiểm tra, thử nghiệm đối với tất cả các loại NGK. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, Doanh nghiệp là người chịu trách nhiệm trước pháp luật và người tiêu dùng về sản phẩm NGK cung cấp ra thị trường. Trường hợp NGK không đảm bảo an toàn, không phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng thì Doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Các cơ quan quản lý nhà nước qua quá trình theo dõi việc thực thi các quy định pháp luật theo mức độ rủi ro của sản phẩm sẽ quyết định việc tăng cường kiểm soát chất lượng ngay từ ban đầu (tiền kiểm) hay kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa sau khi đã được lưu thông trên thị trường (hậu kiểm).

Thị trường nước giải khát hiện nay thật giả lẫn lộn (Ảnh minh họa)

Thị trường nước giải khát hiện nay thật giả lẫn lộn (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng, vai trò của doanh nghiệp phải được đề cao và là giải pháp chính để giải quyết nạn hàng, hàng nhái. Ông cho biết: “ Có thể thấy tình trạng sản xuất, kinh doanh NGK đóng chai giả, nhái nhãn mác diễn ra từ nhiều năm nay, nhưng chưa được ngăn chặn hiệu quả. NGK đóng chai giả còn đến từ nguồn nhập lậu qua biên giới Trung Quốc. Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng hàng nhái, hàng giả, tôi kiến nghị trước hết cần thắt chặt công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát tận gốc nơi sản xuất, buôn bán, vận chuyển lậu qua biên giới và xử lý nghiêm các vụ vi phạm. Các nhà sản xuất cần hợp tác chặt chẽ với cơ quan chức năng để phát hiện hàng giả, tuyên truyền, hướng dẫn NTD phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng nhái. Sở dĩ nói ra điều này vì vẫn có những nhà sản xuất lo ngại NTD sẽ quay lưng nên không muốn công khai việc sản phẩm của mình bị làm giả. Về phía người tiêu dùng, tôi đề nghị, khi phát hiện hàng giả cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan.

Còn theo ông Trần Quốc Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hóa, “ Để giúp người tiêu dùng, có thể lựa chọn được sản phẩm nước giải khát đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thì người tiêu dùng cần phải kiểm tra hàng hóa trước khi mua. Cụ thể: Kiểm tra về nhãn hàng hóa, xem có ghi đầy đủ: tên hàng hóa, tên cơ sở, địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần hoặc thành phần định lượng, thông tin cảnh báo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản. Tuyệt đối không mua và sử dụng những sản phẩm nước giải khát đóng chai không có hoặc không đầy đủ các thông tin trên.

Trong một số trường hợp, người tiêu dùng có thể kiểm tra bằng phương pháp cảm quan (Ví dụ: nước uống tinh khiết đóng chai thì không có vẩn đục).

Ông Nguyễn Phan Huy Khôi - Giám đốc đối ngoại Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng cho rằng, một sản phẩm chất lượng nước giải khát nếu muốn khẳng định sản phẩm, chất lượng, phân biệt thật giả thì phải luôn minh bạch với người tiêu dùng về các sản phẩm của mình. Ví dụ, "Ngoài việc in trên bao bì cụ thể thành phần theo đúng với tiêu chuẩn sản xuất, chúng tôi còn truyền thông rộng rãi đến người tiêu dùng về công dụng và chất lượng sản phẩm của mình. Qua việc mời người tiêu dùng tham quan nhà máy, dây chuyền sản xuất, kiểm chứng chất lượng sản phẩm, đồng thời thực hiện kiểm nghiệm định kỳ tại các trung tâm kiểm định uy tín trong và ngoài nước để làm cơ sở thông tin đến người tiêu dùng".

Còn theo ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng vụ đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ thì, Trong quá trình xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư hoạc quyết định đầu tư, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư gửi hồ sơ dự án đến cơ quan quản lý khoa học công nghệ để xin ý kiến về nội dung công nghệ. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp mua máy móc,dây chuyền thiết bị công nghệ có kèm theo các đối tượng công nghệ thì trong hợp đồng mua công nghệ cần gửi kèm theo danh mục máy móc thiết bị dây chuyền công nghệ để được xem xét trong quá trình thẩm định.

Trong quá trình thẩm định, cơ quan quản lý KH&CN có thể thành lập các hội đồng xin ý kiến tư vấn của các chuyên gia chuyên ngành để xem xét đánh giá công nghệ, trong một số trường hợp có thể mời các tổ chức định giá công nghệ để xem xét đánh giá giá trị của công nghệ được chuyển giao mua bán.

Trần Thanh

Trần Thanh

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/thi-truong-nuoc-giai-khat-dong-chai-lam-sao-de-phan-biet-chat-luong-san-pham-d104761.html