Nước Anh rối ren trước thềm đàm phán Brexit

Tạo bước chuẩn bị vững vàng trước khi bước vào đàm phán Brexit với liên minh châu Âu (EU) vào ngày 19-6, Thủ tướng Anh Theresa May có quyết định táo bạo khi tiến hành bầu cử trước thời hạn nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cả hai viện ở Quốc hội. Nhưng mọi tính toán dường như đã sai lầm, hệ lụy là chính trường nước Anh rơi vào tình cảnh rối ren và sinh mệnh chính trị của bà Theresa May đang đứng trước bờ vực.

Sinh mệnh chính trị của Thủ tướng Anh Theresa May đang đứng trước bờ vực

Rất khó tưởng tượng chỉ trong vòng 2 năm, chính trường Anh có thể xảy ra những thay đổi lớn đến như vậy. Cuộc trưng cầu ý dân về việc ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit - vào năm 2016 đã gây chấn động trên toàn thế giới, cuộc bầu cử vào ngày 8-6 lại khiến mọi người thất vọng.

Canh bạc chính trị của bà Theresa May

Nhiệm kỳ của Hạ viện Anh là 5 năm, về lý thuyết đến năm 2020 mới cần tiến hành bầu cử. Sau khi thay ông David Cameron trở thành Thủ tướng Anh vào tháng 7-2016, bà Theresa May nhiều lần tuyên bố sẽ không tiến hành bầu cử trước thời hạn.

Nhưng đến tháng 4, bà lại thay đổi hoàn toàn cam kết trước đó, tuyên bố tổ chức bầu cử vào ngày 8-6, cho rằng đây là biện pháp duy nhất để đảm bảo sự ổn định và an ninh cho hiện nay và trong tương lai.

Có những nguyên nhân sâu xa sau: một là muốn giải quyết vấn đề tính hợp pháp của việc bà không phải là Thủ tướng do người dân bầu; hai là nhân khi nội bộ Công đảng đối lập đang đấu đá nhau, để giành được nhiều ghế tại Quốc hội hơn; ba là mở đường cho Brexit cứng do bà nắm vai trò chủ đạo và các cuộc đàm phán Brexit sắp diễn ra.

Tuy nhiên, kết quả cuộc bầu cử gây thất vọng với bản thân bà Thủ tướng và đảng Bảo thủ. Không những không mở rộng ưu thế như dự kiến, mà ngược lại đảng Bảo thủ mất đi 13 ghế, chỉ giành được 318 trong tổng số 650 ghế tại Quốc hội..

Công đảng Anh trước đó từng được nhận định đang yếu đi, dưới sự lãnh đạo của ông Jeremy Corbyn, đã xoay chuyển tình thế khi giành được 262 ghế, tăng thêm 30 ghế so với cuộc bầu cử lần trước.

Do không có chính đảng nào giành được đa số ghế, Hạ viện Anh một lần nữa hình thành cục diện “Quốc hội treo” như từng xuất hiện vào năm 2010.

Giữa ngã tư đường

Không giành được số ghế đa số tại Quốc hội, bà Theresa May đành phải thương lượng với đảng Hợp nhất dân chủ (DUP) tại Bắc Ireland có lập trường chính trị bảo thủ cực đoan để thành lập chính phủ liên minh. Sau khi thông tin này được công bố đã ngay lập tức vấp phải sự nghi ngờ.

Trước hết, bản thân vấn đề của Bắc Ireland rất phức tạp, căn cứ theo Hiệp định Ngày thứ sáu Tốt đẹp (Good Friday Agreement) hay còn gọi là Hiệp định Belfast năm 1998, nhân sự của chính quyền tự trị tuân theo nguyên tắc cùng chia sẻ quyền lực, phân bổ theo tỉ lệ số phiếu của các chính đảng giành được trong cuộc bầu cử địa phương.

Chính đảng ủng hộ thống nhất và chính đảng ủng hộ chủ nghĩa dân tộc Ireland phải đạt được sự đồng thuận trong việc cầm quyền thì mới có thể đảm bảo sự vận hành bình thường của chính quyền tự trị.

Vấn đề ở chỗ trong mấy năm qua, Chính phủ Anh luôn lựa chọn vai trò hòa giải trung lập trong các tranh chấp của Bắc Ireland, cho dù tình hình cuộc bầu cử quốc hội ra sao, đảng cầm quyền đều sẽ không tùy tiện liên kết đồng minh với chính đảng đến từ Bắc Ireland, nếu không người hòa giải lại trở thành quân đồng minh của một bên tranh chấp, làm thế nào để duy trì thái độ hòa giải trung lập?

Bà Theresa May đã phá vỡ điều cấm kỵ chính trị này, rất có khả năng lại đổ thêm dầu vào cục diện bế tắc của Bắc Ireland hiện nay, khiến chính quyền tự trị không thể thành lập, tình hình Bắc Ireland tiếp tục hỗn loạn, tiến trình hòa bình rất khó thực hiện trong 20 năm qua thậm chí có thể do đó phải chịu ảnh hưởng.

Và bản thân quan điểm của DUP và đảng Bảo thủ cũng có nhiều điểm bất đồng dẫn tới việc liên minh sẽ gặp nhiều khó khăn. DUP là chính đảng có chính sách xã hội bảo thủ cực đoan nhất, từng từ chối thừa nhận sự biến đổi khí hậu, phản đối tính hợp pháp của hôn nhân đồng tính, nạo phá thai, nữ quyền.

Do sự phủ quyết của họ, cho đến nay Bắc Ireland vẫn là khu vực duy nhất ở Anh cấm hôn nhân đồng tính và nạo phá thai. Trong mấy năm qua, đảng Bảo thủ luôn ra sức đẩy mạnh quyền bình đẳng, tìm cách thay đổi hình ảnh xã hội thủ cựu của mình và đã có hiệu quả bước đầu. Việc liên minh với chính đảng như vậy rất có khả năng biến những nỗ lực ban đầu thành bong bóng, khá nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ lo ngại vấn đề quyền bình đẳng có khả năng vì vậy chịu tác động tiêu cực.

Sự ra đi chỉ là vấn đề thời gian?

Ngoài ra, đường lối kinh tế-chính trị của hai đảng cũng có khá nhiều bất đồng. DUP chắc chắn sẽ gây khó dễ cho đảng Bảo thủ trong nhiều vấn đề như biên giới trên đất liền, từ đó ảnh hưởng tới lập trường đàm phán Brexit của nước Anh trong tương lai, thậm chí buộc bà Theresa May từ bỏ đường lối Brexit cứng.

Đảng Bảo thủ cũng có thể thử thành lập chính phủ phe thiểu số, tìm kiếm đồng minh lâm thời trong mỗi cuộc bỏ phiếu để duy trì vận hành. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Anh trong những năm 1974, 1978 và 1997 từng xuất hiện cục diện tương tự. Ba lần của chính quyền thiểu số này chỉ duy trì được vài tháng và đều dựa vào số phiếu ít, lập pháp ít để sống lay lắt qua ngày.

Tình cảnh của bà Theresa May càng xấu. Dẫn trước 20% trong cuộc thăm dò dư luận, tình hình đang thuận lợi đột ngột lại không chiếm được đa số ghế tại quốc hội, bản thân bà cũng mất uy tín, hiện nay trong đảng Bảo thủ rất khó tập hợp đủ sức lãnh đạo, đừng nói đến bà Theresa May làm thủ tướng chính phủ trung ương. Vì thế nhiều ý kiến cho rằng, sự ra đi của bà chỉ còn là vấn đề thời gian.

Có thể nói, khi nội bộ đảng Bảo thủ đạt được sự đồng thuận về ứng cử viên mới của đảng này và về lộ trình Brexit thì nhiều khả năng chính là ngày bà bị buộc phải từ chức. Vì vậy cho dù bà lựa chọn liên minh cầm quyền hay là cầm quyền với phe thiểu số, trên thực tế đều không thể tồn tại lâu dài. Có lẽ vài tháng nữa nước Anh sẽ lại tổ chức một cuộc bầu cử. Khi đó thực lực của Công đảng có thể sẽ mạnh hơn hiện nay, khả năng giành lại quyền điều hành sẽ càng cao.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/nuoc-anh-roi-ren-truoc-them-dam-phan-brexit/731768.antd