Nữ tỷ phú 'hàng không bikini' đầu tiên ở Việt Nam

Là Tổng giám đốc của VietJet Air, bà Nguyễn Thị Phương Thảo sẽ trở thành nữ tỷ phú đôla sau khi hãng hàng không này tiến hành IPO.

Trong lần đầu tiên Vietjet ra mắt công chúng, bà Thảo đã tạo dựng được số tài sản ròng trị giá 1 tỷ USD và có cơ hội trở thành nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam khi đơn vị này IPO, Bloomberg Billionairs cho biết.

Phần lớn tài sản của bà đến từ cổ phần trong Vietjet và Dragon City, một khu bất động sản rộng 65 ha tại TP HCM.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam. Ảnh: VJ.

“Tôi chưa bao giờ tính xem mình có bao nhiêu tiền mà chỉ tập trung vào việc làm thế nào để có thể phát triển công ty, để tăng mức lương bình quân cho nhân viên, để lãnh đạo một công ty hàng không giành được thị phần lớn hơn và khiến nó trở thành số một”, tỷ phú 45 tuổi chia sẻ.

Bà cho biết đang lên kế hoạch tiếp tục phát hành cổ phiếu của Vietjet ra công chúng trong vòng 3 tháng tới. Hãng muốn thu về hơn 1 tỷ USD. Theo một nguồn tin thân cận với cổ đông, tỷ lệ sở hữu của bà Thảo, người sáng lập ra Vietjet, lên đến 95%.

“Bà ấy không giống những người giàu có khác, bà khá kín tiếng. Người phụ nữ này thực sự thành công với Vietjet. Từ chỗ không có gì, hiện tại, hãng hàng không này đang chiếm hơn 30% thị phần tại Việt Nam chỉ trong vài năm”, ông Võ Phúc Nguyên, một nhà phân tích của CIMB Group Holding Bhd. tại TP HCM, nhận định.

Vùng đầm lầy

Theo một nguồn tin giấu tên, nữ tỷ phú Việt Nam cũng sở hữu 90% cổ phần tại Dragon City. Đây là mảnh đất mà bà Thảo đã mua cách đây hơn một thập kỷ, khi nó vẫn còn là một vùng đầm lầy và việc định giá dựa vào tỷ lệ cổ phần trên tổng số nợ.

Khu nghỉ dưỡng Furama Resort tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam

. Ảnh: Getty

Bên cạnh đó, bà cũng sở hữu phần lớn cổ phần tại 3 khu nghỉ dưỡng là Furama Resort ở Đà Nẵng, Evason Ana Mandara và An Lam Ninh Van Bay Villas ở Nha Trang. Các tài sản được định giá dựa trên thu nhập hiện tại, tỷ lệ sử dụng phòng và tỷ lệ vốn hóa từ hãng tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield.

Bà Thảo cùng công ty cũng sở hữu khoảng 20% trong HDBank, một ngân hàng có khoảng 225 chi nhánh và 10.000 nhân viên cùng tổng tài sản khoảng 4,6 tỷ USD vào năm ngoái. Bà là Phó chủ tịch của ngân hàng này.

Bà Thảo bắt đầu sự nghiệp kinh doanh vào năm 1988, khi còn là sinh viên năm thứ 2 tại thủ đô Moscow, Nga - nơi bà theo học ngành tài chính và kinh tế.

Nữ tỷ phú khởi nghiệp với công việc của một nhà phân phối thương mại cùng một ít vốn. Bà dùng thẻ tín dụng để nhận quần áo, thiết bị văn phòng và hàng tiêu dùng từ các nhà cung cấp tại Nhật Bản, Hong Kong và Hàn Quốc, và bán chúng tại Nga trong những năm trước khi Liên Xô sụp đổ.

"Trung thực"

“Tôi đã làm việc rất chăm chỉ và lấy được tin tưởng của các nhà cung cấp bằng sự trung thực. Khi đó, tôi không có nhiều tiền nhưng họ đã đưa tôi ngày càng nhiều sản phẩm với các khoản nợ tín dụng dài hơn”, Thảo nói. Trong 3 năm, bà tích lũy được một số tiền kha khá và chuyển sang kinh doanh sắt thép, máy móc thiết bị, phân bón và các loại hàng hóa khác.

Sau đó, người phụ nữ này trở về Việt Nam và đầu tư vào 2 ngân hàng Techcombank và VIB Bank. Tiếp đến, bà nộp đơn xin thành lập một hãng hàng không tư nhân, cạnh tranh với Vietnam Airlines.

“Hình ảnh bikini”

Các tiếp viên hàng không của Vietjet trên chuyến bay đầu tiên từ TP HCM đi Nha Trang vào năm 2012. Ảnh: VJ.

Hãng hàng không của bà Thảo được biết đến với đội ngũ tiếp viên trẻ đẹp và quyến rũ mặc bikini trên những chuyến bay đầu tiên của hãng đến các bãi biển cũng như trên những tờ lịch.

“Bạn có quyền mặc bất cứ thứ gì mà bạn thích, dù là bikini hay áo dài truyền thống. Chúng tôi không bận tâm khi mọi người gắn hình ảnh bikini với hãng hàng không của chúng tôi. Nếu mọi người vui, chúng tôi cũng hạnh phúc”, nữ tỷ phú 45 tuổi nói.

Bà Thảo chia sẻ rằng bà muốn biến Vietjet thành "Emirates của châu Á". Emirates là hãng hàng không có trụ sở tại Dubai, sở hữu đường bay dài nhất thế giới với 150 điểm đến. Trong khi đó, thương hiệu hàng không giá rẻ ở Việt Nam bắt đầu hoạt động vào năm 2011, có 47 điểm đến trong cả nước và toàn châu Á. Mục tiêu mà hãng này đang hướng tới sẽ khiến nó đáng giá hơn Asiana Airlines của Hàn Quốc hay Finnair Oyj của Phần Lan.

“Bạn phải dẫn dầu và chấp nhận rủi ro”, bà chia sẻ. “Là một doanh nhân, tôi có trách nhiệm đóng góp cho nền kinh tế và thúc đẩy những thay đổi tích cực cho đất nước và xã hội, trong ánh sáng của hội nhập quốc tế”.

Kim Ngân

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nu-ty-phu-hang-khong-bikini-dau-tien-o-viet-nam-post636521.html