'Nữ tướng' làng báo Thế Thanh: 'Chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ thương nghề báo'

Bà Thế Thanh từng 10 năm giữ cương vị TBT báo Phụ nữ TP HCM, sau đó là Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin TP.HCM, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố…nhưng cho tới hiện tại, bà vẫn chưa bao giờ 'nguôi nỗi nhớ thương nghề báo'.

Nhân kỷ niệm 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/06/1925 – 21/06/2016), báo Gia đình Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên TBT báo Phụ nữ TP HCM, một trong những "nữ tướng" lừng danh làng báo một thời.

Được biết, bà bắt đầu vào nghề báo năm 22 tuổi. Ở thời điểm đó, theo bà, điều gì là quan trọng nhất đối với một phóng viên trẻ mới vào nghề?

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh: Quan trọng với mình thôi nhé, phóng viên trẻ 22 tuổi năm 1975: Đi nhiều nơi, tham dự nhiều sự kiện– dù sự kiện đó diễn ra gần hay xa. Trong mỗi chuyến đi cố mà thấy được nhiều thứ, gặp được nhiều người, nghe được nhiều câu chuyện và ghi lại thật cẩn thận. Rồi, sau mỗi chuyến đi, chịu khó đọc lại những gì liên quan đến chuyến đi vừa rồi để hiểu thêm những tình tiết mình chưa kịp hiểu, để tránh bớt sự ngô nghê, vì lẽ đó, trong các bài viết.

Nhà báo Thế Thanh: "Xây dựng và giữ cho được đội ngũ làm nghề tử tế (ở bên trong và bên ngoài tờ báo) theo tôi chính là yếu tố quan trọng bậc nhất của người đứng đầu một tờ báo".

Nhà báo Thế Thanh: "Xây dựng và giữ cho được đội ngũ làm nghề tử tế (ở bên trong và bên ngoài tờ báo) theo tôi chính là yếu tố quan trọng bậc nhất của người đứng đầu một tờ báo".

Nhiều năm ở cương vị một Tổng biên tập, theo bà, yếu tố nào là quan trọng nhất đối với một TBT, đặc biệt là nữ giới? Công việc của một TBT có phù hợp đối với một người phụ nữ hay không?

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh: Tôi luôn cho rằng phụ nữ phù hợp với hầu hết các công việc, kể cả việc làm Tổng biên tập. Tất nhiên, trong một xã hội mà suốt nhiều năm dài luôn đặt lên vai người phụ nữ mục tiêu phấn đấu “giỏi việc nước, đảm việc nhà” thì áp lực đối với phụ nữ tất nhiên là cao hơn nam giới. Khẳng định vai trò của người phụ nữ theo cách này là đụng trần rồi: “Người phụ nữ là công dân, là người lao động, là người mẹ và người thầy đầu tiên của con người”. Nhưng, vấn đề là cái người “bốn trong một” ấy có được gia đình và xã hội tích cực hỗ trợ, hợp tác bằng chính sách, bằng sự chia sẻ để họ có thể hoàn thiện bản thân và làm tròn vai trò của mình không. Theo các nghiên cứu gần đây, tỷ lệ phụ nữ vừa đi làm việc vừa đảm đương chính việc nội trợ xấp xỉ 67%. Mà việc nội trợ ở Việt Nam thì nặng nhọc, rất nhiều gia đình chưa có điều kiện mua sắm các thiết bị hỗ trợ như tủ lạnh, máy giặt, bếp gas hoặc bếp từ, nồi cơm điện, máy hút bụi và máy lau nhà.

Nhiều người bảo: thế là tiến bộ rồi, thay vì 100% như trước đây. Đồng ý, nhưng như thế cũng có nghĩa là còn rất nhiều phụ nữ lao động ở nước ta còn vất vả.

Trong gần 10 năm làm Tổng biên tập Báo Phụ Nữ (TP.HCM), tôi thấy sở dĩ mình có thể làm được tương đối tốt nhiệm vụ là do có được một tập thể rất nhiều người chí tâm, chí tình với cuộc sống và nghề báo. Một tập thể, từ trên xuống dưới, biết bảo nhau và giúp nhau cố gắng giữ sự tử tế trong cách ứng xử ở cơ quan và trong tác nghiệp.

Tại sao lại phải cố gắng, là bởi vì xung quanh nhiều cám dỗ. Chỉ cần anh buông lơi tâm thế, để cho sự chỉ đạo và ngòi bút đi chệnh sang hướng phản sự thật, phản chân lý và phản tiến bộ thì anh được săn đón bằng tiền và “các cơ hội kiếm tiền”, cơ quan đỡ bị tấn công từ nhiều phía. Nhưng cái mà anh được đổi lại, ngay lập tức, là danh xưng …bồi bút, bồi báo. Danh xưng ấy không gọi được các cộng tác viên tử tế (các chuyên gia đàng hoàng trên nhiều lĩnh vực, các cây bút sắc sảo – tỉnh táo – chân thành, các thông tín viên tự nguyện…) đến với tờ báo. Mà, đẳng cấp của một tờ báo phần lớn chính là do đội ngũ cộng tác viên ấy làm nên. Xây dựng và giữ cho được đội ngũ làm nghề tử tế (ở bên trong và bên ngoài tờ báo) theo tôi chính là yếu tố quan trọng bậc nhất của người đứng đầu một tờ báo. Chưa dư dả được về tiền bạc thì cũng cố đừng để lâm vào cảnh vá víu tâm thế.

Trong thời gian làm TBT báo Phụ nữ, còn vấn đề gì phải khiến bà tiếc nuối vì chưa làm được?

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh: Ai đang làm việc mà “bỗng dưng” phải nghỉ cũng có những việc dang dở chưa xong. Tôi cũng vậy. Nhưng đó không phải là sự tiếc nuối. Cuộc sống cứ đi tới. Tôi lại làm những việc mới để rồi sẽ cũ nếu làm với sự dửng dưng. Báo Phụ Nữ vẫn phát triển đều đều và vẫn là tờ báo được nhiều bạn đọc lựa chọn. Nhưng, nói thực lòng thì trong tôi chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ thương nghề báo – cái nghề hết sức sinh động mà cũng hết sức rủi ro; cái nghề được đặt trong một khuôn khổ (Việt Nam) mà cơ hội chưa bao giờ lớn hơn thách thức.

Nhà báo Thế Thanh: "Thực lòng thì trong tôi chưa bao giờ nguôi nỗi nhớ thương nghề báo – cái nghề hết sức sinh động mà cũng hết sức rủi ro; cái nghề được đặt trong một khuôn khổ (Việt Nam) mà cơ hội chưa bao giờ lớn hơn thách thức"

Bà từng nói rằng mình “nghiện” làm báo. Cảm giác đó như thế nào thưa bà?

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh: Hình như là thế này: không có cảm giác chán khi bàn đề tài, dự án liên quan đến làm báo.

Đã có một thời gian dài bà không làm báo, có bao giờ vì thế mà bà ngưng thôi thúc muốn được viết, được trải nghiệm nhịp sống hối hả của người làm báo hay không?

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh: “Nghiện làm báo” thì khó dứt lắm. Thời gian bị tách khỏi công việc ở một cơ quan báo chí, tôi làm gì cũng với con mắt của người làm báo. Chỉ có khác là, do quy định của công việc (viên chức ở cơ quan quản lý nhà nước) nên dù nhìn thấy vấn đề của báo chí, nhưng không thể viết báo được !

Bà đánh giá như thế nào về thế hệ nhà báo trẻ hiện nay, đặc biệt là nữ phóng viên, nhà báo?

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh: Điều đáng mừng là nhiều nhà báo trẻ hiện nay, đặc biệt là nữ nhà báo, tâm huyết với nghề và có kiến thức, có kỹ năng làm báo của thời kỳ mới. So với thế hệ chúng tôi nhiều bạn giỏi hơn về kỹ năng, một số bạn thì hình như sức chịu đựng khó khăn kém hơn.

Đối với người phụ nữ, ngoài công việc, sự nghiệp, điều quan trọng còn là bàn tay chăm lo mái ấm cho gia đình. Có khi nào bà phải phân vân lựa chọn giữa sự nghiệp và gia đình hay không?

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh: Tôi có may mắn là chưa bao giờ bị đẩy vào thế phải lựa chọn. Tôi không thuộc phái từ chối công việc chăm lo mái ấm gia đình. Nhưng tôi đánh giá cao người phụ nữ biết tổ chức công việc gia đình hơn là tự mình làm tất cả.

Nhiều phóng viên có chia sẻ rằng, ấn tượng về bà khi trả lời phỏng vấn báo chí với vai trò là PGD Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM là một người luôn dứt khoát, rõ ràng, không né tránh – một điều hiếm có ở nhiều quan chức khác. Liệu đây có phải là một trong những tố chất mà cô đã giữ được trong những năm tháng làm báo?

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh: Tôi cảm thấy vui vì được nhận xét như thế và tôi dứt khoát khẳng định rằng, tôi đã hoàn thành được nhiệm vụ trong 8 năm làm Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin TP.HCM là nhờ những gì thuộc về tố chất của một nhà báo.

Hồng Hạnh

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/doi-song/nguyen-tbt-the-thanh-chua-bao-gio-nguoi-noi-nho-thuong-nghe-bao-d95288.html