Nữ trưởng công an huyện

Ngày còn theo mẹ đi làm rẫy, thấy hình ảnh của người nữ Cảnh sát nhân dân thật đáng yêu, từ cách ăn mặc, đi đứng, tác phong... cô học trò người Kdong ở đông Trường Sơn - Tây Nguyên mê mẩn. Vì vậy, tốt nghiệp Trường DTNT tỉnh, cô hạ quyết tâm theo đuổi ngành công an! “Khi đạt được ước nguyện rồi, mới thấy nghề này quá vất vả đối với phụ nữ, nhưng cũng lắm niềm vui!”- nữ Trung tá Trần Thị Thu Phước - Trưởng CAH Kon Rẫy (tỉnh Kon Tum) bộc bạch.

Tốt nghiệp Trường ĐH Cảnh sát nhân dân (Thủ Đức, TPHCM) năm 1998, Trần Thị Thu Phước (1976) được phân công về nhận công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra (CSĐT) CA tỉnh Kon Tum. Bao nhiêu ước mơ ấp ủ đã được “trui rèn” trong trường đại học nay được thả sức “thực nghiệm” nơi chính nơi cô đã sinh ra và lớn lên. “Được phân công mảng công tác điều tra các vụ án giao cấu, hiếp dâm trẻ em, mình lại là gái chưa chồng và cũng chưa có cả... người yêu mới kẹt chứ! Khi thẩm vấn, nghe họ khai chuyện tế nhị... mình ngượng lắm!”, Trung tá Phước nhớ lại.

Sau này, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, cô gặp vô vàn chuyện đau lòng, nhất là phải đấu tranh, khai thác những đối tượng “mặt người dạ thú”, phải đối mặt với những người đàn ông vô nhân tính, những vụ án loạn luân, cha hiếp con... đêm về, người nữ cảnh sát ấy đã khóc đẫm cả gối. “Là một người mẹ, người vợ phải chứng kiến những cảnh đau lòng, tôi cứ bị ám ảnh, ray rứt mãi” - Phước trải lòng.

Càng ray rứt, Phước càng quyết tâm hơn trong phá án, đưa những kẻ vô nhân tính ra ánh sáng pháp luật. Vụ án hiếp dâm tập thể của Nguyễn Thế Cường (trú P. Quyết Thắng, TP Kon Tum) và đồng bọn, dụ dỗ cháu T. (chưa đầy 13 tuổi) từ tỉnh Lâm Đồng tới nhậu nhẹt, chuốc rượu cho say khướt rồi thay nhau hãm hiếp... sau đó lặn mất tăm tưởng chừng phải “mò kim đáy bể”. Nhưng bằng kinh nghiệm, tinh thần kiên quyết tấn công tội phạm, từ những manh mối nhỏ cuối cùng cả 3 “yêu râu xanh” bị nữ điều tra viên lôi ra ánh sáng và chúng đã phải đền tội.

Vụ án trộm cắp cồng chiêng phải lần theo dấu vết của bọn tội phạm liên quan nhiều huyện, xã vùng sâu như Xã Hiếu, Ngọc Tem... (H. Kon PLông) cũng là một thách thức lớn. Trong vụ này, nhiều bộ cồng chiêng quý hiếm bị mất cắp, khiến bà con các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hết sức hoang mang. Phước và đồng đội vào cuộc, cuối cùng hàng trăm chiếc cồng chiêng quý hiếm đã được trao lại cho người dân. Già làng A Dih cứ nắm lấy tay nữ điều tra viên: “Già phục cái tài nghệ của cô gái công an lắm rồi! Tưởng như cái cồng, cái chiêng yêu quý của buôn làng đã bị kẻ xấu lấy cắp, thì không bao giờ được nhìn ngắm nó nữa... Nhưng cái bụng của già đã nghĩ sai rồi. Bây giờ có lại cái cồng chiêng của mình rồi, không thể tin được!”.

Luôn thấu hiểu tâm tư tình cảm và phong tục tập quán của bà con các dân tộc thiểu số, Trung tá Trần Thị Thu Phước (ngoài cùng bên phải) vận dụng hiệu quả vào nhiệm vụ chuyên môn.

Luôn thấu hiểu tâm tư tình cảm và phong tục tập quán của bà con các dân tộc thiểu số, Trung tá Trần Thị Thu Phước (ngoài cùng bên phải) vận dụng hiệu quả vào nhiệm vụ chuyên môn.

Có lần, trong khi đang “bụng mang, dạ chửa”, Phước vẫn sẵn sàng lên đường đi bắt A Hức ở xã H’Moong, H. Sa Thầy. Với dáng người hộ pháp, mặt mày dữ tợn nhưng trước người nữ cảnh sát bản lĩnh, A Hức đã buộc phải theo cô về cơ quan điều tra. Là một nữ cán bộ năng động nên Phước thường được điều động, trưng tập vào những công việc khác như khám xét, bắt quả tang các ổ mại dâm, đánh bạc... Là người con của núi rừng, am hiểu phong tục tập quán và tâm lý của các dân tộc anh em, Phước về tận các bản làng xa xôi vận động người dân không nghe lời một số phần tử xấu lén lút xúi giục, lôi kéo người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc...

Dòng máu trong người Trần Thị Thu Phước là kết tinh của tình cảm miền xuôi với miền ngược. Bố cô người Bình Định, một đời theo cách mạng hoạt động ở vùng đông Trường Sơn - Tây Nguyên, mẹ cô- bà Y Đa- nguyên là nữ diễn viên của đoàn văn công chuyên phục vụ các chiến trường. Nhưng trong thâm tâm mình, cô gái ấy vẫn luôn coi mình là một thành viên của cộng đồng Kdong. Tính đến thời điểm này, Trung tá Phước là nữ CAND đầu tiên của dân tộc Kdong. Vào những năm 1994, Phước là một trong hai nữ sinh viên đầu tiên của Trường ĐH Cảnh sát nhân dân, chuyên ngành điều tra tội phạm. Năm cuối (1998) khi đang ngồi trên giảng đường đại học, cô vinh dự được kết nạp vào Đảng. Về công tác hơn hai năm, chị cô cũng là một trong những nữ cảnh sát đầu tiên tỉnh Kon Tum được cấp thẻ điều tra viên.

Không dừng lại những gì đã có, từ năm 2003-2007 Phước tiếp tục theo học cao học tại Học viện CSND. Với tấm bằng có được, thời điểm đó cô là người phụ nữ duy nhất của tỉnh có bằng thạc sỹ Luật học trong lực lượng CA tỉnh Kon Tum. Trung tá Phước tâm sự: “Theo thống kê, có 30-40% số vụ án trên địa bàn tỉnh Kon Tum là do người dân tộc thiểu số gây ra, nên mình đã lập đề tài nghiên cứu về “Nâng cao hiệu quả phòng ngừa và điều tra tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe do người dân tộc thiểu số thực hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum” làm luận án tốt nghiệp cao học. Với năng lực thực tiễn đã được chứng minh, Trung tá Trần Thị Thu Phước được bổ nhiệm giữ chức Phó Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT CA tỉnh Kon Tum. Đến tháng 4-2014, cô được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm Trưởng CAH Kon Rẫy.

Anh Nguyệt

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/105_153740_nu-truo-ng-cong-an-huye-n.aspx