Nữ sinh viên 21 tuổi tự cắt tay 16 nhát

Suy nghĩ vì không giải quyết được những mong muốn của bản thân, nữ sinh viên 21 tuổi xuất hiện ý tưởng cắt tay. Theo các bác sĩ tâm thần đây là hội chứng 'Tự hủy hoại bản thân'.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Gia tăng giới trẻ mắc hội chứng tự hủy hoại bản thân

Bệnh nhân đã có hành vi cắt tay bằng dao lam. Khi vào Bệnh viện Bạch Mai trên cổ tay đã có 16 vết cắt, nông, rỉ máu. Bệnh nhân mô tả là mỗi lần cắt tay như vậy mà không thấy đau, ngược lại còn thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn.

Bệnh nhân là con thứ 2 trong gia đình, tính tình hiền, dễ xúc động, học giỏi. Bệnh nhân mong muốn du học nhưng gia đình không có điều kiện để thực hiện. Sẵn buồn chán vì không thực hiện được ước mơ, lại thêm bị mẹ nói bỏ ý nghĩ du học đi nên bệnh nhân rất buồn và ức chế. Tâm trạng này kéo dài 2 năm khiến bệnh nhân nảy sinh hành vi thích tự rạch tay.

Gia đình phát hiện ra và vội vàng đưa con đến bệnh viện điều trị. Tại đây do được quan tâm và giám sát nên bệnh nhân không cắt tay được nữa. Sau 3 tuần điều trị bằng thuốc hiện sức khỏe đã ổn định và tiếp tục điều trị tâm lý ngoại trú.

Bệnh nhân tự cắt rạch tay mình vì mắc hội chứng "Tự hủy hoại bản thân". Ảnh BV Bạch Mai cung cấp

Một trường hợp khác là đang điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần là bệnh nhi nữ 9 tuổi, thích chơi game và mê đắm với những trò chơi trên mạng, gần như không chú ý đến việc học và các mối quan hệ giao tiếp trong gia đình nên bị bố mẹ cấm...Bức xúc vì bị thu Ipad, bệnh nhi đã tự nhổ tóc khiến đầu trọc thành mảng to, tự cào cấu vào chân tay mình. Phát hiện những biểu hiện bất tường này của con, bố mẹ bệnh nhi đã tổ chức các chuyến đi chơi, dã ngoại để bé được thay đổi không gian, mở rộng giao tiếp với nhiều người nên tình trạng bệnh đã được cải thiện đáng kể.

Theo các BS, nếu như trầm cảm sau sinh, động kinh là những bệnh lý về tâm thần tái phát theo đợt và dễ nhận biết thì hội chứng tự làm tổn thương mình lại âm thầm diễn ra và tàn phá cơ thể người bệnh dần dần. Điều đáng tiếc hội chứng này lại thường xảy ra ở giới trẻ. Không được đáp lại tình cảm, bị bố mẹ mắng, đi thi bị điểm kém, đây là những lý do tưởng chừng đơn giản nhưng lại dẫn đến những phản ứng dại dột của rất nhiều bạn trẻ.

Nhẹ thì nhịn ăn, không giao tiếp với bên ngoài. Ở mức độ nặng hơn là tự làm đau mình, bằng cách rạch tay, rạch chân. Dù chỉ gây đau đớn tức thời, không gây tử vong ngay lập tức, tuy nhiên những hành vi tự làm đau bản thân vẫn được xếp chung vào nhóm hành vi tự sát.

Người thường xuyên dùng dao cắt vào tay chân cũng vẫn có thể tử vong nếu mất máu quá nhiều. Nguy hiểm hơn nữa, hành vi này còn có thể xảy ra ở từng nhóm người chứ không ở mỗi cá nhân đơn lẻ.

Năm 2016, trò chơi Cá voi xanh đã kích động hàng trăm thanh niên ở Nga và một số nước châu Âu tham gia thử thách rạch vào tay liên tiếp 50 ngày. Hầu hết những thanh niên tham gia đều đang có tổn thương tinh thần. Hậu quả là hơn 100 vụ tự sát có liên quan đã xảy ra.

Nữ bị nhiều hơn nam

Tự hủy hoại cơ thể là một thuật ngữ được giới thiệu để mô tả những bệnh nhân tự làm tổn thương bản thân bằng cách tự cắt xén (như cắt da, cắt chân, tay...), nhưng họ là những người không muốn chết. Nghiên cứu cho thấy khoảng 4% bệnh nhân trong các bệnh viện tâm thần đã tự hủy hoại cơ thể bằng cách cắt; tỷ lệ nữ so với nam là gần 3:1.

Tỷ lệ tự gây thương tích ở những bệnh nhân tâm thần được ước tính là hơn 50 lần, cao hơn so với dân số nói chung. Nghiên cứu chỉ ra rằng tự gây thương tích có tỷ lệ khoảng 4% người lớn tại Hoa Kỳ. Tỷ lệ này ở thanh niên là 15%, còn ở sinh viên đại học là từ 17 - 35%.

Có những bệnh nhân được gọi là “máy cắt” vì đã cắt bản thân nhiều lần trong nhiều năm. Tự hủy hoại cơ thể được tìm thấy trong khoảng 30% người nghiện rượu và 10% người nghiện ma túy đường tiêm tĩnh mạch. Trẻ vị thành niên là đối tượng hay gặp nhất.

Việc cha mẹ bắt ép trẻ sống theo cách cha mẹ muốn gây ức chế cho trẻ. Đây là lứa tuổi trẻ muốn gây sự chú ý với xung quanh. Nguyên nhân gây bệnh hầu hết bệnh nhân được cho là có rối loạn nhân cách và có thể có các bệnh tâm thần nội sinh như tâm thần phân liệt. Họ luôn nghi ngờ và thù địch với những người xung quanh. Nghiện rượu và nghiện ma túy là rất phổ biến. Hầu hết các “máy cắt” đã cố gắng tự tử.

Mỗi nguyên nhân sẽ có phương pháp điều trị khác nhau

PGS.TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103) cho biết, tự hủy hoại cơ thể bằng cách cắt đã được xem là một hình thức tự sát “địa phương”. Nếu họ xử lý sai với các nhát cắt quá sâu, hoặc cắt vào mạch máu lớn thì có thể tử vong.

Những người tự làm hại thường cho biết họ cảm thấy trống rỗng bên trong, căng thẳng quá mức, không thể bày tỏ cảm xúc của mình, cô đơn, không hiểu người khác và sợ hãi các mối quan hệ và trách nhiệm của người lớn.

Tự gây thương tích là cách họ làm giảm cảm giác đau đớn hoặc tình huống khó khăn của mình một cách tạm thời. Bằng cách tự gây thương tích, người bệnh cố gắng đạt các mục đích sau: Có được sự quan tâm, giúp đỡ của người khác; giải quyết bất đồng với bạn bè hoặc người thân yêu; làm giảm sự nhàm chán trong quan hệ với mọi người; tạo ra một trạng thái cảm xúc tích cực.

Phát hiện và điều trị sớm Khi phát hiện ra một người tự thương cần đưa họ đến khám và điều trị tại bác sĩ tâm thần. Các vết thương của bệnh nhân sẽ được khám và điều trị phối hợp bởi bác sĩ chuyên khoa phù hợp. Cần tìm ra nguyên nhân gây ra tự thương để điều trị triệt để, không để tái diễn hành vi tự hủy hoại.

Các thuốc chống trầm cảm và giải lo âu hay được sử dụng nếu bệnh nhân có các triệu chứng căng thẳng, chán nản, tự ti, cô đơn, đầu óc trống rỗng. Với các bệnh nhân có nghiện rượu và ma túy thì cần phải điều trị cai nghiện cho họ. Thời gian nằm viện kéo dài 2 - 4 tuần. Sau khi ra viện, bệnh nhân cần được khám định kỳ tại phòng khám tâm thần để được hướng dẫn điều trị củng cố trong nhiều năm.

Thái Hà

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/gioi-tre/nu-sinh-vien-21-tuoi-tu-cat-tay-16-nhat-1175468.tpo