NỮ NÔNG DÂN ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM ĐƯỢC FAO VINH DANH 'NÔNG DÂN ĐIỂN HÌNH': Phạm Thị Huân - 'nữ hoàng hột vịt'

Ngày 17.10, tại Bangkok (Thái Lan), Cơ quan Đại điện của FAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã trao tặng giải thưởng danh giá “Nông dân điển hình” thê giới cho 5 nông dân được lựa chọn từ 45 quốc gia. Buổi lễ được chuẩn bị công phu và được tổ chức rất trọng thị với nghi thức quốc tế xen lẫn nghi thức của Hoàng gia Thái Lan. Bà Phạm Thị Huân (còn gọi là Ba Huân - ảnh) - Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân là nữ nông dân Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này.

Bà Phạm Thị Huân (còn gọi là Ba Huân - ảnh) - Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân

Người đàn bà “lấy trứng chọi đá”

Nói chuyện với chúng tôi, chị tự nhận mình đang “chọi lại số phận”, khi trong tay chị chỉ là những quả trứng nhỏ bé, mỏng manh. “Tôi học chưa hết lớp 5 trường làng, 12 tuổi níu theo đôi gánh cùng mẹ ra chợ tập tành bán trứng. 16 tuổi được mẹ chính thức giao cho gánh trứng, trở thành cô hàng trứng với tâm niệm từ lời dạy của mẹ: Kiến tha lâu đầy tổ”- Chị nhỏ nhẹ tâm sự. Cứ thế, chị bước vào nghiệp trứng với tất cả vất vả của những người buôn bán nhỏ bên chợ làng quê Thanh Vĩnh Đông, Long An.

Lãi lời từ quả trứng chỉ tính từng cắc, từng xu, thế nhưng, những quả trứng bé nhỏ của chị đã mang về những quả ngọt đầu tiên. Chị trở thành “Nữ hoàng hột vịt”, thành “Vua trứng” khi chính thức trụ chân trên đất Sài Gòn. Chị Ba Huân- như cách gọi thân mến của những đồng nghiệp, và cả những người nông dân, những công nhân đã gắn kết với chị từ buổi đầu khởi nghiệp - đã tạo nên chuỗi liên kết để người chăn nuôi, người kinh doanh và người tiêu dùng cùng hưởng lợi ích từ nguồn thực phẩm ngon, rẻ, dinh dưỡng cao và an toàn quả trứng bé nhỏ, khiêm nhường. Thế nhưng, với số thu chỉ 2.000 đồng mỗi quả trứng, người đàn bà - nữ doanh nhân này dám “liều lĩnh” đầu tư cả trăm tỉ đồng chỉ để “rửa” trứng và nhiều trăm tỉ đồng khác để chuẩn hóa chuỗi an toàn thực phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”.

…và “công nghiệp hóa” ngành trứng

Quy trình xử lý trứng tại nhà máy ba Huân là thiết bị của hãng MoBa, Hà Lan một - thương hiệu đứng đầu việc xử lý trứng trên thế giới. Với quy trình này việc xử lý trứng được tự động hóa 100%. Cho đến thời điểm này, đã hơn 40 năm đi theo nghiệp trứng và hơn 10 năm “công nghiệp hóa ngành trứng. Chỉ riêng nhà máy xử lý trứng gia cầm tại Bình Chánh (TPHCM), chị đã đầu tư hơn 100 tỉ đồng. Trong đó, có 2 dàn máy xử lý trứng với tổng công suất 185.000 trứng/giờ của hãng MoBa (Hà Lan) đã “ngốn” trên 50 tỉ đồng. Thế nhưng, chị không thể tính giá khấu hao máy móc đã đầu tư vào giá thành trứng, bởi chỉ cần nhích tiền trứng lên là đa số các nhà phân phối và sản xuất từ nguyên liệu trứng sẽ tìm giá rẻ để mua. “Muốn cho người tiêu dùng được thụ hưởng trứng sạch thì tôi phải chấp nhận bán bằng giá thị trường. Thực tế là tôi đã bán rẻ hơn thị trường vì công ty tôi tham gia chương trình bình ổn giá của Nhà nước” - Bà Ba Huân bày tỏ.

Từ việc xử lý, đóng gói bằng tay, nay với dây chuyền tự động công suất 65.000 trứng/ giờ, nhà máy xử lý trứng gia cầm của bà không chỉ mang đến một phương thức sản xuất mới mà hiệu quả, mà còn thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng. Việc xử lý này đã đưa sản phẩm trứng gia cầm Việt Nam ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới. Quả trứng gà, trứng vịt Việt Nam tự tin đi vào các khách sạn quốc tế, các Cty, DN dùng trứng làm nguyên liệu chế biến thực phẩm... Đồng thời, người Việt Nam được dùng sản phẩm trứng sạch đúng nghĩa.

Khép kín chuỗi chăn nuôi - đảm bảo việc làm cho 700 công nhân

Tại trang trại chăn nuôi công nghệ cao Ba Huân (Bình Dương), bà đã đầu tư trên 350 tỉ đồng trên tổng diện tích 18ha, gồm: Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, các phân khu chức năng (gà giống, gà hậu bị, gà đẻ, phòng thí nghiệm, thú y…). Khu chăn nuôi được trang bị tự động từ cho ăn, thu trứng, dọn phân… trong một môi trường được kiểm soát nghiêm ngặt. Từ khu gà giống, nhà máy thức ăn chăn nuôi và trang trại hiện đại, bà đầu tư sang khu nuôi gà đẻ trứng omega3.

Để khép kín quy trình sản xuất sản phẩm, bà “lấn sân” sang ngành chế biến thực phẩm, xây dựng nhà máy chế biến với số vốn trên 60 tỉ đồng. 2 năm nay, 1 nhà máy chế biến thực phẩm hiện đại tổng công suất giai đoạn 1 là 20tấn/ ngày của bà đã đi vào hoạt động, cung ứng các loại sản phẩm từ thịt gà cho các hãng thức ăn nhanh quốc tế và người tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, còn có các sản phẩm chế biến như xúc xích, lạp xưởng, bánh flan….

“Để xây dựng hệ thống khép kín, cung ứng sản phẩm “từ trang trại đến bàn ăn”, chúng tôi đã đầu tư trên 1000 tỉ đồng, với 1 Nhà máy xử lý trứng ở TPHCM, 1 nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An, 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Dương,1 trang trại gà thịt ở Long An, 1 trang trại gà đẻ trứng ở Bình Dương, chúng tôi đảm bảo việc làm cho 700 công nhân với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/ tháng. Chúng tôi đang liên tục đầu tư thiết bị và nghiên cứu thị trường để cho ra nhiều sản phẩm chế biến thuần Việt, an toàn và độc đáo hơn” - bà hồ hởi tâm sự. KHÁNH VŨ Ngày 17.10, tại Bangkok (Thái Lan), Cơ quan Đại điện của FAO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã trao tặng giải thưởng danh giá “Nông dân điển hình” thê giới cho 5 nông dân được lựa chọn từ 45 quốc gia. Buổi lễ được chuẩn bị công phu và được tổ chức rất trọng thị với nghi thức quốc tế xen lẫn nghi thức của Hoàng gia Thái Lan.

Bà Phạm Thị Huân (còn gọi là Ba Huân - ảnh) - Tổng Giám đốc Công ty Ba Huân là nữ nông dân Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này. Bà Phạm Thị Huân được nhận giải thưởng của FAO do đã giúp các hộ nông dân vùng ĐBSCL chuyển dịch từ trồng trọt sang nuôi vịt lấy trứng. Bà đã tạo việc làm cho nhiều nữ nông dân và giúp cải thiện được vị thế của họ trong cộng đồng trong bối cảnh nông dân phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kinh-te/nu-nong-dan-dau-tien-cua-viet-nam-duoc-fao-vinh-danh-nong-dan-dien-hinh-pham-thi-huan-nu-hoang-hot-vit-603593.bld