Nữ nhà báo Xuân Phong và một tấm lòng với lịch sử

Thông qua một người bạn của mình, Xuân Phong nhờ gửi cho tôi tập bản thảo “Muôn ánh vàng bay”. Tôi chưa có dịp biết mặt Phong, chỉ nghe danh trong làng chữ nghĩa “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình”, đó là một nữ nhà báo chưa đầy 40 tuổi.

Tôi đã đọc không vồ vập, bởi tít sách cũng giản dị, tít từng bài càng giản dị hơn. Chuyện đánh Pháp ở Điện Biên Phủ, chuyện ông Trần Huy Liệu nhận ấn kiếm của Bảo Đại, rồi chuyện bức ảnh xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập năm 1975, lại chuyện hai ca khúc của ông Phạm Tuyên. Chuyện nào tôi cũng biết rồi.

Cả chuyện về ông Nguyễn Xiển, người mang tên con đường mà ngày nào tôi cũng đi qua. Chuyện về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một con người tôi đã đọc nhiều và rất thần tượng, lúc vừa tốt nghiệp trường Báo chí, tôi và em trai đã đến nhà phỏng vấn Đại tướng. Bức ảnh chụp kỷ niệm hôm đó, giờ vẫn treo ở nhà.

Vừa tháng trước, tôi cùng anh Nam, con trai Đại tướng ra đảo Sơn Ca ngoài Trường Sa khai trương Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Toàn những chuyện có vẻ như biết rồi, hoặc chưa biết thì lên “Dân ta phải biết sử ta/ cái gì không biết thì tra gu-gờ (google)”. Xin lỗi Xuân Phong là lúc đầu tôi đã nghĩ như thế đấy.

Nhưng, càng đọc, tôi mới càng thấy ấm áp và đằm sâu về một tấm lòng với lịch sử. Có lẽ, Xuân Phong đã nghĩ báo chí không chỉ là nhìn lịch sử ở những góc khuất sửng sốt, những câu chuyện khó tin nhưng có thật, tức là phải xới xáo qua nó để thu hút độc giả.

Người phụ nữ viết báo này đã lặng lẽ làm công việc của người chép sử, người làm tư liệu thông qua các bài báo của mình. Không cần tít câu like (bắt mắt). Không cần phải chọn cái gì rinh rợp tưng bừng mới viết. Cô đã vào cuộc rất hào hứng và có gì đó thổn thức với từng bước đi của cha anh mà cô không giấu diếm sự ngưỡng mộ. Sự hồn nhiên này có thể, ở đôi chỗ, là sở đoản nhưng cũng rất nhiều khi, hoặc cơ bản, nó là thế mạnh của ngòi bút Xuân Phong.

Tôi đã giật mình khi Phong viết về ông Nguyễn Xiển, người đã từ chối chức Bộ trưởng rồi đến lúc Bác Hồ gọi lên an ủi mới nhậm một cái chức: Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc bộ, kiêm Giám đốc Nha Khí tượng Thủy văn. Ông là 1 trong 3 trí thức đầu tiên của người Việt làm việc ở ngành khí tượng, nơi vốn chỉ là đặc quyền của cán bộ “mẫu quốc” Pháp thời ấy. Rồi, trong trận lụt lịch sử năm 1945 – Ất Dậu, ông Nguyễn Xiển hiến kế chống vỡ đê sông Hồng, sông Thao, sông Lô… bằng cách sử dụng cánh thợ đấu và thầu khoán. Bởi lúc đó ngân khố trống rỗng, mà thầu khoán đang là lực lượng bị xem như tầng lớp bóc lột. Bác đã bảo, lúc “tổ kiến hổng sụp toang đê vỡ” thì thầu khoán ứng tiền ra đắp đê là yêu nước.

Tôi tự hỏi, ngày nào cũng đi trên con phố mang tên Nguyễn Xiển, nhưng có khi nào tôi nghiên cứu về con người vĩ đại này? Tại sao Xuân Phong lại cắm cúi tìm hiểu trong từng trang sử liệu, rồi gặp con trai ông Xiển, dựng lại chân dung con người khả kính ấy? Chỉ có thể giải thích bằng một tấm lòng với lịch sử.

Cũng như khi Xuân Phong viết về ông Trần Huy Liệu, đi phỏng vấn nhà văn, nhà báo Trần Chiến (một người viết ký với bút danh Hoàng Định trên báo Hà Nội Mới mà tôi rất ngưỡng mộ), con trai ông. Rồi cô nhà báo gắn bó với Hà Nội đã hào hứng đi tìm, dựng chân dung ông Trần Duy Hưng - vị Chủ tịch đầu tiên của thủ đô Hà Nội. Tình cảm ấm áp, sự miệt mài kiếm tìm tư liệu, nhiều chỗ xúc cảm của Xuân Phong cùng nhiều chi tiết đời thường đắt giá xen vào đã gây hiệu ứng khá tốt cho tác phẩm. Nó là cầu nối kéo độc giả lại gần hơn với những trang đời đã qua!

Từ “Những trăn trở của Thủ tướng Phạm Văn Đồng”, rồi cả “Những khoảnh khắc khó quên với tướng Giáp” đến ngóc ngách nghề “Làm báo hầm, báo liếp ở Điện Biên Phủ” và “Biền biệt nhớ Lý Sơn” với “Người có công đầu đưa đất ra Trường Sa”… Có lẽ, vì yêu nghề báo, nên sách của Xuân Phong viết nhiều và viết rất da diết hào hứng về những bậc tiền bối trong làng chữ nghĩa của mình, đó là các chú các bác nhà báo/nhiếp ảnh chiến trường: Nguyễn Xuân Mai, Phạm Phú Bằng, Trần Mai Hưởng, Đinh Quang Thành…

Tất cả, Xuân Phong có vẻ đã rất chân thành, khi tâm sự rằng, cô rất vội vã và lo toan khi đi tìm lại các nhân chứng lịch sử bằng xương bằng thịt. Bởi cô sinh ra khi cuộc chiến tranh chống Mỹ đã kết thúc được vài năm, cô vào nghề báo khi mà các bậc trí giả, các lãnh tụ, các cựu binh huyền thoại của các cuộc trường chinh đánh Pháp, đánh Mỹ đã vào độ tuổi già như chuối chín cây, nhiều người theo “gió lay mẹ rụng” để về thiên cổ từ lâu, giờ chỉ có thể phỏng vấn con cháu họ.

Người ta bảo, một tiêu chí rất quan trọng của sự tử tế (mà ít người để ý) là: Anh đã đối xử có đến điều không, với các bước đi của cha ông thuở trước. Phía trước mỗi con người chỉ là vài chục năm hoặc bất quá “nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày” ái ố hỉ nộ, còn dằng dặc miên man, sau lưng họ, là quá khứ hùng thiêng. Thơ cổ luôn có nhân vật trữ tình sa lệ vì ngoái lại nhìn quá khứ xanh rêu, trong khi bước chân mình và cha ông mình cứ thoắt có thoắt không trên rêu phong lối cũ. Tôi tin, Xuân Phong có thể lớn lên từ những bài học lịch sử mà cô say mê đọc, hiểu và thổn thức tái dựng cho độc giả của mình.

Đỗ Doãn Hoàng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/nu-nha-bao-xuan-phong-va-mot-tam-long-voi-lich-su-600333.bld