Nữ nghệ sĩ xiếc và ước mơ dang dở

Tuyết Hoàn không chỉ là người bạn diễn gắn bó lâu năm, mà chị còn là một người vợ đầu ấp tay gối của của Tài (nghệ sĩ của Liên đoàn xiếc Việt Nam). Kể từ tháng 8/2013, họ đã không thể cùng nhau bay nhảy trong những màn trình diễn ngoạn mục dưới ánh đèn sân khấu được nữa. Tất cả nguồn cơn từ một sự cố đau lòng.

Cũng như mọi lần, hôm nay, Tài (32 tuổi, nghệ sĩ của Liên đoàn xiếc Việt Nam) đã chuẩn bị xong phần việc của mình để sẵn sàng cho buổi biểu diễn mới. Ở phía dưới, khán giả đã có mặt rất đông, tiếng cười nói rộn ràng làm cho không khí rạp xiếc càng thêm sôi động.

Và, cũng trong cái không khí nhộn nhịp ấy, ngay ở bên phía cánh trái của sân khấu, có một cô gái trẻ đẹp đang ngồi trên chiếc xe lăn, lặng lẽ dõi theo từng cử chỉ, động tác của Tài. Người phụ nữ ấy vốn là một nghệ sĩ xiếc tài năng - Ngô Thị Tuyết Hoàn.

Tuyết Hoàn không chỉ là người bạn diễn gắn bó lâu năm, mà chị còn là một người vợ đầu ấp tay gối của của Tài. Kể từ tháng 8/2013, họ đã không thể cùng nhau bay nhảy trong những màn trình diễn ngoạn mục dưới ánh đèn sân khấu được nữa. Tất cả nguồn cơn từ một sự cố đau lòng.

Người nghệ sĩ tài năng

Theo lời giới thiệu từ trước, anh Trần Ngọc Hảo, chuyên viên Phòng Nghệ thuật của Liên đoàn Xiếc Việt Nam (LĐXVN) dẫn chúng tôi vào khu tập thể cán bộ công nhân viên của Liên đoàn ở ngay phía sau trụ sở. Con ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo bị cắt khúc thành từng đoạn ngắn khiến không gian trở nên tù túng, bí bức trong thời tiết mùa hè oi nực. Dừng lại ở một góc hẻm, anh Hảo chỉ cho tôi "căn nhà" của hai vợ chồng nghệ sĩ Hoàn - Tài.

Gọi đó là căn nhà cũng có thể được, nhưng bảo đó không phải là căn nhà cũng không sai. Bởi vị trí ngôi nhà đó trước đây chính là một phần của con ngõ, là lối đi chung cho các hộ gia đình ở đây. Do điều kiện kinh tế của hai vợ chồng nghệ sĩ Hoàn - Tài khó khăn, không có chỗ ăn ở nên Liên đoàn đã tạo điều kiện cho họ cơi nới, xây lên một góc nhỏ để có chỗ "chui ra chui vào" với diện tích ước chừng 6m 2 . Sau khi xây xong, anh Tài lại gắng cơi nới thêm "tầng 2" với phần gác xép để làm chỗ "đặt lưng" của hai vợ chồng, còn "tầng 1", vừa đủ để làm bếp, kê 1 cái bàn, một cái tủ nho nhỏ.

Trên bức tường hẹp của căn nhà nhỏ, chật kín những bằng khen, giấy khen của hai vợ chồng. Bỗng có tiếng dịch chuyển của động cơ, tôi giật mình quay lại, một chiếc "thang máy" ở phía trên từ từ hạ xuống, bên trong là chị Tuyết Hoàn ngồi trên chiếc xe lăn. Thấy tôi ngạc nhiên, Tài giải thích, từ ngày vợ bị tai nạn nghề nghiệp, bị liệt từ thắt lưng trở xuống, mọi sinh hoạt, hoạt động của chị gặp rất nhiều khó khăn, và nhất là không có cách nào để có thể di chuyển lên xuống giữa tầng một và gác xép.

Mày mò tìm hiểu, hỏi han bạn bè, Tài quyết định mua vật liệu về chế tạo ra chiếc "thang máy" phục vụ vợ. Hoàn thành xong, chiếc thang máy của Tài chạy trơn tru, lên xuống nhịp nhàng hơn cả mong muốn. Từ đó, Tuyết Hoàn chỉ việc di chuyển xe lăn vào trong rồi ấn nút lên, xuống mà không cần đến sự trợ giúp của người khác.

Nghe tôi hỏi, Tài cười và bảo, cộng tất cả chi phí thì chiếc thang máy này hết hơn 20 triệu. Cũng phải cố gắng xoay sở, chắt bóp chi tiêu, nhưng quan trọng nhất là có nó, vợ mình đỡ vất vả và sinh hoạt dễ dàng hơn!

Thấy Tuyết Hoàn nhăn mặt, khẽ đưa tay xuống bóp chân, ngay lập tức Tài ngừng câu chuyện, quay người sang khẽ bê đôi chân của vợ giữ ở tư thế duỗi thẳng, rồi đặt lên đùi mình để xoa bóp cho vợ. Tuyết Hoàn ngượng đỏ mặt nhìn tôi và anh Hảo, còn Tài thì vừa xoa bóp, vừa âu yếm nhìn vợ.

Từng đường gân, cơ bắp trên đôi tay săn chắc của Tài xoa bóp tỉ mỉ trên khắp đôi chân của Tuyết Hoàn. Họ không nói với nhau lời nào, nhưng ánh mắt đó, hành động đó đã xua tan đi cái nóng nực của buổi trưa hè, làm tan biến đi sự tê cứng về mặt thể chất mà người vợ bé nhỏ kia đang phải gồng mình chịu đựng. Mới năm ngoái thôi vẫn còn đang là một trong những nghệ sĩ xuất sắc của LĐXVN.

Nghệ sĩ Tuyết Hoàn luôn được chăm sóc trong tình yêu thương vô bờ bến của chồng.

Tuyết Hoàn, (36 tuổi, người dân tộc Mường, ở Thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình), được sinh ra trong một gia đình bố công tác trong lực lượng Công an, mẹ làm cán bộ ngành văn hóa. Tuyết Hoàn kể rằng, ngay từ lúc còn nhỏ, do ở ngay gần nhà có một rạp xiếc nên thường được bố mẹ đưa đi xem. Và trong số rất nhiều những tiết mục xiếc, thể loại xiếc được xem, Hoàn đã rất ấn tượng và thích thú với các tiết mục biểu diễn trên cao như đu dây, đi trên dây, nhào lộn,…

Từ đó, niềm đam mê bộ môn nghệ thuật xiếc, cái khát khao biểu diễn xiếc đã ngấm vào cô học trò bé nhỏ, rồi không ngừng lớn lên từng ngày. Năm 1989, vừa tròn 11 tuổi, khi hay tin Trường xiếc dưới Hà Nội tuyển học sinh, Tuyết Hoàn quyết tâm và trình bày nguyện vọng với bố mẹ. Chiều ý con, hai bố con Tuyết Hoàn khăn gói xuống dự tuyển. Với đam mê và những năng khiếu vốn có, Tuyết Hoàn đã thi đỗ kỳ thi năm ấy.

Là học sinh khóa 11 năm học 1989 - 1994 Trường Xiếc Việt Nam, Tuyết Hoàn tốt nghiệp loại ưu và được nhận về công tác tại LĐXVN từ đó cho tới nay. Với 36 tuổi đời và 19 năm tuổi nghề, Tuyết Hoàn đã tham gia vào rất nhiều chương trình biểu diễn tiêu điểm của LĐXVN ở nhiều thể loại, nhiều tiết mục nghệ thuật xiếc khác nhau tại các buổi biểu diễn ở trong và ngoài nước.

Vì những đam mê và nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, Tuyết Hoàn đã gặt hái được rất nhiều thành tích trong các liên hoan, hội diễn xiếc toàn quốc cũng như quốc tế. Đó là Huy chương Vàng Liên hoan Xiếc toàn quốc lần thứ 3 năm 1995 cùng một huy chương khác và nhiều bằng khen giấy khen, phần thưởng ở nhiều giai đoạn hoạt động nghệ thuật của chị.

NSƯT, đạo diễn Tạ Duy Ánh, Phó giám đốc LĐXVN là người phụ trách chuyên môn và có thời gian gắn bó lâu năm với Liên đoàn khẳng định, Tuyết Hoàn là một trong những nghệ sĩ có tài năng nhất của LĐXVN. Tuyết Hoàn là người chịu khó, ham học hỏi và rèn luyện, nên chị cũng là nghệ sĩ giỏi không chỉ ở các loại hình biểu diễn xiếc trên cao mà gần như ở các bộ môn xiếc khác, chị đều xuất sắc.

Những ước mơ dang dở

Thể loại biểu diễn xiếc trên cao vốn mang đặc thù mạo hiểm và luôn tiềm ẩn nhiều bất trắc nhất trong các loại hình xiếc. Ví dụ như động tác đu di động trên không trung, nó đòi hỏi người biểu diễn phải có kỹ thuật tổng hợp, toàn năng của nhiều bộ môn cơ bản khác trong nghệ thuật xiếc. Ngoài ra, các chuyển động biến thiên, thăng trầm, thoắt ẩn, thoắt hiện, ở các cao độ, biên độ khác nhau cũng đòi hỏi người nghệ sĩ phải có kỹ năng và quá trình khổ luyện khắc nghiệt.

Bên cạnh đó, nhiều động tác biểu diễn kỹ thuật xiếc trên cao không chỉ đòi hỏi sự khổ luyện và tố chất của một vận động viên thể dục dụng cụ, mà còn là sự bền bỉ, mềm mại, phản xạ nhanh nhạy, chính xác! Ở loại hình này, người nghệ sĩ luôn phải chuyển động ở độ cao có khi lên đến hàng chục mét, luôn hứng chịu những luồng ánh sáng lóa, sinh nhiệt nóng của các loại đèn màu, đèn pha, đèn điện tử, rồi tiếng ồn của các loại âm thanh,… Tất cả những tác nhân đó góp phần làm cho môi trường biểu diễn của các nghệ sĩ xiếc thêm vô số những bất trắc, nguy hiểm.

Trong cái buổi tập định mệnh hôm đó, vợ chồng Hoàn - Tài tập tiết mục dây võng đôi. Trước đó, cả hai đã chuẩn bị chu tất mọi yêu cầu cần thiết cho buổi tập như đạo cụ, giàn đu, môtơ, cáp tời, dây võng, dây ke cheo chân, khóa ke,… Bên cạnh đó, nghệ sĩ đi dây Đức Thành là bạn đồng nghiệp đảm trách việc điều khiển môtơ cho buổi tập cũng đã sẵn sàng.

Ngay khi Hoàn - Tài khởi động xong, nghệ sĩ Đức Thành bắt đầu nhấn nút cho tời chạy, dây võng từ từ hạ độ cao phù hợp, trên sân khấu tròn, hai vợ chồng Tài - Hoàn bắt đầu cùng xoắn lên dây võng để chuẩn bị thực hiện các động tác của bài tập đã định. Lúc này, Đức Thành điều khiển tời cho dây võng ở độ cao đủ khoảng cách, biên độ để thực hiện các kỹ thuật treo móc, ngả, tụt, tĩnh tại chỗ.

Lúc đó, Tài đưa tay nắm chặt dây ke, với động tác móc kheo trên dây võng, đồng thời Tuyết Hoàn gập sát người luồn bàn chân phải vào dây ke. Tài khóa luôn dây ke và rồi Tuyết Hoàn ngả cong người buông tay khỏi dây võng. Trong giờ phút định mệnh ấy, bàn chân của Tuyết Hoàn đã không may bị tuột ra khỏi dây ke, toàn thân Hoàn rơi tự do. Tuyết Hoàn đã nằm bất động ngay trên sân khấu nhưng đôi mắt thì vẫn hé mở. Nghệ sĩ Đức Thành chỉ kịp hét to rồi bấm tời hạ dây võng trong khi Tài thì rụng rời tay chân, đau xót nhìn người vợ thương yêu của mình nằm đó.

Giờ đây, khi nhớ lại giờ phút đau lòng ấy, cả Tuyết Hoàn và Tài vẫn còn cảm giác bàng hoàng như mới hôm qua. Kinh nghiệm trong nghề ngay lúc đó đã cho họ cảm nhận rằng, sự nghiệp của Tuyết Hoàn sẽ không thể đi xa hơn được nữa. Và, đôi vợ chồng son mới cưới nhau được thời gian vỏn vẹn 2 tháng ấy, vẫn chưa kịp tạo ra cho mình ước mơ của cuộc đời. Kể từ sau tai nạn ấy, tạo hóa đã nhẫn tâm cướp đi ước mong của họ về một ngôi nhà đầy tiếng cười của trẻ, của hạnh phúc đời thường như bao cặp vợ chồng bình thường.

Tuyết Hoàn tỉnh dậy trong bệnh viện (BV), thấy ê ẩm đau toàn bộ phần thân trên, còn từ thắt lưng trở xuống chị bị mất hoàn toàn phản xạ. Tại BV Việt Đức, Tuyết Hoàn được xác định bị vỡ đốt sống D8 và D9, gây chấn thương nặng tủy sống, không còn phản xạ và cảm giác từ vùng thắt lưng và 2 chân… Một cuộc phẫu thuật mất nhiều giờ đồng hồ cho Tuyết Hoàn đã được các bác sĩ thực hiện ngay sau đó. Kết quả là đã xử lý được 2 đốt sống bị vỡ, đồng thời cố định thêm mỗi bên đốt sống bị vỡ là 2 đốt nữa, tất cả là 6 đốt sống phải cố định.

Theo quy chế của BV Việt Đức, Tuyết Hoàn chỉ được nằm tại đây không quá 10 ngày, nghĩa là sau 10 ngày thì phải chuyển viện. Trong thời gian kéo dài hàng tháng sau đó, Tuyết Hoàn lần lượt được người chồng thương yêu của mình chuyển qua chạy chữa ở nhiều nơi khác nhau như BV Hòe Nhai, BV Bạch Mai, BV Thể thao nhưng hiện trạng liệt tủy sống của Tuyết Hoàn vẫn không có tiến triển! Bố mẹ hai bên gia đình đã già cả, anh chị em nội ngoại cũng thưa người nên trong suốt thời gian dài Tuyết Hoàn điều trị là từng ấy ngày, từng ấy đêm một tay Tài chăm sóc, thuốc thang, nâng niu, động viên vợ.

Tài tâm sự rằng, gia đình có tham khảo thông tin của các bác sĩ ở nhiều bệnh viện, thì được biết, ở Việt Nam, chưa khắc phục được một ca nào mà bệnh tình tương tự như của Tuyết Hoàn. Trên thế giới, đã xử lý được một số ca, thời gian phải kéo dài hàng năm để cấy tủy từng đợt nhưng tỉ lệ thành công không cao và vô cùng tốn kém.

Tài cũng chia sẻ thêm, với điều kiện hiện tại của hai vợ chồng (lương của Tài được 3,1 triệu), anh chỉ có thể cố gắng làm tốt công tác tư tưởng, chăm sóc và duy trì tốt hiện trạng và thể lực cho vợ. Còn nếu như có cơ may chữa khỏi được bệnh cho vợ, anh cũng chưa biết tính toán hay hy vọng nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ đâu.

Ông Tạ Duy Ánh, Phó giám đốc LĐXVN nói rằng, ngay khi Tuyết Hoàn gặp tai nạn vào tháng 8/2013, lãnh đạo LĐXVN cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên cơ quan đã đến động viên, thăm hỏi và hỗ trợ, tạo điều kiện hết mức cho trường hợp của Tuyết Hoàn. Hiện nay, Ban Giám đốc LĐXVN cũng đã bàn bạc và sẽ có những phương án hỗ trợ cụ thể, thiết thực hơn nữa cho Tuyết Hoàn.

Trên đường về, anh Hảo chia sẻ thêm là từ ngày bị tai nạn đến nay, mặc dù phải ngồi xe lăn, nhưng mỗi buổi biểu diễn của chồng, hay những chuyến đi xa biểu diễn của Liên đoàn, Tuyết Hoàn cũng đều cố gắng đi cùng để sát cánh với những đồng nghiệp của mình. Sinh nghề, tử nghiệp, có lẽ, cái nghề xiếc đã như là máu, là thịt và cũng là định mệnh xót xa của người nghệ sĩ tài năng Tuyết Hoàn

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/phongsu/2014/7/83500.cand