Nữ họa sĩ và 288 bức chân dung các Mẹ Việt Nam Anh hùng

Sau ba năm trọn tang chồng - cố Nghệ sĩ nhân dân, Anh hùng lao động Phạm Khắc, vào ngày 19/2/2010, họa sĩ 63 tuổi Đặng Ái Việt bắt đầu cuộc hành trình mang tên "Nét thời gian". Suốt 6 tháng ròng rã, thực hiện chuyến hành trình dọc dài Nam - Bắc trên chiếc xe Chaly nhỏ, đi dọc theo Quốc lộ 1A, qua đường Trường Sơn huyền thoại, nữ họa sĩ già đã hoàn thành 288 bức tranh chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH)...

Theo dự kiến, ngày 20/10, tại TP HCM, 288 bức chân dung các Mẹ VNAH của họa sĩ Đặng Ái Việt sẽ được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ... Họa sĩ Đặng Ái Việt kể rằng, bà vốn là cán bộ của Cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam. 15 tuổi, bà vào bưng theo cách mạng. Được các chị, các mẹ dạy dỗ, đến khi trưởng thành, khi yên bề gia thất, bà luôn luôn trăn trở với ý nghĩ rằng mình phải làm điều gì đó cho các dì, các chị, các mẹ. Những ngày đứng trên bục giảng, hướng dẫn sinh viên vẽ chân dung, bà chợt nghĩ đến chuyện khắc họa tất cả các Mẹ VNAH, lưu lại hình ảnh bất khuất, anh hùng của các mẹ cho thế hệ sau. Người mẹ VNAH đầu tiên bà vẽ là mẹ Bùi Thị Mè vào năm 1999, khi ông Phạm Khắc còn sống. Bà tâm sự với chồng, ông rất ủng hộ, nhưng vào thời điểm đó, công việc giảng dạy, những lo toan thường nhật khiến bà không thể sắp xếp để thực hiện hành trình dài ngày như dự tính. Năm 2007, NSND Phạm Khắc qua đời. Ít lâu sau, bà cũng về hưu ở tuổi lục tuần. Vừa chịu tang chồng, bà vừa âm thầm chuẩn bị cho một chuyến đi dài. Đi thế nào? Câu hỏi này khiến bà phải trăn trở. Nếu di chuyển bằng xe đò, những giá vẽ, đồ dùng hàng ngày sẽ vận chuyển làm sao, đi xe hơi thì kinh phí rất cao. Bà nhìn lại chiếc xe Chaly đã theo bà nhiều năm nay. Bà dẫn xe ra tiệm, hỏi thợ chiếc xe này có thể chạy Bắc - Nam. Anh thợ trẻ nhìn bà rồi nhìn “con” Chaly há hốc miệng, nhưng vẫn gật đầu. Chiếc xe Chaly được đại tu toàn bộ: phía trước được chế thêm càng để đồ, phía sau chế thêm chỗ đèo vali hòm xiểng, trên đầu xe làm một mái che để che mưa nắng; chiếc xe như một chiếc lều di động. Bà nói về con xe Chaly như thế này: “Mình biết tính nó, hơn nữa mình là phụ nữ thì không thể đi xe phân khối lớn. Ở độ tuổi của tôi phản xạ rất chậm, không phải như thanh niên, thế nên trên đường đi chạy khoảng 30km/giờ, không dám chạy hơn. Người ta nghe tôi chạy 5.000km tưởng đâu tôi khỏe lắm, thật ra trong một ngày tôi chỉ đi khoảng 150 đến 200km thôi". Bà cười hóm hỉnh. Ngày 19/2/2010, đúng ngày mùng 6 Tết, sau khi thắp nén nhang lên bàn thờ chồng, bà cùng chiếc Chaly với lỉnh kỉnh đồ đạc, giá vẽ tất tả lên đường, bắt đầu thực hiện những khát vọng nghệ thuật mà mình đã ấp ủ. Ngày đi đêm nghỉ, vừa đi vừa vẽ từ Đồng Nai, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi đến Huế, Quảng Trị, Nghệ An... Trước ngày 27/7, khi ra đến Hà Nội, bà đã hoàn thành chân dung 217 Mẹ VNAH. Trong khi Hà Nội làm triển lãm tranh của bà nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-2010), ngày 2/8 bà quyết định ngược về Nam, đến những nơi khi đi bà chưa ghé. Đến Đà Nẵng, bà rẽ qua đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh huyền thoại, qua Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, về Bình Phước, vẽ thêm chân dung 18 mẹ. Trung tuần tháng 8, bà lại tiếp tục đi đến các quận, huyện của TP HCM, vẽ thêm 44 chân dung các mẹ... Lịch trình tóm tắt thì như thế, nhưng 6 tháng đi với hơn 5.000 cây số là một hành trình rất dài và đầy gian khổ. Chiếc Chaly nhỏ nhắn của bà đã qua 9 lần phải thay nhớt. Qua mỗi chặng đường, qua mỗi miền quê, đúng câu "ăn bờ, ngủ bụi", để tiết kiệm chi phí, bà đâu dám nghỉ ở khách sạn, chỉ tá túc ở những phòng trọ rẻ tiền. Có hôm đi cả ngày trời mới có được bữa ăn ở những tiệm nhỏ ven đường, không thì chỉ có mỳ tôm và bánh mỳ. Khi đọc cuốn nhật ký hành trình của bà thì mới thấy hết khả năng, sức chịu đựng, tâm huyết của bà dồn vào những bức tranh lớn đến thế nào: Đến mỗi địa phương, bà lại bắt tay ngay vào việc tìm thông tin, liên lạc với chính quyền địa phương để lần ra địa chỉ các mẹ VNAH, hỏi ai còn, ai mất? Nên vẽ người nào? Hỏi địa chỉ, tìm đến trình bày vấn đề, tâm sự chuyện trò, vẽ chân dung các mẹ... từng ấy việc bà chỉ làm gói gọn trong một ngày. Bà nói ít khi tìm được các mẹ ở gần nhau, thường mỗi mẹ ở một huyện, xã xa, trên đường sá không thuận, nơi thì lầy lội, nơi thì cát lầy nên mọi hoạt động phải khẩn trương. Bà bảo, các mẹ VNAH mà bà đã gặp, mỗi mẹ như là một lát cắt số phận: có mẹ mất 3 người con, có mẹ mất 8, có mẹ như mẹ Thứ cả 9 người con đều hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến. Như câu chuyện của mẹ Lê Thị Thi, chính mắt mẹ phải chứng kiến đứa con gái 16 tuổi của mẹ bị địch kéo lê xác trên đường. Hay như mẹ Đặng Thị Huề, chồng và con mẹ bị địch xử bắn ngay trước mặt mẹ, nỗi đau thấu trời xanh vẫn theo các mẹ đến giờ. Và câu chuyện ấy, cũng ám ảnh người họa sĩ vẽ chân dung các mẹ. Tận mắt chạm vào những cảnh đời, những nỗi đau tột cùng ấy, lòng người nghệ sĩ nhói đau, nghẹn ngào, không ít lần bà òa khóc như đứa trẻ ôm chặt lấy mẹ, chẳng thể nào vẽ được. Nhưng bà nói, bà là người hạnh phúc nhất Việt Nam, bởi bà đã được gặp, trò chuyện, ôm hôn và nắm những đôi tay gầy guộc của hơn 300 mẹ VNAH. Trong số các mẹ mà bà tìm được và đến thăm, không ít mẹ sức khỏe đã yếu lắm, có mẹ không còn nhận biết được gì, như ngọn đèn leo lắt trước gió. Số chân dung bà vẽ được chỉ một nửa nhưng "được đến thăm các mẹ là quý lắm rồi, được nắm tay các mẹ như nắm tay mẹ mình đã ấm áp lắm". Một số chân dung Mẹ Việt Nam Anh hùng. Càng đi bà càng sợ. Bà thấy thời gian trôi quá nhanh, còn mình dường như đang chậm lại. Bà sợ mình đến trễ quá, khi các mẹ không còn nữa hoặc còn nhưng quá già yếu, không kịp ghi lại hình ảnh của các mẹ. Có những tỉnh bà đi qua, đã không còn một Mẹ VNAH nào còn sống, điều này khiến bà đau như cắt suốt chặng đường đi. Rồi bà lại trách mình: giá như bà đi sớm hơn, nhanh hơn, có thể đã được gặp các mẹ! Không ít mẹ bà chỉ đến thăm rồi ra đi trong nước mắt, khi ấy, bà lặng người vì nuối tiếc và miên man cảm giác có lỗi... Nỗi tiếc nuối và xót xa như một người con về muộn. Vẽ các mẹ khiến bà nhận ra một điều: vẽ Mẹ VNAH rất khó vì các mẹ rất nhiều nếp nhăn, nếp nhăn này chồng lên nếp nhăn kia như những nỗi đau thay nhau xuất hiện. Nỗi đau nào của mẹ cũng quá lớn và sâu... Bà vừa vẽ vừa trò chuyện để nắm được cái thần thái toát ra ở mẹ, khắc họa nét đôn hậu, sự chịu đựng và dũng cảm của mẹ. Có mẹ héo hắt, gầy gò, có mẹ đợi chờ mòn mỏi. Có mẹ chịu đựng và can trường. Rất nhiều lần bà tự hỏi: tại sao các mẹ có thể chịu đựng được nỗi đau quá lớn đến thế? Lần nào câu hỏi của bà cũng rơi vào khoảng lặng... Bà bảo: "Tôi không vẽ các mẹ quá đau khổ, tôi vẽ về sức chịu đựng tuyệt vời, về vẻ đẹp khí khái, can trường, về sự kỳ diệu của thời gian, như một liều thuốc giúp các mẹ nguôi ngoai phần nào nỗi mất mát. Vẽ Mẹ VNAH không dễ, không phải ký họa vẽ một nét là ra, mà phải vẽ từ chính tâm can của mình. Tôi thường trò chuyện với các mẹ rất lâu, nhìn ngắm kỹ những gương mặt già nua, để tìm ra một góc cạnh nào đó bộc lộ thần thái của mẹ và vẽ với tất cả tình thương, lòng kính yêu, cảm phục". Bà kết luận: "Trên thế giới chỉ Việt Nam mới có danh xưng Mẹ VNAH. Mẹ Việt Nam vĩ đại quá! Mỗi mẹ còn sống là mỗi câu chuyện dài kể lại cho thế hệ chúng ta, con cháu chúng ta về những hy sinh, mất mát để có được cuộc sống như ngày hôm nay. Các mẹ là đỉnh điểm của sự hy sinh và tinh thần bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Chồng hy sinh, mẹ lại gạt nước mắt tiễn con ra trận. Tôi ngưỡng mộ và cảm phục đến mức coi mỗi người Mẹ VNAH như một thần tượng”. Họa sĩ Đặng Ái Việt cho biết, hành trình “Nét thời gian” của bà đến nay mới chỉ hoàn thành được 1/3 chặng đường. Dự định của bà là trong 18 tháng sẽ hoàn thành lộ trình đến 63 tỉnh, thành. Sắp tới bà sẽ lên Tây Bắc rồi ngược xuống miền Tây. So với danh sách các Mẹ VNAH còn sống hiện nay là trên dưới 5.000 mẹ, bà mới vẽ được 288 mẹ, một con số nhỏ nhoi quá đỗi. Gặp bà ở TP HCM, một phụ nữ tuổi 63, dáng cao gầy, nụ cười hồn hậu pha chút hóm hỉnh, mái tóc bàng bạc trong căn nhà nhỏ khang trang cuối đường Bình Lợi (quận Bình Thạnh). Thấy chiếc Chaly nhỏ nhắn, tôi thực sự không hiểu có một sức mạnh vô hình nào đó đã giúp cho nữ họa sĩ già này ý chí và nghị lực để vượt qua một hành trình quá nhiều gian khổ, vượt qua bao đèo dốc, gió bão trên chiếc Chaly nhỏ bé của mình? Còn bà, bà nghĩ rằng, vẽ 288 Mẹ VNAH là được ôm vào lòng 288 người mẹ đã thầm lặng vượt qua bao giông bão, mất mát của mình để làm rạng danh đất nước này. Bà không ngồi xe hơi, mà đi trong nắng gió, trong mưa, trên cát để đến với các mẹ, đi và vẽ bằng trái tim mình, tận hưởng cái cảm giác ít ai có được, chia sẻ với những vẻ đẹp hy sinh của biết bao người mẹ trên đất nước can trường này. Vì thế mà bà chẳng thấy gian nan cực khổ gì, cũng có khi bà nghĩ, có lẽ mình được bao linh hồn chiến sĩ phù hộ. Bà tâm sự: "Đi 6 tháng trời không đổ bệnh ngày nào, về đến nhà mới bệnh quá trời, kể cũng lạ! Tôi là người rất khoa học, nhưng tôi tin vào tâm linh. Đến một lúc nào đó khoa học sẽ tiệm cận với tâm linh, để mang lại vẻ đẹp mới cho triết học. Chuyến đi xuyên Việt của tôi nếu không có sự ủng hộ quan tâm của những người đã khuất thì làm sao tôi có thể vượt hàng ngàn cây số bằng chiếc xe cọc cạch này?”. Còn tôi, tạm biệt bà với lòng cảm phục, một họa sĩ hết lòng với nghệ thuật, một nghệ sĩ kiên cường như một chiến sĩ!

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/phongsu/2010/10/73610.cand