Nữ chủ tịch hứa 'từ quan': Tôi cảm thấy áp lực trước báo chí

Vị nữ chủ tịch phường chia sẻ việc tuyên bố “từ quan” nếu không dẹp được vỉa hè xuất phát từ quyết tâm của bản thân, bà không sợ khó mà chỉ thấy áp lực trước báo chí.

Sáng 11/3, tại hội nghị quán triệt, thực hiện công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP.HCM, do Thành ủy TP.HCM tổ chức, bà Trương Thị Minh Tín, Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, thẳng thắn: "Nếu bản thân tôi không làm được chức năng quản lý vỉa hè, thì tôi sẽ dừng lại để đồng chí khác thay tôi".

Nói là làm, xuyên suốt thời gian sau đó, nữ Chủ tịch phường cùng đoàn liên ngành liên tục đi kiểm tra, nhắc nhở, gửi thông báo đến từng hộ dân và hộ kinh doanh trên địa bàn, yêu cầu nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương chỉnh trang vỉa hè của TP.

Hình ảnh người phụ nữ đội chiếc nón vành, cứ hết giờ hành chính lại cùng đoàn kiểm tra liên ngành tới từng nhà, gặp từng người bán hàng rong động viên, nhắc nhở đến tối muộn mới xong việc đã không còn xa lạ với bà con nơi đây.

Bà Trương Thị Minh Tín đã dành cho Zing.vn cuộc trao đổi xung quanh công việc và cuộc sống.

Dùng camera giám sát vỉa hè

- Cuộc chỉnh trang vỉa hè trong thời gian qua tại địa phương có gặp khó khăn nào không thưa bà?

- Lực lượng chức năng không gặp khó khăn gì lớn, người dân tương đối chấp hành những chủ trương, thông báo của phường. Một số trường hợp không chấp hành đã bị đoàn kiểm tra lập biên bản cưỡng chế, tháo dỡ xử phạt, chưa xuất hiện tình trạng chống đối đoàn điểm tra.

Những mái che của người dân không chấp hành bị cắt bỏ. Ảnh: Lê Trai.

- Bà có đặt ra mục tiêu về thời gian sẽ hoàn thành việc chấn chỉnh trật tự vỉa hè tại phường Bình Trị Đông B và làm thế nào để giữ được thành quả?

Tôi đã nói anh em nào nhận tiền của dân thì chủ động sắp xếp, để người dân kiện thì phải chịu trách nhiệm.

- Các tuyến đường kiểu mẫu thì hết tháng 3 sẽ dứt điểm, những tuyến đường khác thì đến hết tháng 6. Sau đó sẽ vận động người dân trong hẻm, nơi nào cũng phải làm. Khi vỉa hè được xử lý xong sẽ giao về cho khu phố quản lý, tiếp tục vận động tuyên truyền. Tôi có hộp thư điện tử, khi có chuyện họ báo lên và tôi sẽ kiểm tra xử lý.

Bên cạnh đó, phường sẽ thành lập tổ kiểm tra công vụ, những tuyến đường điểm, phức tạp sẽ giao cho từng thành viên trong thường trực ủy ban chịu trách nhiệm. Riêng tôi sẽ đảm nhiệm 7 tuyến đường kiểu mẫu.

Ngoài ra, trên địa bàn phường có hơn 40 camera an ninh, trong đó có 8 cái quay góc 360 độ, tôi sẽ theo dõi camera qua điện thoại. Khi phát hiện người dân lấn chiếm vỉa hè, tôi sẽ cử lực lượng xuống nhắc nhở, xử phạt.

Bà Tín đang quan sát camera an ninh trên địa bàn phường qua điện thoại. Ảnh: Lê Trai.

- Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng từng nói đừng để ông Đoàn Ngọc Hải, Chủ tịch UBND quận 1, thành “ngôi sao” cô đơn, bản thân bà có cảm thấy mình cô đơn trong việc giành lại vỉa hè ở địa phương?

- Tất cả anh em đều đồng lòng, quyết liệt ra quân với tôi từ khi bắt đầu tới giờ. Có những hôm đoàn đi từ chiều đến tối muộn mới về và họ luôn sát cánh cùng tôi. Bây giờ, các phường khác cũng đều vào cuộc, vận động, gửi thông báo cho người dân, tất cả cùng vào cuộc theo chỉ thị quận ủy, nên tôi không hề cảm thấy cô đơn.

- Dẹp sạch vỉa hè bà có sợ đụng chạm?

- Họp giao ban tôi đã nói thẳng anh em nào đã lỡ nhận tiền của dân thì chủ động sắp xếp, để người dân kiện thì phải chịu trách nhiệm trước ủy ban. Một khi đã chấp nhận làm, tôi sẽ làm đến nơi đến chốn, sẽ không sợ bất cứ chuyện gì, cứ làm theo chỉ thị của cấp trên.

Bà Trương Thị Minh Tín, Chủ tịch UBND phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân. Ảnh: CTV.

"Tôi từng có cuộc sống cơ cực"

- Những người bán hàng rong có được hỗ trợ để tái ổn định việc buôn bán?

- Tôi từng có cuộc sống cơ cực sau khi ly hôn với người chồng mình yêu thương hơn chục năm gắn bó. Người đó ôm hết tài sản bỏ lại tôi và con trai. Tôi phải lên TP.HCM buôn bán, giao hàng cũng như làm đủ mọi việc để kiếm tiền nuôi con. Vì thế, tôi thấu hiểu những khó khăn mà những người bán hàng rong đang gặp phải trong cuộc chỉnh trang vỉa hè này.

Tôi từng có cuộc sống cơ cực sau khi ly hôn. Người đó ôm hết tài sản bỏ lại tôi và con trai.

Khi tiếp xúc với họ, tôi thường tìm hiểu hoàn cảnh, động viên họ vào chợ để bán, nếu có khó khăn cứ trực tiếp tâm sự để tôi tìm cách giải quyết. Cuộc sống của tôi giờ đã khá hơn, tôi sẵn sàng hỗ trợ nếu họ thực sự khó khăn, cần được giúp đỡ.

Tôi cũng đang nuôi 2 đứa trẻ có cha mẹ chết vì bị HIV, bản thân 2 bé cũng mang căn bệnh này, tôi hỗ trợ cho các em mỗi tháng một triệu đồng

- Bà thấy vỉa hè của phường Bình Trị Đông B khác với quận 1 như thế nào?

- Quận 1 có vỉa hè đẹp, đều và đồng bộ, còn phường Bình Trị Đông B thì người dân tự cất nhà, tự làm nền, các nhà xây sau nâng nền quá cao, nên vỉa hè chỗ cao chỗ thấp.

Cái khó nữa cho phường là bậc tam cấp ở bên trong giờ bảo tôi đi đục phá như quận 1 thì tôi không làm được. Bên cạnh đó, các cây xanh được người dân trồng tự phát nên không đồng đều. Thời gian tới phường sẽ vận động người dân bứng những cây này vào công viên hay chặt bỏ, rồi trồng mới cho họ.

Bà Tín cho rằng mình không hề cô đơn, đồng thời bà khẳng định mình luôn thấu hiểu những khó khăn của người bán hàng rong trong cuộc giành vỉa hè cho người đi bộ. Ảnh: Lê Trai.

- Nhiều người dân quận 1 phản ứng trước cách làm cứng rắn của chính quyền địa phương, còn người dân phường Bình Trị Đông B thì sao?

- Quan điểm của chúng tôi là vận động người dân trước, cho thời gian, chỗ nào phức tạp thì cho 7 ngày, chỗ bình thường thì cho 3 ngày. Nhiều trường hợp mới chỉ gửi thông báo được 1-2 ngày, người dân đã tự động tháo dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè. Với lại, chuyện vỉa hè tôi làm thường xuyên từ xưa giờ rồi nên đa số hưởng ứng, đồng tình.

Khi tuyên bố chuyện đó, tôi không hề nghĩ mình nói suông, cũng không bao giờ nghĩ mình không làm được mà bỏ.

- Từ khi tuyên bố “từ quan” nếu không dẹp vỉa hè, bà có cảm thấy áp lực?

- Quận đã có chỉ thị cho phường từ năm 2015 - 2016, nhưng làm không đồng bộ, chủ yếu là giải tỏa các chợ tự phát, giữ trật tự lòng lề đường, các tuyến đường điểm của quận và phường đăng ký. Từ đầu năm 2017, quận có chỉ thị làm đồng loạt, từ đó sức lan tỏa mạnh ra.

Ngày được chọn lên làm báo cáo tham luận, tôi nghĩ đơn giản sẽ làm được, tôi rất quyết tâm nên thấy rất bình thường, nếu bản thân thấy không làm được trận địa này thì xin nghỉ chứ làm chi nữa.

Khi tuyên bố chuyện đó, tôi không hề nghĩ mình sẽ nói suông, cũng không bao giờ nghĩ mình không làm được mà bỏ vấn đề này. Tôi nói với quyết tâm của mình, quyết tâm chính trị của cả Đảng bộ, nhưng không ngờ báo chí làm quá nên tôi thấy áp lực.

- Xin cảm ơn bà!

Lê Trai

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nu-chu-tich-hua-tu-quan-toi-cam-thay-ap-luc-truoc-bao-chi-post732181.html