Nữ cầu thủ bóng chuyền mặc áo lính

Những năm gần đây, người hâm mộ bóng chuyền trong cả nước đều biết đến những trận đấu đầy ấn tượng và thành tích nổi bật của Đội bóng chuyền nữ Binh chủng Thông tin liên lạc (TTLT) tại các giải thi đấu do Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và Quân đội tổ chức. Đặc biệt, năm 2010, kỷ niệm 40 năm thành lập, đội đã giành danh hiệu Vô địch Quốc gia, và vô địch 5/7 các giải mà đội đã tham dự...

Trong tiết se lạnh của một chiều cuối thu Hà Nội, chúng tôi tới Đội bóng chuyền nữ Binh chủng TTLL. Tại trụ sở của đội, Thiếu tá Nguyễn Hữu Nghiêm - Đội trưởng, cùng Thượng tá Phạm Văn Long - Huấn luyện viên trưởng, cho biết: Từ năm 2002 đến năm 2010, trong chín lần các anh cùng Ban huấn luyện (BHL) 'cầm quân' tham gia thi đấu các giải cấp quốc gia, thì bảy lần đoạt chức vô địch; trong đó 5 năm liền (2002 - 2006) đoạt chức Vô địch giải các đội mạnh toàn quốc. Riêng năm 2010, đội tham gia thi đấu bảy giải do Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam và Quân đội tổ chức, trong đó năm lần đoạt chức vô địch và hai lần đoạt giải nhì. Điều đáng nói là, các thành tích đó đều dựa trên nội lực của toàn đội, không phải thuê huấn luyện viên (HLV) và vận động viên (VĐV) là người nước ngoài. Mặc dù nơi ăn, chốn ở, khu tập luyện của đội còn chật hẹp; cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn,... để huấn luyện và tham gia thi đấu đạt kết quả tốt, hằng năm, BHL xây dựng kế hoạch, xác định nội dung, thời gian và mục tiêu huấn luyện cụ thể, thiết thực; tiến trình và giáo án huấn luyện được phê duyệt theo phân cấp chặt chẽ. Đồng thời, BHL làm tốt công tác giáo dục, quán triệt nghiêm túc về nhiệm vụ, ý thức tổ chức kỷ luật trong huấn luyện và thi đấu cho cán bộ, VĐV. Coi trọng quá trình huấn luyện cơ bản cho VĐV, từ kỹ thuật cá nhân đến các bài tập chiến thuật tổng hợp, liên hoàn. Vào những đợt tập trung cho giải đấu, HLV và VĐV thường tập luyện với cường độ cao, hầu như không có ngày nghỉ... Anh Phạm Văn Long trước đây là cầu thủ của Đội bóng chuyền Thể Công, năm 2001 được cấp trên giao nhiệm vụ làm HLV trưởng của đội. Gần 10 năm gắn bó với đội, anh hiểu tâm tính của từng VĐV như hiểu người thân trong gia đình. Anh bộc bạch: 'Để đạt được mục tiêu do BHL đề ra, HLV phải gắn bó và chân thành với chị em, bởi lẽ những cô gái 'chân dài' làm cầu thủ có thể trạng, sức bền, tính mạnh mẽ không như 'cánh mày râu', nên trong huấn luyện, HLV phải hiểu hoàn cảnh của từng người, chân thành và giải quyết tốt các mối quan hệ, thầy - trò phải hiểu nhau. Phải đặc biệt chú ý tới vấn đề tập luyện với cường độ cao, áp lực của các giải đấu, rồi VĐV bị chấn thương, hoàn cảnh gia đình khó khăn...'. Nếu so sánh với một số đội bóng chuyền nữ khác, thì tiền lương, tiền thưởng ở đội còn eo hẹp, ít nhiều còn thua kém về vật chất bảo đảm cho huấn luyện, tham gia thi đấu. Đã có lúc có VĐV phân vân, thậm chí xin chuyển sang các đội bóng khác... Trong câu chuyện, Đại úy Phạm Kim Huệ, Đội trưởng VĐV bóng chuyền tuyến một, cùng Thượng úy Phạm Thị Yến, là những VĐV trụ cột của đội bóng cho chúng tôi biết: Có lúc do áp lực về thành tích của các giải đấu nên trong huấn luyện thầy và trò xảy ra căng thẳng, rồi nhiều khi chị em bị chấn thương, hay có chuyện tế nhị, nhưng do không điều chỉnh lịch tập dẫn tới VĐV chán nản. Nhất là trong giai đoạn tập luyện, có chị em bố ốm, con cấp cứu ở bệnh viện, mà chị em đi vắng cả ngày. Việc luyện tập thì căng thẳng, mệt mỏi, làm cho vợ chồng bất đồng. Đó cũng là lý do để một số gia đình VĐV không muốn cho chị em thi đấu nữa. Vì thế, nếu giải quyết không khéo, sẽ dẫn đến bất hòa, rạn vỡ gia đình. Nhưng rồi, bằng tinh thần đồng chí, đồng đội, BHL cùng chị em VĐV đã chia sẻ giúp đỡ nhau cùng vượt qua, tập trung cao nhất cho huấn luyện tham gia các giải đấu. Mùa bóng năm 2010, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Binh chủng động viên đội đi thuê cầu thủ ngoại từ đầu năm để huấn luyện và tham gia thi, vì chức Vô địch giải các đội mạnh toàn quốc năm nay là một thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Binh chủng, 40 năm thành lập đội. Do vậy, đã có phương án tìm VĐV, nhưng đến phút chót, thấy VĐV nước ngoài không hơn VĐV của đội bao nhiêu, lại phải trả lương cao vượt quá khả năng, nên BHL thống nhất không thuê VĐV nước ngoài. Đúng thời gian này, VĐV trụ cột Phạm Thị Yến lại bị chấn thương trong giải Cúp Hùng Vương; VĐV Phạm Kim Huệ con còn nhỏ; một số VĐV cũng bị chấn thương. Thực tế đó tạo ra sức ép rất lớn cho đội khi tham dự Giải vô địch quốc gia. Nhưng toàn đội đã thống nhất, quyết tâm huấn luyện, và tham gia thi đấu đạt kết quả cao nhất. Chính vì thế, nhiều VĐV thi đấu rất ấn tượng, như: Nguyễn Thị Nhâm, Phạm Kim Huệ, Phạm Thị Yến, Nguyễn Thu Ngọc, Vũ Thị Thúy và Bùi Thị Tám. Trong đó có VĐV được lựa chọn, trở thành trụ cột của đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia như: Phạm Thị Yến, Phạm Kim Huệ, Đỗ Thị Minh, Phạm Thu Trang, Đào Thị Huyền, Tạ Thị Diệu Linh. Từ năm 1997 đến nay, được sự quan tâm và đầu tư, đội bóng chuyền nữ Bộ Tư lệnh TTLL được tổ chức theo hệ thống ba tuyến VĐV, được giao chỉ tiêu đào tạo VĐV năng khiếu theo chương trình quốc gia. Hệ thống đào tạo được tổ chức và tiếp nối như vậy đã góp phần thiết thực để đội bóng giữ vững truyền thống 'đoàn kết, hiệp đồng, lập công tập thể', thành tích nối tiếp thành tích.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cmlink/nhan-dan-i-n-t/th-i-s/th-thao/g-ng-m-t/n-c-u-th-bong-chuy-n-m-c-ao-linh-1.276663