Nữ biên đạo múa Trần Ly Ly 'trải lòng' về nghề

“Múa đương đại là múa tư tưởng, rất khó xem, khó bán vé nhưng tôi thích lựa chọn cái khó nhất, trung thành với đường lối của mình, có thể nói là mình tự làm khó mình. Thế nhưng đó mới chính là con đường tôi muốn đi lâu dài”.

Biên đạo múa Trần Ly Ly.

Vừa cho ra mắt vở múa “Yes Yes, No No” trong Liên hoan "Múa đương đại quốc tế: Sự gặp gỡ Á-Âu" tại Hà Nội (22/9) và TPHCM (26/9), Biên đạo múa Trần Ly Ly đã phải lên kế hoạch cho những chương trình sẽ diễn ra vào cuối năm 2016 mà chị tham gia với tư cách đạo diễn… Đó là chưa kể ngày 2 buổi có mặt tại Trường Múa TPHCM với vai trò của một Phó Hiệu trưởng, lại đang là nghiên cứu sinh ngành nghệ thuật học và làm “quân sư” cho các biên đạo múa học trò như Huỳnh Mến, Phạm Lịch, Quang Đăng, Minh Tú, Đình Lộc… Vậy mà gặp Trần Ly Ly, vẫn thấy chị ung dung, thư thái với nụ cười tươi rộng…

Múa là một trong những loại hình nghệ thuật không gần gũi lắm với sở thích thưởng ngoạn của công chúng đại trà ở Việt Nam. Vậy xin hỏi, chị định nghĩa múa là gì?

Biên đạo múa Trần Ly Ly: Múa là dùng ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt ý tưởng, biểu đạt cảm xúc… Nó mang tính trừu tượng, hình tượng cao, hàm chứa đa nghĩa, qua lăng kính đó, ai muốn hiểu sao thì hiểu. Múa đồng thời là một loại hình sân khấu mang tính tổng hợp, có tạo hình, có âm nhạc, có trang phục, có đạo cụ… Đến bây giờ, múa còn được coi là một phương tiện truyền thông. Múa mang giá trị của sự cộng hưởng giữa con người và con người, giữa diễn viên và người biên đạo, mỗi con người mang một đặc tính khác nhau, trong đó 80% là sự định hình, 20% còn lại là cảm xúc, là một hoạt động sống nên không có bản múa nào giống bản múa nào. Muốn hiểu múa, phải biết về nó.

Nhưng múa không phải là một môn nghệ thuật có truyền thống của đa số người Việt, cụ thể là dân tộc Kinh?

Biên đạo múa Trần Ly Ly: Đúng là chỉ ở một số dân tộc ít người, múa có sẵn trong máu nên họ dễ cảm nhận hơn người Kinh. Nhưng cũng như hầu hết các triều đại phong kiến trên thế giới, vua chúa chúng ta ngày xưa cũng đã lập các đoàn múa để thưởng thức bên cạnh nghệ thuật tuồng (đến nay ở Huế vẫn có đội múa cung đình hoạt động như một cách để bảo tồn). Như vậy, ở các thời đại trước, múa là môn nghệ thuật dành riêng cho giới thượng lưu hơn là giới bình dân. Qua thời phong kiến, đất nước ta lại trải qua những cuộc chiến tranh, phải ưu tiên cho lĩnh vực chính trị, kinh tế hơn là văn hóa, nghệ thuật nên múa càng chưa có điều kiện để phát triển.

Nghệ sĩ múa chính quy thì không có nơi để hành nghề, để sáng tạo nhưng nhiều bạn trẻ vẫn có show đều đặn nhờ múa cho các ca sĩ. Xem những nhóm này biểu diễn, có người gọi đùa đó là “tập thể dục”. Vậy theo chị, đó là gì?

Biên đạo múa Trần Ly Ly: Vẫn là múa. Múa minh họa, làm trang trí cho bài hát. Múa minh họa là một loại múa rất khó, mang tính gợi tả, làm nhiệm vụ cộng hưởng cái hay của ca khúc. Điều quan trọng là người biên đạo phải chọn động tác múa thế nào cho phù hợp. Hiện nay, phải “chạy show” nhanh, dựng cũng phải nhanh nên may thì hợp. Nó còn tùy thuộc vào thẩm mỹ của người đặt hàng, người biên đạo, nhóm múa, nếu như cứ chấp nhận “giá rẻ” thì sản phẩm sẽ là hàng kém chất lượng. Gần đây, hiện tượng này có đỡ hơn. Rất nhiều bạn, sau khi tham gia các cuộc thi gameshow đã tìm đến trường múa để học. Họ hiểu chỉ có con đường học bài bản mới đi lâu dài với nghề.

Nhiều nhận định cho rằng nghề múa đương đại đang lên ngôi nhờ các gameshow truyền hình. Chị là người theo đuổi nghệ thuật múa đương đại, nhưng hình như chữ “đương đại” ở đây đang bị lạm dụng. Có phải cái gì không phải ballet, không phải dân gian thì là đương đại?

Biên đạo múa Trần Ly Ly: Đúng là các gameshow truyền hình về “dance” nói chung đã mở ra cho múa một trang khác hẳn trước đây, sôi động, hào hứng và tạo được sự chú ý của công chúng, nhờ vậy, múa đã có thêm nhiều người tìm đến học. Sở dĩ tôi chọn múa đương đại vì nó phù hợp với tư tưởng thích tìm tòi, bứt phá của cá nhân mình, đồng thời nó tiếp cận được với xã hội, với giới trẻ hiện nay. Tư duy ngôn ngữ múa của lớp trẻ cộng với kinh nghiệm múa của hàn lâm sẽ sáng tạo ra một thứ ngôn ngữ riêng, vấn đề là “lắp” sao cho phù hợp.

Nhưng đúng là việc múa “tự phát” là một điều đáng lo, nếu sự ngẫu hứng không dựa trên nền tảng cơ bản thì thành “huyên thuyên”, là “múa may quay cuồng”. Phải có nền tảng cực chắc, sự sáng tạo, phá cách thì mới cho ra những sản phẩm có giá trị. Những cái không thực sự giá trị sẽ tự đào thải theo quy luật và những gì còn lại sẽ là những viên ngọc sáng. Tuy nhiên, sự xuất hiện ồ ạt các gameshow như hiện nay dẫn đến tình trạng bị bão hòa, hết ý tưởng, bị trùng lặp, bị nhạt… Những thứ xuất hiện trên truyền hình thì gọi đúng tên là “múa gameshow”, không phải đương đại như ý nghĩa đích thực của nó. Múa đương đại là múa tư tưởng, rất khó xem, khó bán vé nhưng tôi thích lựa chọn cái khó nhất, trung thành với đường lối của mình, có thể nói là mình tự làm khó mình. Thế nhưng đó mới chính là con đường tôi muốn đi lâu dài.

Lâu nay, việc tuyển sinh của các trường múa gặp nhiều khó khăn?

Biên đạo múa Trần Ly Ly: Thời bao cấp, thế hệ chúng tôi về trước, trẻ em được tuyển vào trường múa từ tuổi lên 10. Khi ấy, học sinh múa được Nhà nước lo toàn bộ, từ gạo ăn, sữa uống, chỗ ở, cho học hành tử tế… Đứa trẻ vào trường múa đồng nghĩa với việc bố mẹ đỡ lo nuôi một đứa con. Thêm nữa, thầy cô khi ấy rất có lòng, đạp xe đến tận nhà, kể cả ở nông thôn, động viên phụ huynh cho con vào trường múa, đèo học trò đi, chăm chút từng ly từng tí. Người dạy và người học chỉ có một công việc duy nhất nên rất toàn tâm toàn ý, hết lòng với nghề.

Bây giờ, việc tuyển sinh khó khăn vì học sinh không có ưu đãi gì, khi ra trường cơ hội kiếm tiền không cao so với sức lao động và tiền bạc đã bỏ ra. Nghệ sĩ múa nhìn hào nhoáng trên sàn diễn nhưng thực ra, nếu chỉ sống bằng lương hoặc thù lao diễn thì rất nghèo. Tuổi nghề lại quá ngắn, đến 35 tuổi xem như hết múa, lại có rất nhiều rủi ro của nghề nghiệp, từ 40 tuổi trở đi thì đau xương, đau khớp… Nhiều người có bệnh mà không biết hoặc cứ cố ráng sức, nên mới có những trường hợp đang tập hoặc đang múa bị ngất. Bây giờ ai vào trường múa là người phải thật sự đam mê, nhiều em ban ngày học văn hóa, tối đến học múa đến tận 9-10h.

Chị có thế hé lộ với độc giả một chút về cuộc sống riêng của mình được không?

Biên đạo múa Trần Ly Ly: Tôi sinh ra trong một gia đình có bố mẹ là các nghệ sĩ múa ballet chuyên nghiệp. Hồi ấy, nhà không có ai trông, nên bố mẹ đi tập luôn mang con theo, ai cũng thế cả. Hai tháng tuổi, tôi đã nằm trên nắp piano (à coeur) trong nôi. Lớn lên một chút thì chơi quanh quẩn sàn tập cùng với các bạn con của các nghệ sĩ khác. Rồi xem múa, nhà hát có vở nào là thuộc hết! Ở chung khu tập thể, trẻ con có cha mẹ múa chơi với nhau. Các nhà cứ bật nhạc, mở toang cửa, không khí nghệ thuật lan tỏa từ nhà hát về tận các gia đình. Người lớn thì sống thanh cao, ăn mặc tươm tất, lúc nào cũng nói chuyện nghệ thuật, đối xử với nhau chan hòa, sẻ chia mọi điều từ vật chất đến tinh thần nên trẻ con vì thế có gì ăn, có gì chơi cũng gọi nhau. Với tôi, những ngày ấy đúng là cuộc sống thần tiên. Suốt ngày xem múa, nên tôi và múa đến với nhau như một lẽ tự nhiên.

Khi học múa đến năm thứ tư, tôi đã có ý định bỏ vì mình học văn hóa giỏi, tự tin có thể thành công ở nhiều ngả đường khác, có thể làm luật sư hay bác sĩ chẳng hạn. Nhưng ý định đó không thành vì bị múa cuốn đi, hết cuộc thi này đến liên hoan khác mà mình không thể từ chối, miệt mài cật lực suốt ngày trên sàn tập, sàn diễn, lại được học với các thầy giỏi, các chuyên gia cừ khôi từ Pháp sang. Cứ thế rồi quên mất “mưu đồ” bỏ múa lúc nào không hay. Đến nay thì múa đã trở thành hơi thở của tôi. Tôi đã có tất cả, nghề nghiệp, tiền bạc, danh tiếng, đời sống tinh thần phong phú, nhiều người yêu thương, quý trọng… là nhờ múa.

Chồng tôi là kiến trúc sư, chúng tôi quen nhau khi cùng học ở Australia, yêu tám năm mới cưới, hiện đã có với nhau hai con trai, 10 và 8 tuổi. Chồng tôi còn “nghệ sĩ” hơn tôi nên giữa chúng tôi có được sự cảm thông. Lúc có con tôi mới bớt múa, chỉ giữ lại việc dạy học và sáng tác. Tôi là người ham việc, mang thai đứa con đầu vẫn dạy cho tới sát ngày sinh, con mới 4 tháng tuổi mẹ đã đi dạy lại. Đến đứa thứ hai, mới 10 tháng tuổi tôi đã bế con theo lên Tây nguyên dựng múa, vào nhờ nhà dân khuấy bột cho con. Đêm đến, chờ con ngủ mới nghĩ bài, 2h sáng mới chợp mắt. Đúng là khi có con, muốn làm nghề phải biết sắp xếp, nhưng nhiều lúc cũng không tránh khỏi cảm giác “quá bận” và “khổ lắm”. Thế nhưng, tôi may mắn vì còn có ông bà nội ngoại sẵn sàng hỗ trợ khi cần. Bố mẹ tôi giờ nghỉ hưu ở Hà Nội, thỉnh thoảng lại bị con gái “điều” vào Nam trông cháu.

Vợ chồng tôi mỗi người một nghề nghiệp, một nhu cầu nên để hòa hợp trong cuộc sống chung không phải lúc nào cũng dễ dàng. Cái chính là chúng tôi biết tôn trọng nghề nghiệp của nhau, chung lo cho con cái và trên hết là có tình yêu dành cho nhau. Ngày nào chúng tôi cũng có bữa ăn sáng và ăn tối chung cả nhà. Nếu không có việc bận, tôi luôn dành buổi tối để dạy con học và cuối tuần nào cả nhà cũng có những chuyến đi chơi với nhau. Tôi thấy cuộc sống gia đình của tôi như vậy là… ổn.

Trân trọng cảm ơn nghệ sĩ Trần Ly Ly./.

Cát Vũ

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/nu-bien-dao-mua-tran-ly-ly-trai-long-ve-nghe/289393.vgp