Nữ bác sĩ nói không với nạn mua bán tạng

Hơn hai mươi năm gắn bó với ngành y, TS. BS Dư Thị Ngọc Thu – Trưởng đơn vị điều phối ghép tạng tại BV Chợ Rẫy TP.HCM đã trao biết bao 'chìa khóa' mở cửa cho những bệnh nhân được cứu sống từ nguồn tạng hiến nhân đạo.

Cách đây ba mươi năm, khi đang là học sinh trung học, trong một lần đến Bệnh viện Mắt TP.HCM khám bệnh, bác sĩ Thu tận mắt chứng kiến câu chuyện đáng buồn. Một cậu bé khoảng 4-5 tuổi bị loét giác mạc, bác sĩ kết luận không thể điều trị, điều đó đồng nghĩa em sẽ bị mù. Nguyên nhân chỉ vì thiếu vitamin A. Hình ảnh người mẹ nước mắt chảy dài, rồi câu nói của cậu bé “Không chữa được thì thôi mẹ ơi!” đã ám ảnh chị, để rồi sau đó chị quyết tâm thi vào trường ĐH Y TP.HCM để có cơ hội giúp đỡ nhiều người bệnh hơn. Năm 1995, bác sĩ Thu về công tác tại khoa ngoại tiết niệu, bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Quãng thời gian làm việc tại đây, chị có duyên gắn bó với công việc điều phối ghép tạng và trong vai trò là người thuyết khách thầm lặng, chị đã mang lại ánh sáng cho những bệnh nhân suy tạng tưởng chừng không còn hy vọng được sống tiếp.

“Má Thu” của bệnh nhân ghép tạng

Hành trình đi “xin sự sống từ cái chết” của bác sĩ Thu chưa bao giờ dễ dàng, vì quan niệm “chết phải toàn thây” vốn ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt. Thế nên, trong vài chục ca vận động may ra mới có được một ca người nhà đồng ý hiến tạng sau khi bệnh nhân chết não.

Bác sĩ Ngọc Thu miệt mài với công việc hiến tạng nhân đạo.

“Trong lúc gia đình người bệnh đang đau buồn, một cú sốc lớn như thế mà mình đề cập chuyện xin tạng - tuy hoàn toàn là để cứu người, cũng là không đúng lúc. Nhưng nếu bỏ qua giai đoạn này thì sẽ không có cơ hội. Nên đặt vấn đề hay không, đặt vấn đề bằng cách nào để không gây sốc đòi hỏi mình phải thật tế nhị, chân thành và giải thích để người nhà bệnh nhân hiểu được ý nghĩa của việc làm nhân đạo này”, bác sĩ Thu cho biết.

Hỏi chị có bao giờ phải đối mặt với sự giận dữ của gia đình bệnh nhân khi đi thuyết khách chưa, bác sĩ Thu cười hiền: “Từ khi làm công việc này, tôi luôn sống trong hoàn cảnh của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân để hiểu cần nói gì, lúc nào nói, lúc nào không”.

Trong khi số người bệnh đăng ký chờ được ghép tạng lên đến con số hàng ngàn thì người hiến tạng lại đếm trên đầu ngón tay. Hơn ai hết, bác sĩ Thu hiểu khát khao được sống của người bệnh chờ ghép là như thế nào. Niềm vui vỡ òa, giọt nước mắt hạnh phúc của người bệnh khi nhận tin đã có được tạng tương thích luôn là động lực cho bác sĩ Thu. Cho dù để có được nguồn tạng hiến hiếm hoi, chị phải trải qua những giờ phút căng thẳng bất kể ngày đêm mỗi khi đi vận động, và thường tỷ lệ thất bại luôn gấp nhiều lần thành công, nhưng chị chưa bỏ qua bất cứ cơ hội nào, dù nhỏ.

“Nhiều người vẫn nghĩ khi xin được tạng mình sẽ vui lắm. Nhưng niềm vui của người điều phối không như vậy, đó là cảm giác buồn vui lẫn lộn. Mình vui vì có sự đồng thuận của người nhà, mình đã tiếp nhận và bàn giao thành công. Nhưng cái vui này mặt khác lại là nỗi buồn của người khác. Nên chưa bao giờ mình vui mà cười, hoàn thành trách nhiệm nhưng đồng thời phải an ủi, động viên gia đình người hiến, thông báo về kết quả cuộc ghép để họ biết được họ đã làm được một việc vô cùng ý nghĩa”, bác sĩ Thu bộc bạch.

Không kể hết có biết bao gia đình đã xem bác sĩ Ngọc Thu là ân nhân của mình. Có bệnh nhân còn gọi chị là “má Thu” như chuyện chàng trai Phan Văn Riêu, 33 tuổi, quê Bến Tre. Riêu bị suy thận giai đoạn cuối phải chạy thận cho đến khi được ba ruột cho thận ghép. Để có tiền trang trải trong quá trình điều trị, Riêu làm đủ công việc, từ bán vé số, chạy xe ôm, giao hàng,... Vết mổ mãi gần ba năm mới lành do Riêu bị rối loạn đông máu, thêm hội chứng thận hư tái phát sớm trên thận ghép, mỗi lần Riêu đến bệnh viện bác sĩ Thu luôn muốn tự tay rửa vết thương cho em, còn tận tình hướng dẫn Riêu tự xử lý vết thương tại nhà để đỡ tốn tiền viện phí!

Đấu trí chống nạn mua bán tạng

Bác sĩ Thu kể, có lần khi vận động hiến tạng, người nhà bệnh nhân chết não đã hỏi thẳng bác sĩ Thu, rằng làm sao chứng minh được bác sĩ không mang tạng người thân họ đi bán? Nghe câu hỏi này, bác sĩ Thu hiểu chị đang có 50% cơ hội vì hỏi như thế nghĩa là người nhà đã hiểu được ý nghĩa của việc hiến tạng nhân đạo, việc còn lại là làm sao để họ tin tưởng và yên tâm món quà được trao tặng đúng người. Bằng cái tâm của mình, bác sĩ Thu đã cho họ một câu trả lời thỏa đáng. Sau hai ngày suy nghĩ, người nhà đồng ý hiến tạng. Lần đó, 6 bệnh nhân đã được cứu từ nguồn tạng hiến này.

Bác sĩ Ngọc Thu (ngoài cùng bên phải) nhận bằng khen tại lễ vinh danh người hiến tạng.

Những trường hợp thuận lợi như thế không nhiều, nên trong ngần ấy năm gắn bó với công việc điều phối, không ít lần bác sĩ Thu phải đối diện với trường hợp mua bán nội tạng. “Với phương tiện hiện đại như bây giờ thì kỹ thuật của họ gian xảo, chuẩn bị mọi thứ rất kỹ. Nên chuyện nhìn ra đâu là trường hợp khả nghi không thể một cá nhân làm được mà là cả tập thể, một hội đồng thẩm định. Tôi còn nhớ, có trường hợp hội đồng thẩm định phát hiện có bất thường liền yêu cầu thẩm định. Phải công nhận họ giả mạo rất tinh vi, vì toàn bộ hồ sơ đều là những con dấu chứng nhận thật. Chúng tôi lần theo hồ sơ để xác nhận lại, truy tới truy lui cuối cùng phát hiện họ làm giả. Dĩ nhiên chúng tôi từ chối trường hợp này vì dứt khoát phải chống lại nạn mua bán tạng”, bác sĩ Thu nhớ lại. Lần khác, khi vận động gia đình có người bệnh chết não, họ đồng ý hiến hết tạng nhưng đề nghị phải được trả 100 triệu đồng. Bác sĩ Thu phải giải thích, hiến tạng là nhân đạo, là tự nguyện không đòi hỏi đền bù trao trả nào của người nhận. Cuộc vận động ấy thất bại vì người nhà chỉ chấp thuận nếu được trả tiền.

Chuyện bác sĩ Thu nhận điện thoại đề nghị được bán tạng nhiều không đếm hết. Nhiều người túng quẫn, cần tiền nên nghĩ bán tạng là cứu cánh. Gặp những trường hợp như thế, bác sĩ Thu phải khuyên nhủ, động viên để họ bình tâm suy nghĩ, không nên liều lĩnh, bất chấp hậu quả về sau.

Miệt mài với công việc đi xin tạng hiến, điều phối để những cuộc ghép tạng được thành công, và còn biết bao công việc khác vẫn còn đang chờ bác sĩ Thu phía trước. Những lúc quá tải, chị thường ngồi trên sân thượng nhà mình, hít thở không khí trong lành, và nghĩ về những người bệnh đang mỏi mòn chờ được ghép tạng. Bác sĩ Thu động viên mình phải cố gắng vì nếu chị buông tay thì cơ hội được sống của rất nhiều người sẽ trôi qua. Thế nên, người phụ nữ có dáng người nhỏ nhắn, nụ cười hiền, trang phục đi làm lúc nào cũng giản dị áo sơ mi quần tây ấy vẫn ngày ngày tất bật với nhiệm vụ của mình. Bởi như chị nói, một cánh cửa đóng lại và giúp không chỉ một mà đến sáu, tám, thậm chí mười cánh cửa khác được mở ra là một nghĩa cử cao đẹp, đáng trân trọng. Vậy thì có lý do gì để chị chùn chân bước trên con đường mình đang đi?

VÕ QUỲNH

Kỳ hai: Nỗi oan thấu trời đằng sau câu chuyện hiến tạng nhân đạo

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/doi-song/mua-ban-than-358576.html