NTM Quảng Ngãi: Chú trọng chất lượng hơn số lượng

Đó là chia sẻ của ông Dương Văn Tô (ảnh) - Giám đốc Sở NNPTNT, kiêm Phó Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Quảng Ngãi với NTNN về những kết quả đạt được trong xây dựng NTM tại Quảng Ngãi.

Ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở NNPTNT, kiêm Phó Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi.

Ông Tô cho biết, chặng đường hơn 5 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ở Quảng Ngãi đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng và đã có 14 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí. Mặc dù số lượng các xã về đích chưa nhiều, song chất lượng các tiêu chí ở các xã này khá tốt, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống người dân được nâng lên đáng kể, làng xã văn minh và ngày càng hiện đại.

Ông có thể cho biết những kết quả đạt được trong xây dựng NTM của Quảng Ngãi?

- Chặng đượng hơn 5 năm xây dựng NTM không phải là dài, song việc triển khai chương trình đã tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, số lượng tiêu chí NTM bình quân/xã đã tăng thêm hơn 5 tiêu chí so với năm 2011, một số xã có số tiêu chí bình quân tăng thêm nhanh, đến cuối năm 2015 số xã đạt chuẩn NTM 14 xã, đạt 6,7% tổng số xã.

Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã giúp cho nông dân Quảng Ngãi có thu nhập ổn định. TL

Mục tiêu đến năm 2020 của tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đưa 2 huyện (Nghĩa Hành và Tư Nghĩa) đạt chuẩn NTM, số xã đạt chuẩn 55 xã (55/164), bình quân số tiêu chí/xã 15 tiêu chí và phấn đấu mỗi huyện miền núi có ít nhất 1 xã đạt chuẩn.Trong đó đặc biệt chú trọng đến phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hằng năm 2%.

Đến nay, tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho NTM (giai đoạn 2011 – 2015) đạt trên 6.370.828 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, các địa phương chủ yếu đầu tư các nhóm tiêu chí về phát triển kinh tế, giao thông, thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ... Nhờ đã tạo cho bộ mặt nông thôn của Quảng Ngãi có những thay đổi nhanh chóng và có nhiều chuyển biến rỏ nét.

Công tác phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo cũng được các cấp, ngành địa phương tích cực quan tâm thực hiện. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được hình thành và nhân rộng đã giúp cho hàng ngàn nông dân ở khu vực nông thôn có thu nhập ổn định, hộ nghèo giảm nhanh chóng.

Vậy đâu là những khó khăn trong công tác này, thưa ông?

-Trong quá trình triển khai thực hiện NTM vẫn còn những hạn chế và khó khăn, bởi phần lớn người dân nông thôn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp là không đáng kể, nguồn lực có hạn do đó việc tham gia đóng góp cho xây dựng NTM còn hạn chế. Phong trào chung sức xây dựng NTM không đều giữa các vùng trong tỉnh; bộ mặt nông thôn thực sự chỉ có chuyển biến rõ rệt nhưng còn chậm. Đặc biệt là tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng NTM của tỉnh còn chậm so với bình quân chung của cả nước, số xã đạt chuẩn NTM còn thấp.

Để hoàn thành các mục tiêu, định hướng đặt ra, giai đoạn tới tỉnh Quảng Ngãi có kế hoạch ra sao, thưa ông?

- Tỉnh Quảng Ngãi sẽ ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư NTM và dự kiến cả giai đoạn 2016-2020 sẽ cần 6.140. tỷ đồng (cả nhân sách trung ương, ngân sách tỉnh và các nguồn huy động khác)… Từ nguồn vốn này sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp và xây dựng mới 6 hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân cư nông thôn theo chuẩn NTM, gồm: Giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, công trình cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh…

Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền vận động, tuyên truyền tạo được chuyển biến về nhận thức, phải làm cho cán bộ các cấp và người dân hiểu rõ mục tiêu của chương trình là hướng đến người dân, vì dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/nha-nong/ntm-quang-ngai-chu-trong-chat-luong-hon-so-luong-709714.html