NSƯT Phạm Bằng: Một đời vì nghệ thuật

Vẫn biết sinh - tử là vòng luân hồi không ai có thể cưỡng lại. Nhưng những sự ra đi của các nghệ sĩ tài hoa như Thanh Tùng, Trần Lập, Chu Văn Quyềnh (Hán Văn Tình)… và giờ đây là Phạm Bằng thực sự là nỗi mất mát lớn cho nền nghệ thuật nước nhà nói chung và nghệ thuật kịch nói riêng.

Người nghệ sĩ đầy đam mê

Khác hẳn với hình ảnh “ông chủ” khó tính trên sàn diễn, ngoài đời Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Phạm Bằng giản dị, điềm tĩnh, nhưng vẫn mang vẻ dí dỏm thường có của các nghệ sĩ hài.

Phạm Bằng sinh 1931 tại Hà Nội, bố ông mất sớm, một tay mẹ của cố nghệ sĩ nuôi ba người con ăn học. Khi biết con trai theo nghệ thuật, mẹ ông kịch liệt phản đối. Ít người biết rằng trong suốt những năm làm nghề, mẹ của NSƯT Phạm Bằng chưa từng đến rạp xem con trai biểu diễn.

NSƯT Phạm Bằng.

Hơn chục năm từ khi vào nghề, cuộc sống của Phạm Bằng rất vất vả. Sau khi “đứng vững” trên sân khấu, Phạm Bằng truyền nghề diễn chính kịch bằng việc dạy dỗ một số anh em cùng đoàn. Chương trình “Gặp nhau cuối tuần” đã góp phần đưa tên tuổi của nghệ sĩ đến với công chúng một cách sâu rộng nhất.

Diễn hài, mang tiếng cười cho thiên hạ, Phạm Bằng không đòi hỏi quá nhiều từ khán giả. Ông lấy làm vui vì luôn được người khác yêu mến, kính trọng, thậm chí coi như người thân: "Tôi đi đến chỗ nào người ta cũng rất thoải mái, coi mình như người thân, ngoài ra còn có sự kính trọng. Cái đó làm cho tôi nguôi ngoai rất nhiều phần đời sống riêng tư. Nó còn làm cho tôi yêu đời sống thêm nữa" – NSƯT Phạm Bằng từng bộc bạch.

Năm 1993, nghệ sĩ Phạm Bằng chính thức được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Từ đó tới nay, dù chưa được vinh danh nghệ sĩ nhân dân nhưng ông chia sẻ điều này không quan trọng, "chỉ cần đi đâu vẫn nằm trong lòng công chúng là toại nguyện rồi".

Nhớ quán “gia truyền” đời đầu

Nhắc đến Phạm Bằng, người ta không chỉ nhớ tới một người nghệ sĩ đã dành cả cuộc đời cho nghệ thuật, mà người ta còn nhớ tới ông chủ quán bánh trôi tàu trên vỉa hè chật chội nhưng ngon nổi tiếng Hà Nội. Đối với những người trẻ sinh năm 80 – đầu năm 90 tại Hà Nội, quán “bánh trôi tàu Phạm Bằng” luôn có một vị trí đặc biệt…

Không rõ từ bao giờ, quán nhỏ nơi góc phố Hàng Giày đã trở thành địa chỉ quen thuộc của người dân Hà thành. Người đến vì tò mò muốn gặp người nghệ sĩ già nổi tiếng cũng có, hay chỉ dăm ba câu chuyện với một người Hà Nội cũng có. Nghệ sĩ Phạm Bằng hay nói đùa, kiểu pha trò nhẹ nhàng mà đầy thấm thía. Nhiều khách đến ăn tưởng đây là nghề gia truyền của gia đình ông.

Thế nhưng theo nghệ sĩ từng tâm sự, ban đầu mở quán là vì thu nhập nghề diễn viên không đủ nuôi gia đình. Trong khi đó, ngày xưa, phố Hàng Giày chủ yếu là người Hoa sinh sống, thế nên không thiếu những hàng quán bán đồ ăn của Tàu như lục tàu xá, chí mà phù, bánh bao xíu mại…

Quán nhỏ dựng ngoài vỉa hè này cũng chính là ân tình của người vợ đã để lại cho ông. Bởi lẽ chính từ sạp hàng nhỏ đơn sơ này, qua đôi bàn tay tần tảo của vợ chính là động lực giúp bác hoàn thành biết bao vai diễn để đời. “Không có những năm tháng nghèo khổ, vất vả ấy, chẳng có một Phạm Bằng hôm nay” – NS Phạm Bằng vẫn luôn tâm sự như vậy với mọi người.

“Phút cuối” vẫn muốn đóng phim

Vào những ngày cuối đời, Tố Hữu từng viết Thôi chào nhé bạn đời yêu dấu/ Còn mấy vần thơ một nấm tro/Thơ tặng bạn đời, tro bón đất/ Sống là cho và chết cũng là cho. Vâng, với Phạm Bằng khi sống ông đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật chân chính và giờ khi chia tay cõi đời, ông luôn mãi để lại trong lòng người hâm mộ những tác phẩm khó phai.

Trước khi sức khỏe suy yếu vì căn bệnh viêm túi mật, viêm gan, NSƯT Phạm Bằng vẫn miệt mài đi diễn. Mải miết trên những cung đường đến trường quay hay nhà hát, nghệ sĩ Phạm Bằng chưa từng bỏ một buổi quay nào vì lí do sức khỏe. Ông cho biết mình say mê làm việc như vậy vì sợ ở không sẽ buồn. Thêm lý do khác đó là khi đi diễn giúp ông khỏa lấp những trống trải trong đời tư. Bởi thế, ông đi diễn nhiều, một năm tham gia cả chục phim truyền hình lẫn tiểu phẩm, băng đĩa hài Tết.

Trước mấy hôm ông ra đi vào cõi vĩnh hằng, người nghệ sĩ già vẫn khẳng định ông vẫn ổn, không bị ung thư như lời đồn. Ông chỉ bị viêm gan và viêm mật, sức khỏe suy yếu nên phải nghỉ ngơi. Chỉ cần đủ khỏe là ông sẽ lại tiếp tục đi đóng phim. Nghệ sĩ còn gửi lời cảm ơn khán giả đã quan tâm tới mình và cảm thấy rất tiếc khi Tết này không được tham gia đóng phim hài phục vụ công chúng. Ông hy vọng sang năm mới khỏe lại sẽ lại được tiếp tục đóng phim phục vụ khán giả. Song mong muốn đó của cố nghệ sĩ Phạm Bằng đã không thể trở thành sự thật. Ông đã ra đi trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng nghiệp và người hâm mộ.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/nsut-pham-bang-mot-doi-vi-nghe-thuat-44808.html