NSƯT Chí Trung- Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ: Chúng tôi đang dự định làm một sân khấu hoàn toàn mới

Sân khấu nhất là sân khấu phía Bắc đang cần rất nhiều cú bứt phá để khán giả chú ý hơn. Tuy nhiên, bứt phá được hay không thì cũng cần rất nhiều thử nghiệm mới để có thể tìm ra những lối đi hợp và tương thích với nhu cầu thưởng thức của khán giả ngày nay. Vậy những thử nghiệm đó là gì, tính đột phá đến đâu? Chúng tôi đã cùng trò chuyện với NSƯT Chí Trung- Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ- về những trăn trở này, nhân LH Sân khấu quốc tế thử nghiệm lần 3 đang diễn ra và Nhà hát Tuổi trẻ vừa dàn dựng vở “Lời nói dối cuối cùng” của tác giả Lưu Quang Vũ.

Đa phần sân khấu đang “ẩn nấp” trong tác phẩm kinh điển

+ Nhiều người vẫn cho rằng nhiều “nhà” làm sân khấu miền Bắc hiện vẫn cứ “ẩn nấp” trong các tác phẩm sân khấu kinh điển của thế giới, tác phẩm vang bóng một thời của Việt Nam để… trốn tránh hiện tại, vì ngại thử nghiệm tìm tòi cách phản ánh cuộc sống thực tại một cách thu hút và ấn tượng nhất…?

– Khán giả “khôn” lắm, làm sân khấu không sâu sắc, không thú vị hay áp đặt họ cũng không nghe, không dễ dàng đón nhận.

Dùng từ “ẩn nấp” tôi thấy cũng không phải. Các bạn xung quanh tôi như ở Nhà hát Tuổi trẻ mỗi năm dựng 7 vở đó thôi, có nhiều vở mới. Chỉ có vở Lưu Quang Vũ (LQV) do tôi dựng là dựng lại.

+ Nói thế nào thì thực tế là sân khấu lác đác mới có vở mới. Vở mới lọt thỏm, không có khán giả… nhanh bị quên lãng vì thế để có thể tạo điểm nhấn, để khán giả không bỏ bê sân khấu, nhiều nhà hát có xu hướng tái dựng vở diễn kinh điển. Như thế rõ ràng những người làm sân khấu vẫn đang né tránh cuộc sống, chưa tạo ra những vở diễn mới có giá trị?

– Tôi xin chỉ nói về cái mình làm và mình nghĩ, không bàn sâu về xu hướng. Mỗi năm tôi sẽ chọn để dựng 3 hài kịch và nhiều năm rồi sống bằng hài kịch. Cá nhân tôi suy nghĩ vở diễn dài chính kịch, hài kịch, nhạc kịch hay tiểu phẩm hay cụ thể tác phẩm nào thì cũng phải sống bằng đúng đời sống thực của nó, bằng bán vé, không sống bằng giấy mời, bằng chính sách… Vì chính bản thân mình cũng rất sợ dựng một vở xong không bán được vé, chỉ diễn một vài buổi, theo kiểu tác giả ê kíp sung sướng “điên” cả lên nhưng nhìn xuống khán giả thấy toàn… người nhà.

Khán giả vẫn ưu ái các tác phẩm thành danh

+ Vở “Lời nói dối cuối cùng” nằm trong khuôn khổ mùa thứ ba của Dự án “Chắp cánh niềm tin”, sẽ mang tới 100 đêm diễn miễn phí cho hàng chục ngàn khán giả trên cả nước khi có đơn vị đứng ra mua cả 100 buổi. Điều này càng minh chứng của việc: chọn kịch bản cũ nổi tiếng vẫn là một lợi thế?

– Nếu sân khấu cứ dựng kịch kinh điển hay kịch Lưu Quang Vũ là “ăn” và được đón nhận thì sân khấu đã bán vé đều đặn chứ không phải phập phù như hiện nay. Với chúng tôi, ngay cả việc vận động mua 100 suất diễn, tôi thấy bản thân không đùa được, không nhờ sự quý mến của đối tác mà chủ quan. Kịch bản cũ lợi thế hay không lợi thế? Tôi thấy, mình không phải tuýp đạo diễn giỏi, để biến không thành có. Tôi chỉ thích làm những gì mình thật thích và với kịch bản của LQV thì không cần khen nữa. Tất nhiên, trong khối lượng kịch bản của LQV không phải kịch bản nào dựng cũng “trúng” thời điểm, thu hút khán giả hiện nay. Có vở cũng không hẳn đã hợp nhu cầu, suy nghĩ hiện nay, có vở có thể một vài năm nữa mới hợp… Về điều này tôi có phần tự tin rằng mình cũng đo được, biết được một phần khán giả thích gì để làm, dựng vở cho trúng nhu cầu khán giả.

+ Anh có thể thuộc tuýp đạo diễn cực đoan?

– Với tôi, dù là vĩ nhân… vở diễn cũng phải đưa sân khấu ra với đông khán giả và khán giả chấp nhận nó. Tôi tự thấy mình là loại đạo diễn “gàn dở” và chỉ thích dựng những vở hài để được khán giả đón nhận và một số vở chính kịch của LQV để các doanh nghiệp bỏ tiền ra mua trước… Nếu bạn hay ai nghĩ rằng chúng tôi làm bóng lên giá trị của LQV thì tôi nghĩ cần xem lại. Đối tác không bỏ tiền ra tài trợ vô điều kiện, chúng tôi không chủ quan vì có đơn vị đã mua sẵn. Chúng tôi, bạn tin không, đang và truyền qua nhau niềm tin và tinh thần nhân văn. Nếu không yêu, không hết mình, tôi tin chắc không thể làm được.

+ Tôi thích câu anh chia sẻ: “Tôi dựng kịch từ chính trái tim mình. Sản phẩm nghệ thuật tôi làm ra để phục vụ một thế hệ khán giả hoàn toàn mới. Và điều quan trọng hơn, đó là tôi vẫn cảm nhận, vẫn tìm được những giá trị nhân văn từ những tác phẩm của tác giả Lưu Quang Vũ”.

– 44 kịch bản LQV tôi không lấy kịch bản bất kỳ ra dựng, tôi đọc đi đọc lại nhiều kịch bản, đọc lên đọc xuống vật ngang vật dọc để chọn kịch bản tôi “cảm” nhất. Tôi vẫn muốn nhắc lại, nếu chỉ dùng tiếng tăm LQV thì mình không dựng được. Có cảm giác LQV nhập hồn vào tôi. Và tôi thấy một lớp khán giả hoàn toàn mới với tâm trạng hoàn toàn trong vắt… Khán giả vẫn xem ở sự khắt khe vốn có và với thái độ chờ đợi. Vở diễn mang lại cho tôi áp lực lớn nhưng xứng đáng với sự kỳ vọng đó.

Từng tìm kịch bản mới một cách điên cuồng

+ Anh thích những tiểu phẩm ngắn, những cách làm mới, nhưng lại yêu LQV “đến quên cả trời đất” vậy anh có còn tâm thế chủ động tìm kiếm các kịch bản lạ không?

– Trước tôi tìm kiếm cũng điên cuồng kịch bản mới đấy. Hàng chục năm trước đọc nhiều… Biết tôi tìm kiếm nhiều nơi, nhiều tác giả cũng gửi lắm, hàng chồng kịch bản ở kia bạn nhìn đó. Nhưng tìm mãi mà vẫn thấy không có nhiều cảm xúc, có thể do mình không hiểu, kém… nên thôi. 2 năm nay tôi không đọc kịch bản mới. Một năm tôi được lựa chọn 1 thứ (kịch bản) để làm thì phải lựa chọn cái thứ mình thích đó là LQV.

+ Các vở diễn anh dựng đều bán được vé. Giờ để nói về khán giả mua vé anh đã có thể dự cảm các vở làm như thế nào là bán được vé hay không?

– Lý giải sự mua vé của khán giả khó lắm. Có nhiều người ngại đi xem vì “mạng” internet, hoặc xem tổng hợp tin tức trên báo mới đầy ra đó… Khán giả dường như đang phải đến xem theo kiểu cá xếp hộp, 2 tiếng không cử động được, họ khổ lắm trong khi có nhiều lựa chọn sinh động xung quanh. Khán giả giờ không như ngày xưa… cần gì cũng có thể có, cần gì phải đến rạp. Chúng ta phải đối diện với điều đó, phải đổi mới và phải hiểu khán giả. Sân khấu phải hợp thành từ tác giả, đạo diễn, diễn viên… đến khán giả. Sân khấu đích thực phải có khán giả bỏ tiền ra, sân khấu không phải chỗ vào ngồi cho mát.

+ Chí Trung là một người làm sân khấu biết cân đối cả vở diễn, liều lượng nghệ thuật cao thấp, lẫn kinh tế, đầu vào đầu ra cho tác phẩm. Anh không muốn phí tiền, phí sức để rồi tác phẩm làm ra chỉ để phát vé mời… Anh có kinh nghiệm chọn vở như thế nào?

– Tôi hay chọn cách đánh giá bằng tiền, không phải bằng cảm xúc định lượng định tính. Còn kinh nghiệm chọn vở, không dại bật mí bí quyết… Nói về quan điểm, nếu bạn dựng về tham nhũng, không bao giờ lại với báo chí, nếu chỉ lấy sự kiện nóng hổi. Nói xấu doanh nghiệp bạn vẫn hay làm bị mọi người ném đá, nói giám đốc xấu xa, cửa quyền thì không chính xác vì giờ làm giám đốc là… khổ nhất.

Giờ bạn chọn cái gì? Tác giả kể tí chiến tranh, tí cảnh bây giờ, tí mát xa ôm… thì đều viết những điều không ai xem, thích xem. Chưa kể đến việc gói vấn đề không giải quyết bằng hành động thì giải quyết bằng mồm, vĩ thanh… Trong khi kịch LQV thì nhân vật chính phụ đều hay và luôn phải bằng kết cấu câu chuyện.

Những năm trước tôi “chạy” sang kịch ngắn, vì lúc đó xu thế độc giả cũng đang chạy sang truyện ngắn cực ngắn mà vẫn đủ ý… Tôi chỉ nghĩ mình đang làm sản phẩm văn hóa phù hợp người tiêu dùng. Tôi có học các tiết tấu của phim, nó nhanh và gần cuộc sống hơn… đạo diễn cần biết học trong cuộc sống. Nhưng dù gì thì tôi cũng thấy mình đang có lợi thế, khi có khán giả nhiều năm ủng hộ nhà hát, có nhà hát, diễn viên, có những đơn vị xin đồng hành cùng nhà hát…

+ Anh từng bày tỏ hy vọng một ngày không xa, khán giả sẽ tới rạp hát với mong muốn được thưởng thức các tác phẩm sân khấu đỉnh cao chứ không còn là tiếng cười giải trí đơn thuần. Cái đó với sân khấu có vẻ đang là lời thách đố, bài toán khó có lời giải?

– Chúng tôi đang dự định làm một sân khấu hoàn toàn mới… đầu xuân tới sẽ mở tại Nhà hát Tuổi trẻ, diễn hoàn toàn độc lập vào thứ 6 hàng tuần, sẽ phá cách như mong muốn, làm cái gì khác biệt hoàn toàn, lộn ngược khán giả lên sân khấu ngồi chẳng hạn. Có thể từ 8-9h chỉ nói chuyện với khách… Chấp nhận khán giả phải là thành phần của vở diễn, không phân ra là vai diễn và người xem… và sẽ bán vé xứng đáng đồng tiền…

+ Hy vọng dự định này của các anh sẽ là một thử nghiệm thú vị với khán giả và những người làm sân khấu. Sân khấu theo tôi nghĩ vẫn cứ nên… mạo hiểm với mọi thử nghiệm để có được những vở diễn hay và tôi tin rằng, khán giả sẽ nhìn nhận được những nỗ lực ấy.

Hằng Nga (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/chung-toi-dang-du-dinh-lam-mot-san-khau-hoan-toan-moi/