Nốt lặng nhân ái từ sân khấu giữa rộn ràng Đại lễ

Trong những ngày vui của Hà Nội mừng Đại lễ, một sân khấu đặc biệt đã được tổ chức rất cảm động tại Nhà hát Tuổi trẻ. Loại hình sân khấu tương tác vẫn còn mới ở Việt Nam đã giúp đưa ra một thông điệp giàu tình nhân ái.

Tại sao có những người được vui sống lại có những người như ở bên lề? Tại sao có em thơ không được đến trường? Vở kịch và những người tham gia đã đem đến một đêm sâu lắng và hết sức nhân văn giữa không khí tưng bừng náo nhiệt. Đó là tiểu phẩm “Con muốn đến trường,” một câu chuyện về một bé gái bị nhiễm HIV từ cha mẹ mình với nỗi bất hạnh chính từ sự kỳ thị, xa lánh của người lớn. Tác phẩm mang đến cho khán giả những khoảnh khắc nghẹn ngào mà qua đó họ có cơ hội nhìn lại chính mình, tự quyết định thái độ ứng xử một cách tích cực để góp phần mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho những người kém may mắn, luôn có khát vọng hòa nhập cộng đồng và đóng góp cho xã hội chống lại căn bệnh của thế kỉ. Nghệ sĩ Như Lai đã cùng với hai MC của Nhà hát Tuổi trẻ đã đưa ra câu hỏi cho khán giả về việc họ có thể đóng góp ý kiến cho vở diễn, có thể tham gia diễn xuất. Có thể thấy khán giả tham dự đã hết sức lý tưởng vì họ cộng hưởng rất tốt với các nghệ sĩ. Có khán giả cho rằng cảnh phụ huynh đến quát và đe dọa đòi hiệu trưởng đuổi học sinh Hà “có H” là không thể chấp nhận được. Cảnh phụ huynh đẩy ngã ông hiệu trưởng là quá mức...Và thầy hiệu trưởng không thể “đầu hàng để giữ ghế” mà phải "chiến đấu" đến cùng để giữ học sinh có HIV ở lại trường mình... Sau đó, một khán giả đã lên làm hiệu trưởng như... thật. Khán giả này đã cao hứng tuyên bố hùng hồn: "Dù phụ huynh có đốt trường thì tôi vẫn giữ em Hà để dạy. Ai không đồng ý cho con em học cùng học sinh có HIV thì ký làm đơn chuyển trường tôi sẽ ký tất." Tiếng vỗ tay vang dội khắp hội trường. Khi người dẫn chương trình hỏi: Nếu các vị là phụ huynh mà con học trong lớp có học sinh có HIV thì sao? Quý vị có phản ứng chuyển trường cho con hoặc đòi đuổi cháu bé tội nghiệp kia? Hội trường lặng đi rồi lại nhao lên các ý kiến khác nhau... Thì ra kịch tương tác là kịch đời sống. Đặt mình vào cương vị nhân vật để ứng xử trong đời. Chính vì thế mà “Đừng đợi đến ngày mai” rất có ý nghĩa thực tế. Song điều bất ngờ nhất lại là sự xuất hiện cuối cùng của anh Trần Hoàng, người có H 12 năm. Anh đã đóng vai người bố đi xin học cho con không được. Lấy chính số phận mình để kêu gọi sự đồng cảm chính là một sự dũng cảm đáng khâm phục! Cả rạp hát sững sờ rồi rộn lên tiếng vỗ tay. Anh Hoàng bảo: “Các bạn thấy tôi có khác người thường không?” Khán giả đồng thanh: “Không.” Nghệ sĩ Như Lai cho biết: “Chúng tôi tập kịch với nhau rất nhiều, ăn cơm cùng nhau và luôn sát cánh bên nhau." Theo NSND Lê Hùng: "Mục đích của chương trình nghệ thuật này là gửi đến cho mọi người thông điệp về sự quan tâm chủ động giúp đỡ mọi số phận thiệt thòi trong cộng đồng liệu có cần đợi đến ngày mai để sống tốt hơn, để thay đổi những gì là thành kiến. Và chúng ta hoàn toàn có thể bắt đầu từ hôm nay, để trao tặng những điều tốt đẹp nhất cho con người và cuộc sống này.” Chương trình nghệ thuật tương tác “Đừng đợi đến ngày mai” được khép lại với tiểu phẩm độc diễn lãng mạn, đầy chất trữ tình “Giấc mơ hạnh phúc” với bao cảm xúc, nỗi khát khao về tình yêu và hy vọng./. Trong hai năm 2008 và 2009, Đoàn kịch Hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ đã tổ chức thành công đưa các vở “Stereo man”, “Stereo man và Nơi đến của những mảnh đời” biểu diễn phục vụ miễn phí cho sinh viên hàng chục trường đại học trên cả nước với sự tài trợ của tổ chức PETA – Philippnies, Quỹ Ford, Tổ chức PEPFA - Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Với sự tiếp tục tài trợ của PEPFA, Đoàn kịch Hình thể Nhà hát Tuổi trẻ đã xây dựng chương trình nghệ thuật sân khấu tương tác “Đừng đợi đến ngày mai” (ý tưởng và đạo diễn: NSND Lê Hùng, trợ lý đạo diễn: nghệ sỹ Như Lai). Nguyễn Anh (Vietnam+)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/not-lang-nhan-ai-tu-san-khau-giua-ron-rang-dai-le/201010/62662.vnplus