Nóng trong tuần: Nóng chuyện dự án thế chấp ngân hàng

Công khai dự án thế chấp doanh nghiệp BĐS lo bán hàng gặp khó; Trắng tay vì mua nhà đất bằng “giấy tay”; Bán nhà rầm rộ bảo lãnh ngân hàng bị lãng quên; Dự án công đội vốn khủng... là những thông tin nhà đất nổi bật tuần qua.

Hình minh họa

Công khai dự án thế chấp: Doanh nghiệp BĐS lo bán hàng gặp khó

Ngay khi Sở Tài Nguyên Môi trường Tp.HCM công bố danh sách 77 dự án nhà ở đang thế chấp ngân hàng, thị trường bất động sản đã chịu ảnh hưởng tức thì. Người mua nhà khi đọc được thông tin trên cũng tỏ ra thận trọng hơn và nhiều doanh nghiệp có tên trong danh sách đã lên tiếng phản hồi.

Theo đại diện một số doanh nghiệp, dù cho bản chất của việc thế chấp dự án là hết sức bình thường và đa số các doanh nghiệp hiện nay đều cần dùng vốn vay từ ngân hàng. Thế nhưng với nhiều người mua nhà, hay tin dự án đang thế chấp tức thì họ sẽ ngộ nhận rằng căn nhà họ đã hoặc định mua và năng lực của chủ đầu tư có vấn đề.

Trắng tay vì mua nhà đất bằng “giấy tay”

Do mua bán đất bằng “giấy viết tay” và xây dựng nhà không phép nên nhiều người dân ở TP Hồ Chí Minh đã bị cưỡng chế, phá bỏ căn nhà mà họ đã mua bằng những đồng tiền tích cóp được từ công sức lao động vất vả.

Trong căn nhà tạm vừa bị cưỡng chế, tháo dỡ cách đó ít ngày, anh Mai Sỹ Huyên cho biết, từ năm 2009, anh vào TP Hồ Chí Minh buôn bán hàng rong, làm mướn nhiều năm nên vợ chồng anh đã mua được mảnh đất gần 50 m2 của chính người chủ nhà mà anh ở trọ. Hai vợ chồng tích cóp vốn và vay mượn thêm để dựng lên một căn nhà tạm để cả gia đình trú mưa, trú nắng qua ngày.

Dự án công đội vốn khủng

Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2015 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi các đại biểu Quốc hội, hàng loạt công trình tăng tổng mức đầu tư gấp đôi so với ban đầu, trong đó không ít dự án bị đội lên hàng nghìn tỉ đồng.

Tại khu vực phía bắc, các công trình giao thông trọng điểm cũng không kém cạnh khi DA xây dựng đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân điều chỉnh từ 4.956 tỉ đồng lên 6.742 tỉ đồng; hay các DA cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Uông Bí - Hạ Long qua hai lần điều chỉnh cũng đã tăng tổng mức đầu tư hơn gấp đôi, từ 1.318 tỉ đồng lên 2.839 tỉ đồng; DA nâng cấp QL10 đoạn Ninh Phúc - cầu Điền Hộ (Ninh Bình) tăng 103,5% với việc tăng vốn từ 825,7 tỉ đồng lên 1.680 tỉ đồng.

Quản lý chung cư, cần minh bạch vấn đề thu chi

Mâu thuẫn giữa cư dân sống tại các chung cư với ban quản lý tòa nhà dù không còn là vấn đề mới, nhưng luôn nóng và mang tính thời sự. Trong nhiều tranh chấp xảy ra, nguyên nhân chính được đề cập đến nhiều nhất là tính minh bạch trong việc sử dụng các khoản phí bảo trì, phí quản lý…

Theo quy định tại Thông tư 02/2016 quy định quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, việc đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư được thực hiện theo thỏa thuận giữa chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư với đơn vị quản lý vận hành trên cơ sở các quy định của pháp luật về nhà ở.

Bán nhà rầm rộ: Bảo lãnh ngân hàng bị lãng quên

Quy định chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai bắt buộc phải được ngân hàng bảo lãnh đến nay đã có hiệu lực hơn 1 năm. Tuy nhiên, trên thực tế do chưa có chế tài xử phạt vi phạm nên nhiều doanh nghiệp vẫn công khai bán hàng khi chưa có bảo lãnh.

Theo điều 56, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính. Hợp đồng bảo lãnh có thời hạn cho đến khi nhà ở được bàn giao cho khách hàng. Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và khách hàng có yêu cầu thì phía ngân hàng sẽ hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.

Dự án thế chấp ngân hàng, “hé lộ” thông tin thế chấp bằng quyền tài sản

Thông tin về thế chấp bằng quyền tài sản được ông Phạm Ngọc Liên - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM thuộc Sở Tài Nguyên Môi trường cho biết tại buổi họp báo về việc công bố các dự án thế chấp ngân hàng vào chiều qua (29/7).

Theo đó, ngoài việc thế chấp dự án bằng quyền sử dụng đất hoặc tài sản hình thành trong tương lai hoặc bao gồm cả 2 thì vẫn còn có loại hình thế chấp mà nhiều chủ đầu tư đang sử dụng đó là thế chấp bằng quyền tài sản.

V.Ngọc (TH)

Nguồn CafeLand: http://cafeland.vn/tin-tuc/nong-trong-tuan-nong-chuyen-du-an-the-chap-ngan-hang-61052.html