Nông thôn Quảng Bình trước vấn nạn ô nhiễm môi trường

Trong tiềm thức của nhiều người, ô nhiễm môi trường thường chỉ xảy ra ở khu vực đô thị, nơi có nhiều nhà máy sản xuất công nghiệp. Thế nhưng, hiện nay ở nhiều vùng nông thôn ở tỉnh Quảng Bình đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân bởi rác thải, chất thải bừa bãi do họ gây ra. Nguyên nhân chính vẫn là do ý thức của người dân ở nhiều khu dân cư còn xem nhẹ về ô nhiễm môi trường.

Rác thải từ làng nghề và từng gia đình gây ô nhiễm Ở các xã vùng cồn bãi ở huyện Quảng Trạch, nguồn rác thải hiện đang là vấn nạn. Xã Quảng Văn có 1300 hô gồm 5750 nhân khẩu, phần lớn các hộ dân đều sinh sống dọc ven bờ sông Gianh. Hàng ngày, do không có bãi rác riêng, bà con nông dân ở đây đều vất rác bừa bãi khắp nơi. Xã Quảng Tân, nhiều năm qua, Chính quyền xã đã tổ chức nhiều cuộc họp dân bàn về xử lý rác thải. Nhưng do thiếu kinh phí và đất đai nên xã chưa làm được bãi tập kết rác và lập ra ban thu gom rác thải. Vì thế, xã tuy đã tuyên truyền, vận động, tổ chức cho người dân đăng ký cam kết giữ gìn vệ sinh nhưng rác thải vẫn “vô tư” được vứt ra dọc bờ sông tràn xuống sông gây ô nhiễm. Không chỉ ở hai xã Quảng Văn và Quảng Tân, người dân ở đây cho biết, tình trạng vứt rác bừa bãi xuống dọc bờ sông và ra bờ ruộng vẫn diễn ra nhiều nơi trong 11 xã vùng Nam Quảng Trạch này. Tại làng Tuy Lộc, xã Lộc Thủy (huyện Lệ Thủy), nơi có nghề nấu rượu truyền thống và làng Thượng Giang thị trấn Kiến Giang có hàng chục điểm giết mổ gia súc tập trung. Đi đến đâu ở hai làng này đều thấy ngột ngạt vì ô nhiễm môi trường. Những cống rãnh chạy dọc đường làng chứa đầy nước đen ngòm hòa lẫn chất thải từ trâu, bò, lợn bốc mùi khó chịu. Chất thải từ nghề giết mổ lợn, bò lưu cữu hàng chục năm nay ở những ao hồ quanh thôn, gây ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của người dân. Ở thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy có đến 85% số hộ chăn nuôi lợn, trong đó hàng chục hộ gia đình chăn nuôi từ 10 con lợn thịt trở lên. Hàng ngày nước thải, chất thải từ các chuồng lợn đều đổ ra vườn và chảy xuống các kênh mương nhỏ trong làng dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và bốc mùi hôi rất khó chịu. Trao đổi vấn đề này, ông Đậu Minh Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch và ông Võ Khắc Hòa, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy thừa nhận, tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn hiện nay, trước hết là do nhận thức của cấp ủy Đảng, Chính quyền cơ sở và người dân vẫn còn xem nhẹ vấn đề ô nhiễm môi trường cũng như tác động xấu tới sức khỏe công đồng dân cư. Nhất là từ khi xuất hiện túi ni lon siêu mỏng, rất nhiều người đã lạm dụng nó, tùy tiện vứt túi ni lon bất cứ ở đâu... Mô hình thu gom , xử lý rác thải hiệu quả cần được nhân rộng Trên địa bàn của tỉnh Quảng Bình đã có một số mô hình thu gom, xử lý rác thải của doanh nghiệp tư nhân và các tổ chức xã hội mang hiệu quả tốt. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với trường Đại học Nông nghiệp I (Hà Nội) tổ chức cơ sở xử lý rác thải nông nghiệp ở thôn Đức Thủy, xã Đức Ninh (Thành phố Đồng Hới). Mấy năm nay, cơ sở xử lý rác thải này phát huy tác dụng, có hiệu quả cao trong việc giữ gìn môi truờng trong sạch. Xã Võ Ninh, có hơn 8700 nhân khẩu sinh sống ở 7 thôn. Là xã nằm vào khu vực giao thương của các xã trong vùng Quốc lộ 1A, nên lượng rác thải hàng ngày khá lớn. Xã đã xây dựng quy chế: tất cả rác thải, bao ni lon, phế liệu...của mỗi gia đình đều được thu gom lại ở một túi ni lon lớn; mỗi thôn thành lập một tổ thu gom rác thác, mỗi tháng thu gom ở từng hộ gia đình 2 lần vào ngày đầu tháng và giữa tháng. Rác thác thu gom được đưa về bãi rác tạm của xã. Ngoài hợp đồng với một đơn vị của huyện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải về nơi quy định, xã còn trích ngân sách hơn 70 triệu đồng để xây dựng bãi rác tạm của xã, tạo thuận lợi cho công việc thu gom rác thải trên địa bàn xã. Ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch thành lâp tổ thu gom rác thải do Hội cựu chiến binh của xã đảm nhiệm. Hàng ngày , tổ thu gom rác thải đến tận từng hộ gia đình thu gom rác đưa về xử lý tại bãi rác thải của xã. Mỗi gia đình, có nghĩa vụ đóng góp một tháng từ 5000 đồng đến 7000 đồng cho tổ thu gom rác thải. Nhờ đó, xã Cảnh Dương nhiều năm nay được đánh giá là địa phương đi đầu trong phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường của huyện. Biện pháp bảo vệ môi trường có hiệu quả từ kinh nghiệm của các mô hình nêu trên rút ra là các địa phương, cơ quan, đơn vị và mỗi hộ gia đình cần nêu cao ý thức bảo vệ môi trường; có nhiều hình thức tuyên truyền sâu rộng trong toàn dân về tác hại của tình trạng ô nhiêm môi trường đối với chất lượng cuộc sống; tổ chức làm vệ sinh, phân loại rác thải, chất thải, đổ đúng nơi quy định; thường xuyên nạo vét khơi thông cống rãnh, giải quyết dứt điểm và làm sạch những khu tồn đọng các loại rác thải lâu ngày gây ô nhiễm môi trường...Theo đó, tỉnh Quảng Bình cần tổ chức nhân rộng các mô hình thu gom rác thải ra toàn tỉnh, đảm bảo một môi trường luôn trong sạch, góp phần thiết thực bảo vệ môi trường sống cho cộng đồng dân cư và chính bản thân mỗi người dân./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=425347&co_id=30087