Nông sản Việt Nam sẽ được quảng bá trên kênh Thương mại điện tử quốc tế

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Kỳ Minh – Đại diện Cục Thương mại Điện tử, Bộ Công thương. Sự kiện: Sản phẩm công nghệ Chia sẻĐó là khẳng định của ông Nguyễn Kỳ Minh – Đại diện Cục Thương mại Điện tử, Bộ Công thương.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam bên lề hành lang của Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017 (Vietnam eTrade Conference – VETC) diễn ra sáng nay (16/5) tại Hà Nội, ông Nguyễn Kỳ Minh – Đại diện Cục Thương mại Điện tử, Bộ Công thương cho rằng, nông sản và các sản phẩm công nghệ Việt Nam sẽ được quảng bá trên kênh Thương mại điện tử quốc tế.

Theo đó, ông Minh cho biết, hiện nay trên trang thương mại điện tử Amazon và một vài trang khác cũng đã xuất hiện một số sản "made in Việt Nam". Tuy nhiên, hầu hết đó là do các tài khoản tại nước ngoài họ rao bán chứ không phải doanh nghiệp Việt Nam. “Tuy nhiên, các sản phẩm của Việt Nam bán trên những trang đó mới dừng lại ở tính chất sưu tập chứ chưa mang tính thương mại”, ông Minh nhấn mạnh.

“Và chúng tôi (Cục Thương mại Điện tử, Bộ Công thương – PV) cũng đang có những kế hoạch định hướng để đưa các sản phẩm trong nước, các nông sản hay sản phẩm khoa học công nghệ đặc trưng của Việt Nam để quảng bá và xây dựng thương hiệu với quốc tế”, ông Minh cho biết.

Ông Nguyễn Kỳ Minh – Đại diện Cục Thương mại Điện tử, Bộ Công thương làm diễn giả tại hội thảo

Theo ông Minh, hiện nay việc xuất khẩu trực tuyến các doanh nghiệp của chúng ta thường có 2 kênh chính. Một là chúng ta vẫn đang làm giống như các hoạt động xuất khẩu truyền thống và tìm các đối tác từ nước ngoài thông qua kênh trực tuyến thương mại điện tử của các doanh nghiệp. Từ đó chúng ta tìm kiếm thị trường và đưa hàng của Việt Nam xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Cách thứ hai là cách bán hàng hóa, tiếp thị sản phẩm trực tiếp tới tay người tiêu dùng ở nước ngoài với mô hình thương mại xuyên biên giới. Đặc điểm của mô hình này gần giống như mô hình bán lẻ, mà đối tượng nhắm đến và cách thức sử dụng là các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ khác đôi chút và bắt đầu có một vài doanh nghiệp của Việt Nam đã quan tâm đến cách thứ hai này. Tuy nhiên, khả năng mà chúng ta khai thác còn rất hạn chế bởi yếu tố doanh nghiệp của chúng ta còn thiếu và yếu các kĩ năng để giúp doanh nghiệp có thể tự tin bán hàng trên các kênh bán hàng trực tuyến.

Và để hỗ trợ các doanh nghiệp, Cục Thương mại Điện tử, Bộ Công thương đã cung cấp cho các doanh nghiệp giải pháp và hỗ trợ các sản phẩm mới trên thị trường.

"Chúng  tôi mong thời gian sắp tới, các doanh nghiệp sẽ chuyên nghiệp hơn để đưa sản phẩm của Việt Nam vươn xa thị trường Thế giới", ông Minh nói.

Theo ông Minh thì một trong những lưu ý dành cho doanh nghiệp khi tham gia vào môi trường trực tuyến là tính xác thực thông tin và môi trường của đối tác khi họ tiến hành các giao dịch. Trong xuất khẩu truyền thống, khâu thẩm định đối tác có thể sẽ dễ dàng hơn so với kênh trực tuyến. Bởi khi giao dịch trực tuyến, chúng ta không biết được đối tác của mình là ai, thông tin như thế nào. Do vậy mà các doanh nghiệp cần xác định được đối tác của mình để đảm bảo giao dịch được thuận lợi và an toàn.

Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017 (Vietnam eTrade Conference – VETC) do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Liên minh Hỗ trợ Xuất khẩu Việt Nam (Vietnam Export Support Alliance – VESA) tổ chức.

Hội thảo Xuất nhập khẩu trực tuyến 2017 (Vietnam eTrade Conference – VETC) do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Liên minh Hỗ trợ Xuất khẩu Việt Nam (Vietnam Export Support Alliance – VESA) tổ chức. Sự kiện giúp doanh nghiệp và các tổ chức liên quan triển khai tốt hơn thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu.

Đây là hội thảo đầu tiên về chủ đề này được tổ chức tại Việt Nam. Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu từ các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới xuất nhập khẩu. Các doanh nghiệp đánh giá đây là cơ hội tốt để trao đổi về xu hướng xuất nhập khẩu hàng hóa trực tuyến, lợi ích của các sàn giao dịch thương mại điện tử, xu hướng bán lẻ trực tuyến tới khách hàng nước ngoài. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp nêu các nhận xét và đề xuất với các cơ quan nhà nước cung cấp các dịch vụ công trực tuyến gắn với xuất nhập khẩu.

Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam 2017, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu. Song song với việc tiếp cận ngày càng tăng các dịch vụ công trực tuyến như hải quan điện tử, chứng nhận xuất xứ điện tử và nhiều dịch vụ công liên quan tới xuất nhập khẩu khác, các doanh nghiệp đã tích cực sử dụng mạng Internet để trao đổi thông tin kinh doanh với các đối tác nước ngoài, tìm kiếm bạn hàng, giao kết và triển khai hợp đồng. Số lượng người tiêu dùng trong nước trực tiếp mua sản phẩm từ các nhà bán lẻ nước ngoài cũng tăng lên nhanh chóng.

Tuy nhiên, kinh doanh xuất nhập khẩu là hoạt động thương mại phức tạp, có liên quan tới nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Tiềm năng ứng dụng thương mại điện tử để thúc đẩy lĩnh vực này là rất lớn. Thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả ở tất cả các giai đoạn, từ tiếp thị, xúc tiến thương mại, tới giao kết và thực hiện hợp đồng, thanh toán, thủ tục hải quan và các thủ tục với các cơ quan quản lý nhà nước khác…

Phương Nam

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nong-san-va-cac-san-pham-cong-nghe-se-duoc-quang-ba-tren-kenh-thuong-mai-dien-tu-quoc-te-d121492.html