Nông sản sạch – hữu cơ: Giải pháp để phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững

Nông sản sạch – hữu cơ được cho là chìa khóa bảo đảm an ninh lương thực bền vững, đồng thời làm giảm ô nhiễm môi trường… Tuy nhiên, nông nghiệp an toàn – hữu cơ ở nước ta chưa thực sự phát triển, các chính sách cụ thể để hỗ trợ cho phát triển chưa đủ mạnh; bên cạnh đó, sự hiểu biết của người sản xuất, người tiêu dùng và của cộng đồng về nông sản an toàn hữu cơ vẫn còn hạn chế.

Việt Nam xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới nhưng vẫn mãi loay hoay với bài toán thương hiệu và giá cả.

Sản xuất ồ ạt nhưng giá trị thấp

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia cung cấp gạo hàng đầu thế giới nhưng những thương hiệu gạo sạch, gạo chất lượng cao vẫn còn quá ít, chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước và thế giới biết đến. Giá lúa thấp và gạo xuất khẩu thường bị thương lái quốc tế ép giá, mua thấp hơn gạo của các nước khác.

Tại hội thảo “Phát triển thị trường cho gạo Việt và Nông sản hữu cơ”, GS. Võ Tòng Xuân, Trường Đại học Nam Cần Thơ bức xúc: Sản xuất tự phát, mạnh ai người nấy lo, mù tịt về thị trường đã đẩy đưa nông dân nuôi trồng theo phong trào nên bị thương lái ép giá. Các doanh nghiệp thì nhập nguyên liệu qua thương lái không truy nguyên được xuất xứ, còn Nhà nước thì hô hào nhưng chẳng tổ chức trọn chuỗi giá trị.

Hiện, các mặt hàng gạo bán lẻ cho người tiêu dùng Việt Nam thì nhiều nhãn hiệu không biết nguồn gốc, hoặc gạo Việt nhưng phải đóng trong bao bì có nhãn hiệu Thái Lan, Campuchia, Nhật…. Còn gạo xuất khẩu chủ yếu thông qua chính phủ và mang nhãn hiệu của khách hàng. Có một vài doanh nghiệp tư nhân với khối lượng nhỏ, chỉ xuất khẩu ủy thác nhưng vẫn chưa tạo dựng được thương hiệu và uy tín.

Bà Lê Thị Tú Anh (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Nông nghiệp GAP) cho rằng, gạo Việt đang mất điểm trên thị trường thế giới, ở trong nước, gạo Việt cũng không có chỗ đứng, người có tiền đi mua gạo Thái Lan, Campuchia về ăn. Mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu 10-20% tổng lượng gạo cả nước sản xuất ra, còn lại là tiêu dùng trong nước. Làm thế nào để người tiêu dùng Việt đừng quay lưng với gạo Việt đó là trăn trở của doanh nghiệp, của người nông dân đang trồng lúa. Cũng theo bà Tú Anh, ngon và sạch là 2 yếu tố quan trọng để chúng ta xây dựng thương hiệu cả ở nội địa và quốc tế.

Những mô hình sản xuất nông sản an toàn – hữu cơ cần được nhân rộng vì một nền nông nghiệp an toàn và bền vững.

Cần xây dựng nông nghiệp an toàn – hữu cơ

Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới, gần đây nhất là gia nhập Cộng đồng Kinh tế AEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nên việc đảm bảo an toàn thực phẩm càng trở nên quan trọng. Việt Nam cần hướng sản xuất nông nghiệp phù hợp với xu hướng thế giới.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng chia sẻ, nông nghiệp an toàn – hữu cơ ở nước ta chưa thực sự phát triển, các chính sách cụ thể để hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp an toàn – hữu cơ hầu như chưa đủ mạnh, sự hiểu biết của người sản xuất, người tiêu dùng và của cộng đồng về nông sản an toàn hữu cơ còn hạn chế, người dân không dễ dàng nhận biết được sự khác biệt giữa sản phẩm an toàn – hữu cơ và các sản phẩm khác,.

Để tháo gỡ khó khăn cho gạo và nông sản Việt, theo GS Võ Tòng Xuân, trước hết, trong quần thể các giống đang phổ biến cần chọn ra 2-3 giống/mỗi nhóm được ưa chuộng nhất mang thương hiệu Việt Nam. Về lâu dài, sẽ áp dụng công nghệ lai tạo nhằm cải tiến các giống đã chọn để có thêm đặc tính giống theo nhu cầu thị trường. Sau đó tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị mỗi loại gạo trong số các giống đã chọn. Cụ thể như: nhận diện doanh nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất, đóng gói, bao bì, nhãn hiệu và xúc tiến thương mại và phân phối đến khách hàng.

Gạo Việt Nam cần được nhà nước quan tâm tổ chức sản xuất theo đúng chuẩn thương mại quốc tế mới bảo đảm lương thực an toàn cho nhân dân và sản phẩm xuất khẩu được thế giới tin dùng. Không nên để cho các thành viên tham gia thị trường hoạt động một cách tự phát, không tổ chức, không kiểm tra như hiện nay.

“Giải pháp thuận lợi nhất là tổ chức gắn nhà nông với nhà nông trong hợp tác xã kiểu mới hoặc cụm liên kết nông nghiệp kỹ thuật cao; gắn hợp tác xã với doanh nghiệp trong một cơ chế theo chuỗi giá trị. Chấm dứt kiểu làm chụp giựt, pha trộn, sản phẩm không rõ nguồn gốc như hiện nay.” – ông Võ Tòng Xuân nói.

Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, sản xuất nông sản an toàn – hữu cơ không còn là vấn đề kỹ thuật mà là vấn đề chính sách. Các bộ ngành liên quan cần sớm ban hành các chính sách cụ thể, khả thi để hỗ trợ nông sản an toàn – hữu cơ phát triển. Nên tập trung vào quy hoạch và bảo vệ đất đai và nguồn nước hiện chưa hoặc ít bị ô nhiễm và còn thích hợp cho sản xuất nông nghiệp an toàn – hữu cơ theo hướng sản xuất hàng hóa.

Đồng thời, có chính sách hỗ trợ sản xuất, ưu đãi trong giao và cho thuê đất và miễn giảm thuế thu nhập cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn. Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát đến nông sản an toàn. Giúp đỡ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm.

Thanh Tân

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/nong-san-sach-huu-co-giai-phap-de-phat-trien-nong-nghiep-sinh-thai-ben-vung/