Nông nghiệp sạch: Thúc đẩy sản xuất quy mô lớn (Bài 2)

Việc tích tụ và tập trung ruộng đất để sản xuất theo kiểu trang trại, dồn điền hoặc nông nghiệp công nghệ cao hiện diễn ra chậm và bị cản trở bởi thể chế sở hữu đất đai.

Chăn nuôi lợn theo tiêu chuẩn VietGap ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là hướng đến xây dựng và phát triển các vùng chuyên canh quy mô lớn theo hình thức trang trại, gia trại, khu nông nghiệp công nghệ cao, đạt các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cho rằng vướng mắc trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp hiện nay là chưa tìm được những “đầu tàu” dẫn dắt chuỗi giá trị. “Đầu tàu” ấy chính là các doanh nghiệp tư nhân năng động, có tinh thần đổi mới sáng tạo.

Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Hoàng Thanh Vân nhận định, trong chăn nuôi, chỉ cần 10 doanh nghiệp lớn có thể đủ để điều khiển ngành chăn nuôi cả nước. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bởi đây là khâu quan trọng nhất trong tái cơ cấu.

Bên cạnh đó là đa dạng hóa các loại khoa học công nghệ, có cơ chế để các viện nghiên cứu của các doanh nghiệp phát triển, phối hợp với các viện nghiên cứu nhà nước. Bởi, khi doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, họ muốn đầu tư vào các tập đoàn, doanh nghiệp lớn. Việc đa dạng hóa sẽ lôi kéo những công nghệ mới nhất từ quốc tế về Việt Nam.

Tiến trình mở rộng sản xuất nông sản sạch đòi hỏi sự đầu tư với quy mô lớn. Ảnh: Phạm Kha–TTXVN

Tiến trình mở rộng sản xuất nông sản sạch đòi hỏi suất đầu tư lớn, quy mô lớn. Thực tế, việc tích tụ và tập trung ruộng đất để sản xuất theo kiểu trang trại, dồn điền hoặc nông nghiệp công nghệ cao diễn ra chậm, bị cản trở bởi thể chế sở hữu đất đai.

Những chủ trương “dồn điền đổi thửa”, “cánh đồng lớn” có thể tạo điều kiện ban đầu cho việc hình thành các vùng sản xuất đủ lớn. Như “Cánh đồng lớn” được xem là một điển hình liên kết sản xuất và tiêu thụ đưa từ sản xuất quy mô gia đình sang quy mô lớn mà không cần thay đổi quyền sở hữu ruộng đất của các hộ nông dân. Tuy nhiên, mô hình này vẫn vướng những trở ngại về tiêu thụ sản phẩm, mối quan hệ hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân.

Theo ông Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam (Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), đầu ra tiêu thụ là trở ngại lớn hiện nay làm tiêu tan sự hào hứng của người sản xuất đối với nông sản sạch. Nông sản sạch có giá thành cao hơn, nhưng chưa có hệ thống kinh doanh riêng phù hợp nên không được nông dân nhân rộng.

Hiện mới chỉ một số ít doanh nghiệp lớn mới có thể xây dựng và kiểm soát được tiêu chuẩn thực phẩm an toàn trong toàn bộ chuỗi trồng - sản xuất - chế biến - buôn bán, cung ứng thực phẩm. Do vậy, đòi hỏi phải tổ chức hợp lý chuỗi sản xuất - kinh doanh - cung ứng nông phẩm sạch cũng như tạo điều kiện về thể chế cho việc thực hiện sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn thừa nhận, đất đai thực sự là vướng mắc nổi cộm khiến các doanh nghiệp ít mặn mà với nông nghiệp hơn. Chúng ta không thể có đất “sạch” hàng trăm héc ta, trong khi các doanh nghiệp lại mong muốn có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn héc ta.

Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nỗ lực tháo gỡ vướng mắc về chính sách đất đai, làm sao tích tụ được đất. Định hướng là thúc đẩy liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp khi người dân góp đất cùng doanh nghiệp hoặc xây dựng, phát triển các cánh đồng lớn.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp, hướng tới đầu tư theo hướng trang trại với quy mô lớn và công nghệ cao. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Phát triển doanh nghiệp phải đi cùng với phát triển cộng đồng, do vậy cần tăng cường tính ràng buộc trách nhiệm, quyền lợi của hợp đồng liên kết; đảm bảo sự công bằng về quyền lợi và trách nhiệm giữa các bên liên kết.

Ông Vũ Tuấn Anh cho rằng, ngành nông nghiệp cần thực sự coi trọng chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh. Tùy theo từng điều kiện có thể áp dụng “Nông nghiệp an toàn”, “Nông nghiệp sinh thái” hay “Nông nghiệp hữu cơ”.

Cùng với đó, tăng đầu tư cho nông nghiệp, bởi đây là điều kiện cần để có thể chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ, liên tục và lâu dài về khoa học công nghệ, vốn đầu tư Nhà nước và doanh nghiệp cho nông dân cũng quyết định sự chuyển đổi thành công nền nông nghiệp sang phương thức sản xuất mới và trình độ sản xuất cao hơn.

Tại Diễn đàn “Phát triển doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới”, được tổ chức mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã nhấn mạnh, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, để nâng cao chất lượng hàng hóa nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Bình cần có những rà soát, đánh giá tổng thể, nhận diện các vấn đề cốt lõi, các nguyên nhân sâu xa đang gây nên những hạn chế trên. Từ đó, có những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm phát triển doanh nghiệp nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nong-nghie-p-sa-ch-thuc-day-san-xuat-quy-mo-lon-ba-i-2-/25175.html