Nông nghiệp hữu cơ ở VN: Không thể để nông dân tự bơi

(Dân Việt) - Khẳng định những lợi ích mà phương pháp nông nghiệp hữu cơ mang lại, tuy nhiên để duy trì và phát triển nhân rộng hệ thông sản xuất nông nghiệp hữu cơ sau khi dự án kết thúc, nhiều nhóm ND không khỏi băn khoăn.

Sau 5 năm (2005 -2010) được Hội NDVN và Tổ chức Phát triển nông nghiệp châu Á của Đan Mạch (ADDA) phối hợp triển khai, Dự án “Phát triển khuôn khổ cho sản xuất và marketting nông nghiệp hữu cơ tại VN” đã khẳng định những lợi ích mà nông nghiệp hữu cơ mang lại. Điều còn băn khoăn là việc duy trì, nhân rộng mô hình sau khi dự án kết thúc. Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng (giữa) thăm mô hình trồng mướp ngọt hữu cơ của nhóm ND xã Cư Yên, huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Dự án triển khai năm 2005 tại 6 tỉnh, thành là Lào Cai, Tuyên Quang, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hải Phòng; đến năm 2008 mở rộng thêm ra 3 tỉnh, thành là Hà Nội, Hòa Bình và Hà Tĩnh. Thu nhập tăng Tham gia dự án, anh Nguyễn Tiến Tuấn - Trưởng nhóm ND xã Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) phấn khởi: “Nhóm chúng tôi có 20 thành viên, canh tác 1ha rau, củ, quả thực phẩm các loại theo phương pháp hữu cơ. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, giá bán cao hơn 30% so với các sản phẩm canh tác thông thường, thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người/tháng”. Dự án đã hình thành 88 nhóm ND cùng sở thích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, định hình huấn luyện cho 3.345 ND về kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ trên cây rau, gạo, cam, vải, chè và thủy sản hữu cơ. Trong khi đó, nhóm ND sản xuất rau hữu cơ ở phường Định Trung (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) canh tác diện tích 1,5ha, hàng tháng cung cấp cho thị trường địa phương và Hà Nội 4-5 tấn rau các loại, thu nhập mỗi thành viên đạt 2,5-3 triệu đồng/tháng. Ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội ND TP.Hà Nội cho biết: “Tuy tham gia 2 năm cuối của dự án, nhưng đến nay, nhóm ND trồng rau hữu cơ xã Xuân Giang, Thanh Xuân (Sóc Sơn), xã Đông Xuân (Quốc Oai) đã kết nối được với các đơn vị phân phối sản phẩm hữu cơ như Công ty SCS, ACIMCO, JBC, ECORMAR...”. Cần kết nối cung - cầu Khẳng định những lợi ích mà phương pháp nông nghiệp hữu cơ mang lại, tuy nhiên để duy trì và phát triển nhân rộng hệ thông sản xuất nông nghiệp hữu cơ sau khi dự án kết thúc, nhiều nhóm ND không khỏi băn khoăn. Anh Lê Văn Tuyên-Trưởng nhóm ND nuôi cá hữu cơ ở xã Tân Dân (An Lão, Hải Phòng) lo ngại: “Cá hữu cơ nuôi 5-6 tháng, thậm chí cả năm mới được thu hoạch, trong khi đó cá nuôi công nghiệp chỉ 2-3 tháng là xuất ao. Ra thị trường, chẳng mấy ai quan tâm cá nuôi kiểu gì, giá bán bằng nhau tất. Có lẽ, hết dự án thì nhóm 20 hộ nuôi cá hữu cơ của chúng tôi lại quay về nuôi theo kiểu cũ”. Tuy khẳng định sẽ tiếp tục duy trì hàng ngàn gốc cam hữu cơ, nhưng ông Nông Thanh Tay - Trưởng nhóm ND trồng cam ở bản Mường, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang không khỏi băn khoăn: “Cam hữu cơ chưa bán được với giá phù hợp công chăm sóc, chủ yếu là bán bằng giá cam trồng ngoài chợ. Không gắn kết được với kênh tiêu thụ ổn định và có giá hợp lý thì sẽ có hộ bỏ cam hữu cơ, quay về với cách trồng cũ”. Hiện nay, các loại nông sản hữu cơ trong khuôn khổ dự án tiêu thụ thuận lợi, nhất là nhóm rau xanh, củ, quả thực phẩm... Còn một số nông sản hữu cơ khác tiêu thụ khá khó khăn. Ông Thân Vĩnh Hữu-Giám đốc Công ty Chuỗi cung cấp rau, quả sạch giao tại nhà (ECORMAR) lý giải: “Nông sản hữu cơ rất có triển vọng cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu, miễn người sản xuất chứng minh được chất lượng sản phẩm. Muốn vậy, phải làm tốt 3 việc, đó là nhanh chóng cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm; quy hoạch vùng sản xuất tập trung và đẩy mạnh truyền thông về nông sản hữu cơ...”. Theo bà Trần Thị Tuyết Anh- Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ với hàng loạt lợi ích liên quan đến sức khỏe người sản xuất, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, cải tạo đất đai... vì vậy phải được nhà nước, các cấp, các ngành vào cuộc, chứ để một mình ND bươn chải thì khó thành công. Về những băn khoăn này, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng khẳng định: “Hội sẽ có những đề xuất lên Chính phủ và tranh thủ các nguồn lực để đầu tư hỗ trợ duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ. Việc ra đời Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ VN cũng đang được Hội NDVN chủ trì xúc tiến nhằm tạo môi trường thuận lợi cho loại hình sản xuất này”. Nguyễn Công

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/15651p1c34/nong-nghiep-huu-co-o-vn-khong-the-de-nong-dan-tu-boi.htm