Nông nghiệp đối mặt mùa khô hạn nghiêm trọng

(TBKTSG Online) - Theo ông Nguyễn Minh Giám, Phó giám đốc Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ, vào mùa khô 2010-2011, mực nước trên các sông tại các tỉnh Nam bộ sẽ thấp nhất trong nhiều năm qua và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của các tỉnh nói trên.

Ngọc Hùng Nhiều khả năng các tỉnh Trung bộ, Nam bộ sẽ tiếp tục hứng chịu những đợt hạn kéo dài trong mùa khô 2010-2011. Ảnh: TL. >> ĐBSCL: Nắng hạn gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng Ông Giám cho biết, vấn đề mà ĐBSCL phải đối diện trong mùa khô năm 2010-2011 là sẽ không có những cơn lũ lớn. Do đó, từ cuối tháng 12-2010, mặn sẽ bắt đầu xâm nhập các tỉnh ĐBSCL; các tỉnh như Bạc Liêu, Cà Mau có những nơi mặn sẽ vào sâu hơn 50 km. Do không có lũ để “rửa trôi” nên sâu bệnh, chuột sẽ có điều kiện phát triển mạnh ngay vào thời kỳ lúa tạo hạt. Còn tỉnh Bến Tre sẽ bị nước mặn bao vây. Tại các huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Chợ Lách, mặn xâm nhập theo các cửa sông vào sâu trên 50 km. Ở hai huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông (Tiền Giang), mặn sẽ xâm nhập sâu gây khó khăn cho sản xuất, nuôi trồng lúa ở đây. Theo Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, thời tiết năm nay có những diễn biến bất thường, những cơn bão được hình thành ở vĩ độ cao, bão chỉ đổ bộ vào Trung Quốc, còn Việt Nam ít có bão hơn so với mọi năm. “Tính đến thời điểm này hàng năm, Việt Nam phải có 8-9 cơn bão nhưng hiện mới chỉ có 5 cơn bão xuất hiện trên biển Đông nhưng lại ở những vĩ độ cao. Vì vậy, nhiều khả năng các hồ thủy điện tại các tỉnh Trung bộ, Nam bộ sẽ không tích lũy đủ nước để điều tiết nước khi cần thiết, do đó, nguy cơ hạn hán vào mùa khô 2009-2010 sẽ rất cao”, ông Giám cho hay. Ông Phan Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bạc Liêu cho biết, trong mùa khô 2009-2010 các huyện Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai nơi chủ yếu là nuôi tôm, bị ảnh hưởng nặng nhất vì mùa hạn hán kéo dài khiến nồng độ muối thay đổi ảnh hưởng đến sinh lý của con tôm. Để có thể giải quyết hài hòa giữa cây lúa và con tôm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu, buộc phải cho mở một số cống ngăn mặn, giữ ngọt dọc theo tuyến quốc lộ 1A để tiêu thoát nước mặn ra sông Bạc Liêu - Cà Mau và lấy nước ngọt từ kênh Quản lộ - Phụng Hiệp về để cứu lúa và chấp nhận để khoảng 20.000 héc ta nuôi tôm bị thiếu nước mặn của những hộ nuôi tôm ở đây. Tuy nhiên, trong mùa khô 2010-2011, ông Giang cho biết, vẫn chưa biết làm cách nào, và tùy tình hình nắng hạn mà có cách giải quyết, khắc phục cụ thể. Trong trường hợp mùa khô 2010-2011 diễn ra đúng như những dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ thì tỉnh An Giang, một trong những tỉnh có diện tích nuôi cá tra, cá ba sa lớn nhất cả nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất. Ông Đỗ Xuân Mai, thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Thủy sản An Giang (AFA), cho biết, bình thường chi phí xăng dầu, công lao động để chạy máy bơm nước ra vào ao nuôi cá tra, cá tra, cá ba sa vào khoảng 300 đồng/kg/vụ nuôi, nhưng do mùa kiệt nên chi phí này sẽ tăng lên từ 500-600 đồng/kg/vụ nuôi. “Hiện giá bán cá tra, cá ba sa ở mức 16.000-17.000 đồng/kg, người nuôi cá chỉ hòa vốn hoặc lỗ, do đó, nếu cộng thêm chi phí bơm nước vào mùa kiệt thì người nuôi cá chấp nhận treo ao chứ càng nuôi họ càng lỗ”, ông Mai cho hay. Ông Giám cho biết thêm, ngoài việc các tỉnh ĐBSCL phải tìm cách chống hạn cho cây lúa, cho nuôi trồng thủy sản, một hệ quả tất yếu đi kèm với nắng hạn là nguy cơ cháy rừng ở mức cao, đặc biệt, khu vực rừng U Minh, tỉnh Cà Mau. Theo ông Giám, mùa mưa năm nay chỉ có thể kéo dài đến cuối tháng 10 nên trong thời gian này, các tỉnh cần tìm cách tích lũy nước tại các hồ chứa càng nhiều càng tốt để chủ động nguồn nước tiêu cho cây trồng. Đối với cây cà phê, Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, những tỉnh có diện tích trồng cà phê chủ yếu, nhanh chóng có biện pháp đối phó với mùa khô 2010-2011; người dân đào những hồ nước nhỏ để tích lũy nước và khoan thêm những giếng nước để chủ động nguồn nước tưới cho cây cà phê vì ngoài cách đó thì không còn cách nào khác. Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong mùa khô 2009-2010, các tỉnh Trung bộ, Nam bộ bị thiệt hại khoảng 6.000 tỉ đồng.

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/thoisu/doisong/40998/