Nóng HOÀNG SA 7/7: Từ biển Đông, TQ trông sang Ấn Độ dương

TG- Sau sự kiểm soát đối với Biển Đông, Bắc Kinh có thể điều lực lượng chạy xuyên qua eo biển Malacca tiến vào Ấn Độ Dương.

Ấn Độ lo ngại Trung Quốc

Tờ “Tin tức Tham khảo”, một phiên bản của Tân Hoa xã, Trung Quốc ngày 6/7 dẫn bài viết “Ảnh hưởng của chính sách biển Trung Quốc đối với Ấn Độ” trên trang mạng chương trình nghiên cứu của tạp chí “Foreign Policy In Focus” Mỹ.

Bài viết cho rằng, mấy tháng gần đây, có 2 vùng biển được các phương tiện truyền thông quan tâm. Rất nhiều tin tức thời sự tập trung đưa tin về yêu sách chủ quyền (bất hợp pháp) của Trung Quốc đối với Biển Đông và biển Hoa Đông.

Trung Quốc tuyên bố yêu sách có chủ quyền đối với hầu như toàn bộ Biển Đông (phi lý, phi pháp), đã tiến hành kiểm soát (xâm lược) đối với rất nhiều đảo, trong đó có (một phần) quần đảo Trường Sa và (toàn bộ) quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).

Điều quan trọng hơn là, Trung Quốc đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý ở những hòn đảo này theo “Công ước Liên hợp quốc về Luật biển” (Thực ra, Trung Quốc đã thông qua Phó Tổng tham mưu trưởng PLA Vương Quán Trung ngang nhiên tuyên bố công ước này và nó không thể áp dụng ở Biển Đông).

Luận điệu của bài báo cho rằng, căn cứ vào công ước này, nước ký kết có quyền khai thác tài nguyên đáy biển (như dầu mỏ và khí đốt chứa ở đáy Biển Đông) và tất cả sinh vật biển. Biển Đông, biển Hoa Đông nổi tiếng với nguồn lợi hải sản phong phú. Mỹ đã ký tên vào điều ước quan trọng này, nhưng Thượng viện Mỹ vẫn chưa phê chuẩn.

Theo bài viết, chỉ cần Trung Quốc có thể kiểm soát (bất hợp pháp đối với) tất cả hoạt động vận chuyển hàng hóa và khai thác (trái phép) tài nguyên ở Biển Đông, thì vị thế chi phối của họ ở Thái Bình Dương sẽ tăng cường.

Ở ngoài Thái Bình Dương, sự kiểm soát đối với Biển Đông sẽ còn làm cho Bắc Kinh có thể điều lực lượng vươn tới Ấn Độ Dương. Họ có thể chạy xuyên qua eo biển Malacca tiến vào Ấn Độ Dương. Vì vậy, vùng biển này được cho là “cổ họng của Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương”. Điều này sẽ đưa lực lượng của Trung Quốc tới sân sau của Ấn Độ, do đó làm cho New Delhi đặc biệt lo ngại, theo Giáo Dục Việt Nam.

Trưa nay 7/7, ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết Hội Nghề cá vừa chính thức có công văn về việc phản đối Trung Quốc bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam.

Công văn gửi Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Văn phòng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ: Theo báo cáo của ngư dân và Hội Nghề cá tỉnh Quảng Ngãi, vào sáng 3/7, tàu cá của gia đình ông Võ Đạt ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) mang số hiệu QNg 94912 TS do con ruột ông Đạt là Võ Tấn Tèo làm thuyền trưởng cùng 5 ngư dân đang đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống Vịnh Bắc Bộ, đã bị phía Trung Quốc bắt giữ cả tàu và người đưa về Trung Quốc.

"Đây là lần đầu tiên Trung Quốc bắt tàu cá và ngư dân Việt Nam kể từ khi hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam"-công văn nêu rõ.

Ngoài ra, theo Hội Nghề cá, trong thời gian vừa qua Trung Quốc còn liên tục cản trở, đâm húc hỏng, chìm tàu cá Việt Nam, cụ thể như ngày 5/5, tàu Trung Quốc số hiệu 37101 đâm húc vào tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg-90567 TS làm hư hỏng phần góc đuôi tàu; ngày 26/5 tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng số hiệu ĐNa-90152 khi đang hành nghề trên ngư trường truyền thống Hoàng Sa của Việt Nam, đã khiến 2 trong số 10 ngư dân trên tàu bị thương, rất may các ngư dân đã được cứu nạn kịp thời, theo Người lao động.

Trung Quốc bất lịch sự có hệ thống

Bài viết China’s “new” language of diplomacy của tác giả Tuan V. Nguyen (Nguyễn Văn Tuấn), đăng trên Asia Sentinel phân tích ngọn ngành, gốc rễ của phong cách phát ngôn khiếm nhã, bất lịch sự, thậm chí thô lỗ có tính hệ thống của các quan chức chính trị, ngoại giao Trung Quốc (TQ) trong thời gian gần đây. Một Thế Giới trích dịch:

Một tính cách đặc trưng đáng chú ý của giới quan chức TQ trong các hội nghị quốc tế là họ hay dùng ngôn ngữ khiếm nhã, thậm chí lỗ mãng một cách bất bình thường. Đây là thứ ngôn ngữ hoàn toàn không giúp được cho TQ trong nỗ lực được công nhận là một thành viên văn minh của cộng đồng ngoại giao quốc tế.

Những cử chỉ lễ phép, những ngôn từ tôn trọng người khác dường như biến mất trong các bài diễn văn của các quan chức TQ trên diễn đàn quốc tế. Mới đây thôi, sau chuyến viếng thăm Việt Nam, ông Dương Khiết Trì - ủy viên quốc vụ viện với thâm niên lâu năm làm chính sách đối ngoại, đã về nước và tuyên bố với báo chí rằng mục tiêu của ông ta đến Việt Nam "đơn giản chỉ là trách mắng (lên lớp) đồng nhiệm người Việt Nam".

Một bộ phận báo chí Trung Quốc thậm chí còn gọi Việt Nam là “đứa con hoang”. Những bình luận được đưa ra, nhìn nhận có sự căng thẳng giữa Việt Nam và TQ xoay quanh vấn đề Hoàng Sa. Ngôn từ được các quan chức TQ đưa ra rất kẻ cả, bề trên và hỗn xược.

Theo Tiếng nói nước Nga, các nước khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là Trung Quốc, đang phân tích những hậu quả có thể có sau khi nội các của Thủ tướng Nhật Bản thông qua quyết định về “quyền tự vệ tập thể”.

Tàu chiến của Mỹ và Nhật.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, nguyên nhân chính của quyết định dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể là việc gia tăng cuộc xung đột Trung-Nhật.

Theo ý kiến của các nhà phân tích Trung Quốc, quyết định này của nội các Nhật Bản đã được thông qua dưới ảnh hưởng mạnh của "yếu tố bên thứ ba". Tức là, trong chính sách quốc phòng của Tokyo, định hướng chính là các lợi ích quân sự và chính trị của nước đồng minh lớn nhất của họ - Hoa Kỳ, theo Bizlive.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tamguong.vn/phang/675740/nong-hoang-sa-77-tu-bien-dong-tq-trong-sang-an-do-duong-tpot.html