Nông dân xã điểm nông thôn mới: 80% có việc làm sau học nghề

(Dân Việt) - Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định 800 về Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), Bộ LĐ-TB&XH đã triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tại 11 xã điểm của chương trình.

Có nhu cầu là được theo học Theo Tổng cục Dạy nghề, mục tiêu chung của chương trình dạy nghề tại 11 xã điểm xây dựng NTM là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế. Nghề thủ công như làm gốm cũng sẽ được đưa vào kế hoạch dạy nghề ở 11 xã điểm NTM. Trong đó, mục tiêu cụ thể là ngay trong năm 2010 này mỗi xã sẽ tổ chức ít nhất 2 lớp dạy nghề lao động nông thôn theo các mô hình thí điểm trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Phấn đấu tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề theo các mô hình tối thiểu đạt 80%. Ở mục tiêu xa hơn, đến năm 2015, Tổng cục Dạy nghề cho biết, 100% lao động nông thôn ở các xã có nhu cầu học nghề đều được tham gia học theo chính sách của Quyết định 1956 với tỷ lệ có việc sau học nghề đạt từ 70- 80%. Ông Hà Minh Phương - quyền Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên (Tổng cục Dạy nghề) cũng cho biết, kế hoạch dạy nghề tại 11 xã điểm sẽ tập trung vào cả nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với các trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng. Một kế hoạch quan trọng khác đó là, giúp người lao động sau học nghề tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giải quyết việc làm. Ngay trong năm nay, Tổng cục Dạy nghề sẽ trực tiếp phối hợp với các Sở LĐ-TB&XH, cũng như các huyện có xã điểm tổ chức các hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn, thực hiện đặt hàng dạy nghề và triển khai các mô hình thí điểm. Trong đó, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư quốc gia chịu trách nhiệm tổ chức dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Nghề gì cũng dạy Tổng cục Dạy nghề cho biết trong thời gian tới sẽ tổ chức mở các lớp dạy nghề tại 100% số xã điểm theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm sau học nghề. Trong năm 2010, tối thiểu mỗi xã tổ chức 2 lớp học nghề cho 2 nghề có nhu cầu lớn nhất, phổ biến nhất theo yêu cầu của xã. Tân Thịnh (Bắc Giang) là một xã điểm về xây dựng NTM. Cả xã có 12 thôn với gần 9.000 nhân khẩu, tỉ lệ lao động chưa có nghề nghiệp ổn định vẫn chiếm số đông. Ông Đặng Quang Tạo- Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Vấn đề khó nhất hiện nay đối với chúng tôi là chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Theo tiêu chí quốc gia về NTM, số lao động làm nông nghiệp chỉ còn 30%, như vậy chúng tôi “dư” ra đến 1.200 lao động, hiện chỉ mới chuyển được 200 lao động, còn không biết rồi sẽ cho dân làm gì ngoài nông nghiệp nữa”. Xã Tân Thịnh đã có kế hoạch triển khai 7 lớp với 210 học viên, dạy các nghề trồng cây thuốc lá, trồng hoa ly, sửa chữa cơ khí, may công nghiệp, chế biến mỳ Chũ, đá mỹ nghệ. Tại các xã điểm khác, nhiều kế hoạch dạy nghề cũng đã được triển khai. Ở xã Hải Đường (Hải Lộc, Nam Định) sẽ mở 7 lớp với hơn 240 học viên, bao gồm: Thêu, mộc dân dụng, chăn nuôi lợn, nuôi trồng thủy sản, cây cảnh. Xã Thụy Hương (Chương Mỹ, Hà Nội) ngay trong tháng 9 này khai giảng 5 lớp với 150 học viên phục vụ cho các đề án đang triển khai như rau sạch, lúa cao sản, cây ăn quả, trồng hoa và chăn nuôi lợn. Ở xã Tân Thông Hội (Củ Chi, TP.CM), Tổng cục Dạy nghề đã giao cho Viện Nghiên cứu Khoa học dạy nghề phối hợp với một số cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố tổ chức 4 lớp dạy nghề trồng rau an toàn, chăn nuôi bò sữa và trồng hoa lan cho 120 người. Ngọc Lê

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/15620p1c34/nong-dan-xa-diem-nong-thon-moi-80-co-viec-lam-sau-hoc-nghe.htm