Nông dân nhỏ trên cánh đồng lớn

Những người nông dân có diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ và đối mặt với rất nhiều rủi ro nếu tự mình tổ chức sản xuất. Từ đó, họ cho doanh nghiệp thuê đất để hình thành một cánh đồng lớn để doanh nghiệp tự đầu tư, vận hành. Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang có cuộc trao đổi với TBKTSG Online xung quanh vấn đề này.

Tích tụ ruộng đất để làm quy mô trang trại, quy mô cánh đồng lớn. Ảnh: L.H.V

TBKTSG Online: Thưa ông, tích tụ đất đai là con đường tất yếu để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc liên kết sản xuất hiện nay ở An Giang?

- Ông Trần Anh Thư: Sản xuất nông nghiệp phải phân ra làm 2 nhóm lớn. Nhóm tự sản, tự tiêu, tự cung, tự cấp, phổ biến ở các tỉnh miền Trung cũng như truyền thống trước đây. Nhóm thứ hai, hiện các nước có nền nông nghiệp tiên tiến trên thế giới đang làm, đó là sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Để sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa phải thỏa mãn 3 yếu tố: quy mô lớn, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn, và chi phí sản xuất thấp nhất để có thể cạnh tranh với các nước khác.

Vì vậy, ngành nông nghiệp An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung phải chọn lọc một số ngành hàng để đi theo hướng có thế mạnh, có lợi thế so sánh, cũng như có thị trường tốt, từ đó đi vào sản xuất hàng hóa nhằm đáp ứng được các tiêu chí nêu trên. Trong đó, tích tụ ruộng đất là một trong những điều kiện kiên quyết phải làm.

Ông Trần Anh Thư.

Nhiều người cứ nghĩ tích tụ ruộng đất là trở lại với thời kỳ địa chủ và người làm thuê. Trên thực tế, tích tụ ruộng đất hiện nay đã khác xưa. Nhiều nước trên thế giới cũng tích tụ ruộng đất, thể hiện ở nhiều dạng như: những người nông dân nhỏ liên kết lại với nhau để hình thành một cánh đồng lớn, trong đó có doanh nghiệp đứng ra làm một đầu mối. Doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, đảm bảo đầu ra cho nông dân; còn nông dân chỉ việc lo sản xuất. Đây là mô hình thứ nhất, lâu nay chúng ta vẫn làm, đó là liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa. Ở An Giang hiện nay chúng tôi cũng xây dựng chuỗi liên kết giá trị trong sản xuất lúa gạo, rau màu, cây ăn trái, cá tra…

Mặt khác, cũng có thể tích tụ ruộng đất theo hình thức doanh nghiệp thuê đất của nông dân. Những người nông dân có diện tích đất manh mún, nhỏ lẻ (1.000-2.000 m2), sản xuất chắc chắn sẽ thua lỗ và đối mặt với nhiều rủi ro. Họ cho doanh nghiệp thuê đất để hình thành một cánh đồng lớn, doanh nghiệp tự đầu tư, vận hành. Người nông dân lúc này có hai lựa chọn: một là học nghề để chuyển từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, hai là xin vào làm công nhân nông nghiệp trong các nhà máy, công ty của doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn có kênh tích tựu ruộng đất thứ ba là tích tụ các trang trại do các nông dân có tư duy và kỹ năng quản lý tốt, thuê đất của những người nông dân khác để hình thành quy mô trang trại.

Hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ chỉ có vài công đất. Như vậy, việc liên kết sản xuất ở các hợp tác xã (HTX) cần phải đặt ra vấn đề gì để đạt được hiệu quả cao?

- Tích tụ ruộng đất không chỉ có một hướng như lâu nay. HTX cũng là một kênh để tích tụ ruộng đất nhưng với cách thức làm khác hơn. HTX lâu nay chúng ta làm là HTX rời rạc, còn HTX này là phải dịch vụ đồng bộ. Nói nôm na là một công ty cổ phần có nhiều nông dân góp vốn lại với nhau.

Hiện An Giang cũng đã triển khai thí điểm một số mô hình HTX như HTX xoài, HTX rau màu, HTX lúa gạo kiểu mới… Ở Đà Lạt thì có HTX Anh Đào. Các HTX này không phải khoanh vùng trong một ranh giới hành chánh của một ấp hay một xã, mà là HTX có nhiều cánh đồng rải đều khắp nơi. HTX không phải do những cán bộ nhà nước về hưu quản lý mà do các doanh nghiệp điều hành, chọn ra một số nông dân có kinh nghiệm đưa vào ban chủ nhiệm…

Vậy An Giang có áp dụng được mô hình tích tụ ruộng đất chưa, thưa ông?

- Tất cả các mô hình vừa nêu trên ở An Giang đều đã triển khai thí điểm và đạt được thành công nhất định như mô hình tích tụ ruộng đất theo quy mô trang trại và Công ty Hoàng Vĩnh Gia tại (huyện Tri Tôn) đã tích tụ được 400 ha đất.

Một dạng mô hình tích tụ ruộng đất thứ hai nữa là liên kết sản xuất, điển hình là mô hình của Tập đoàn Lộc Trời và 5 HTX kiểu mới sản xuất lúa chất lượng cao. Hiện tỉnh cũng đang triển khai thí điểm để trồng chuối, xoài, các loại cây ăn trái, cũng như sắp tới Tập đoàn Lộc Trời triển khai thí điểm sản xuất cây lúa hữu cơ. Quy trình sản xuất cây lúa hữu cơ rất nghiêm ngặt trong việc sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, chế phẩm…

Về vấn đề tích tụ ruộng đất, ông có những đề xuất như thế nào?

- Về mặt hạn điền thì hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ nới rộng ra, không như trước đây. Hiện nay cho phép một người trong hộ gia đình có thể sở hữu tối đa 30 ha. Ví dụ trong hộ gia đình có 4 người thì có thể sở hữu 120 ha, như vậy là tương đối đạt yêu cầu để triển khai dự án sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa.

Khi cho các doanh nghiệp thuê đất, người nông dân không mất đất. Đất của ông bà, cha mẹ để lại vẫn còn. Người nông dân trong thời gian cho doanh nghiệp thuê đất, có thể chuyển sang làm nghề khác, công việc khác. Vì vậy, nhà nước nên có cơ chế, chính sách công nhận quyền sở hữu tạm thời cho các doanh nghiệp khi họ thuê đất.

Cho phép tích tụ ruộng đất để làm trang trại, làm cánh đồng lớn nhưng không đi tới chuyện phát canh thu tô, tự sản xuất, tự canh tác, mà phải ứng dụng mạnh khoa học công nghệ. Doanh nghiệp sẽ phải thuê các nhà khoa học triển khai các ý tưởng và dĩ nhiên họ sẽ ứng dụng ngay, vì thế nên có chính sách trừ lại phần đó trong thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/152997/nong-dan-nho-tren-canh-dong-lon.html/