Nông dân 'mất ăn mất ngủ' vì hồ tiêu chết hàng loạt

Những ngày này, hồ tiêu đang bước vào vụ thu hoạch, song hàng trăm ha tiêu tại Gia Lai chết hàng loạt khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh nợ nần vì vay tiền đầu tư.

Theo báo Pháp luật TPHCM (PLO) đưa tin, hàng trăm hộ dân ở Gia Lại đang mất ăn mất ngủ vì sâu bệnh hoành hành khiến tiêu chết hàng loạt và giá tiêu giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng năm năm qua.

Khoảng ba năm trước, giá tiêu luôn ở mức trên dưới 200.000 đồng/kg, có thời điểm cán mốc 250.000 đồng/kg. Do lời đậm nên nông dân tỉnh Gia Lai ào ạt mở rộng diện tích loại nông sản được ví là “vàng đen” này và diện tích quy hoạch hồ tiêu bị phá vỡ nặng nề.

Chia sẻ với PLO, anh Huỳnh Xuân Vinh ở thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa cho biết, anh có hơn 4 ha rẫy chủ yếu trồng cà phê nhưng nay đã thay thế bằng 5.000 trụ tiêu. Tuy nhiên, đến nay chỉ chỉ có 2.000 trụ tiêu cho thu hoạch, số còn lại đang trong giai đoạn kiến thiết nhưng đã có hàng ngàn trụ bị bệnh chết.

Hàng trăm hộ nông dân ở Gia Lai mất ăn mất ngủ vì tiêu chết hàng loạt. Ảnh: PLO

Theo đó, Zing thông tin, tại xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh (Gia Lai), người dân trồng tiêu đã phải dùng máy cày phá bỏ trụ vì cây chết hàng loạt.

Ông Lê Quang Vang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ, cho biết tiêu chết đang ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân tại địa phương. Theo thống kê của xã thì diện tích tiêu bị chết trắng đã hơn 100 ha, còn bị ảnh hưởng bệnh, giảm năng suất là 450 ha.

"Nguyên nhân ban đầu được xác định do ảnh hưởng hạn hán từ năm 2016 dẫn đến cây bị thiếu nước. Trên địa bàn xã có nhiều trường hợp vay vốn đầu tư vào vườn tiêu, nay lâm cảnh nợ phải bỏ đi nơi khác làm thuê", ông Vang thông tin.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai, báo Người lao động cho biết, trong năm 2016, diện tích hồ tiêu trên địa bàn bị chết do sâu bệnh chỉ 32,6 ha, tuy nhiên con số thực tế cao gấp nhiều lần.

Nguyên nhân hồ tiêu chết được xác định là do người trồng chưa áp dụng đúng các biện pháp khoa học kỹ thuật, thâm canh quá mức, sử dụng các loại phân bón hóa học quá liều, không cân đối tỉ lệ… nên cây hồ tiêu mất sức đề kháng, bị các loại nấm bệnh tấn công. Bên cạnh đó, những diện tích không phù hợp, địa hình trũng cũng được người dân tận dụng trồng hồ tiêu.

Trước tình hình tiêu chết hàng loạt, Dân trí dẫn lời khuyến cáo của ông Nguyễn Văn Khanh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chư Pưh cho biết bà con nên chọn những cây giống đảm bảo chất lượng, không bị nhiễm bệnh. Đối với những vùng đất có tiêu chết do nhiễm bệnh gây ra thì bà con nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nếu muốn tiếp tục canh tác cây tiêu thì phải đợi khoảng 3 năm sau đó trồng thì cây tiêu mới được đảm bảo.

Bên cạnh đó, phòng NN&PTNT cũng tham mưu cho huyện các buổi tập huấn cấp cơ sở để bà con có hướng đi đúng đắn và lựa chọn được vùng đất nào phù hợp cho việc phát triển cây tiêu bền vững.

Đỗ Thu Thoan (t.h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nong-dan-mat-an-mat-ngu-vi-ho-tieu-chet-hang-loat-d121015.html