Nông dân lo lắng vì giá tôm càng xanh bất ngờ sụt giảm

Giá tôm càng xanh sụt giảm đang khiến nhiều hộ nông dân ở Thới Bình, Cà Mau lo lắng.

Mô hình nuôi xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa ở đồng đất Thới Bình đã khẳng định tính hiệu quả từ năng suất, chất lượng cho đến giá trị của con tôm. Nhiều hộ nông dân thật sự khá lên từ mô hình này.

Tuy nhiên, theo nhiều hộ nuôi tôm, bước vào vụ thu hoạch năm nay, giá tôm bất ngờ sụt giảm từ 20.000 - 50.000 đồng/kg so với năm trước khiến không ít các hộ dân lo lắng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau, toàn tỉnh có khoảng 12.000 ha đang áp dụng mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, tập trung tại các địa phương như: Thới Bình, U Minh, Cái Nước và thành phố Cà Mau; trong đó, nhiều nhất ở huyện Thới Bình với gần 10.800 ha, tăng khoảng 3.000 ha so với vụ nuôi năm 2015.

Nông dân Cà Mau lo lắng vì giá tôm càng xanh bất ngờ sụt giảm.

Riêng xã Tân Bằng, huyện Thới Bình hiện có hơn 2.000 ha nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa đang vào mùa thu hoạch rộ. Với giá cá sụt giảm như hiện nay, nhiều nông dân lo lắng đây sẽ thành tiền lệ xấu cho những năm tiếp theo. Bởi nhiều năm qua, mô hình luôn được đánh giá hiệu quả, có tính bền vững cao, khiến người dân yên tâm sản xuất.

Thực hiện mô hình từ cách đây 5 năm, mỗi năm gia đình ông Trần Văn Lê, ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng đều có thu nhập tăng thêm từ con tôm càng xanh trên dưới 20 triệu đồng. Bước vào vụ tôm càng xanh năm nay, gia đình ông tiếp tục thả nuôi 15.000 con giống trên nền diện tích 1ha, đến thời điểm này đã cho thu hoạch được hơn 200 kg tôm.

Ông Lê cho biết: “Tôm bán ra tùy theo kích cỡ, hoặc bán xô. Nếu bán phân loại thì mức giá năm nay chỉ từ 110.000 -115.000 đồng/kg. Trường hợp bán xô mức chỉ từ 90.000 - 100.000 đồng/kg, thấp hơn so với những năm trước". Cũng theo ông Lê, ở mức giá hiện nay, tuy vẫn có lợi nhuận nhưng vẫn lo lắng vì sợ sẽ trở thành tiền lệ xấu đối với con tôm càng xanh vốn là cứu cánh từ nhiều năm qua của nông dân.

Ông Từ Văn Phụng, xã Tân Bằng cho biết năm vừa qua, gia đình chỉ nuôi 2 ha với khoảng 30.000 con giống, giá bán 165.000 đồng/kg, Sau khi trừ chi phí, cho thu nhập 20 triệu đồng. Năm nay, gia đình mở rộng diện tích nuôi lên thành 4 ha, đầu tư nuôi 60.000 con giống. Tuy nhiên, với mức giá hiện nay, gia đình sẽ chờ dịp cận Tết mới cho thu hoạch, hy vọng giá sẽ nhích lên.

Theo ông Kiều Văn Chiến, Chi hội trưởng Chi hội thủy sản ấp Lê Hoàng Thá, xã Tân Bằng, giá tôm giảm như hiện nay là do nhiều nơi đều đồng loạt thu hoạch tôm. Ngoài ra, đang là thời điểm cận tết, nông dân cần tiền. Nắm được tâm lý đó nên thương lái có dịp hạ giá xuống. Bởi lâu nay, nông dân trực tiếp mua bán với thương lái, nơi nào giá cao thì bán ra, chưa thông qua hình thức bao tiêu đầu ra hay tổ hợp tác. Vì vậy, giá bán đều do thương lái quyết định, nông dân chủ yếu chỉ thả nuôi con giống thường nên hiệu quả kinh tế chưa cao.

Ông Chiến chia sẻ: “Hiện nhiều hộ dân vẫn còn e ngại đầu tư vào con giống. Bởi nếu áp dụng kiểu nuôi tôm càng xanh toàn đực, chi phí cho con giống lớn sẽ lớn hơn khi giá con giống cho mô hình này ở mức 500 - 550 đồng/con, so với giá con giống thường thì chỉ ở mức 190 đồng/con. Vì vậy, dù mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực có hiệu quả kinh tế cao hơn nhưng người dân vẫn ít lựa chọn mô hình này”.

Theo đánh giá của Trung tâm Giống nông nghiệp Cà Mau, giống tôm càng xanh toàn đực thả nuôi phát triển tốt và tăng trọng lượng nhanh hơn so với tôm càng xanh thường. Nguyên nhân là do tôm càng xanh thường có số lượng tôm cái chiếm 50% và tôm càng xanh cái có kích thước và khối lượng nhỏ hơn tôm càng xanh đực, tỷ lệ sống sót sau thả nuôi đạt 80%.

Nuôi tôm càng xanh toàn đực sẽ rút ngắn được thời gian nuôi, số lượng giống thả nuôi giảm hơn, hiệu quả cao hơn. Điều quan trọng ở đây là mô hình trồng lúa kết hợp với nuôi tôm càng xanh toàn đực giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích và cách ly được mầm bệnh cho mô hình lúa - tôm.

Những năm qua, mô hình xen canh tôm càng xanh trên ruộng lúa được xem là mô hình hiệu quả, mang tính ổn định cao. Nhiều địa phương trong vùng ngọt hóa của Cà Mau có chủ trương sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trong những năm tới.

Tuy nhiên, để mô hình này thật sự bền vững, bên cạnh yếu tố chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân cần chú trọng yếu tố đầu ra cho con tôm càng xanh. Bởi đây mới chính là nền tảng giúp nông dân yên tâm sản xuất, tránh điệp khúc được mùa - mất giá.

Tin, ảnh: Huỳnh Thế Anh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/nong-dan-lo-lang-vi-gia-tom-cang-xanh-bat-ngo-sut-giam-20170105152137560.htm