Nơm nớp lo… trường sập

Gần 100 học sinh và giáo viên của một trường tiểu học ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) nhiều năm nơm nớp đối diện nguy cơ phòng học sập bất cứ lúc nào, trong khi dự án xây trường mới đang 'vướng' mặt bằng.

Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ ở xã Tam Sơn, huyện Núi Thành (Quảng Nam) nằm cách hồ Phú Ninh chỉ vài trăm mét. Với 5 điểm trường nằm rải rác ở các thôn, nhiều hạng mục đã cũ nát, xập xệ.

Theo phản ánh của nhiều em học sinh, khoảng 3 năm trở lại đây các em phải ngồi học trong nỗi lo sợ khi bàn ghế hư hỏng, mái ngói mục nát.

“Ngồi học trong phòng nhưng chúng em cảm thấy bất an. Nhiều hôm đang học mà bột gỗ mục cứ rơi xuống cả người lẫn sách vở. Trời mưa, chúng em phải khiêng bàn chụm lại một góc”, em Nguyễn Thị Minh Ly, lớp 5/5 chia sẻ.

“Khu vực nguy hiểm”

Cô giáo Nguyễn Thị Lập, Tổng phụ trách đội của trường, kể: “Mỗi lần trời mưa gió là rất lo, nhiều lúc đang dạy nhưng cứ sợ ngói rơi xuống đụng đầu học sinh trong lớp. Mới đây, sau một trận mưa đầu mùa, phòng ăn tập thể nơi gần cả chục giáo viên nấu ăn chung đã đột ngột đổ sập xuống. Rất may là không có ai bị gì”.

Một hình ảnh cười ra nước mắt khi ngay bên cạnh một phòng học sinh đang học tạm, nhà trường lại dán thông báo để cảnh báo “khu vực nguy hiểm”.

Cạnh phòng học đang sử dụng là "khu vực nguy hiểm” cấm học sinh - Ảnh: MẠNH CƯỜNG

Thầy Đặng Ngọc Kiểm, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, cho biết toàn trường có 324 học sinh, riêng điểm trường chính có 88 em. Điểm trường này trước kia là Trường THCS Quang Trung cũ, xây dựng từ năm 1994.

“Trước khi chuyển qua đây học vào năm 2013, hầu hết học sinh đều học phía bên kia sông. Sau đó huyện chỉ đạo không cho học sinh qua sông đi học vì rất nguy hiểm, nhất là ở thời điểm mưa lũ. Đành phải mượn tạm chỗ này để học”, thầy Kiểm chia sẻ.

Cũng theo thầy Kiểm, điểm trường này có 6 phòng học, nhưng chỉ sử dụng được 3 phòng cho các khối lớp 1, 2, 3 và 5; riêng khối lớp 4 được chuyển về điểm trường ở thôn Mỹ Đông. Các phòng còn lại “tận dụng” làm phòng thư viện, phòng làm việc cho giáo viên và lãnh đạo nhà trường. Tuy nhiên, hầu hết các phòng đều xuống cấp nghiêm trọng, xuất hiện nhiều vết nứt trên tường, nhiều mảng mái ngói bị vỡ, mục…

Do số lượng học sinh quá tải nên phải tổ chức dạy học cả hai buổi trong ngày nhưng vẫn không đủ lớp. Đó là chưa kể đến lúc trời mưa to, gió lớn nhà trường đành cho học sinh nghỉ học. Chứng kiến cảnh con em mình học ở các phòng cũ nát, nhiều phụ huynh đánh tiếng xin đi điểm trường khác, hoặc lên “ý tưởng” cho con… đội mũ bảo hiểm mỗi khi ngồi học.

Trường xây đã lâu, mái ngói bị hư hỏng nặng - Ảnh: MẠNH CƯỜNG

“Theo quy hoạch xây trường mới, kinh phí xây trường đã có, nhưng đến nay xã vẫn chưa giải quyết được mặt bằng. Ba năm nay, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng vẫn chưa thấy giải quyết”, thầy Kiểm bức xúc.

Ông Lê Bá Tri, Phó chủ tịch UBND xã Tam Sơn, cũng thừa nhận vướng mắc lớn nhất thuộc về khâu giải phóng mặt bằng. Ông Tri cho hay chính quyền huyện Núi Thành đã có chủ trương đầu tư trường (xây dựng vào năm 2017), nhưng đang vướng 6 hộ dân do chưa đồng thuận cao về chuyện đền bù.

Mới đây, UBND huyện Núi Thành chỉ đạo dỡ ngói để lợp tôn cho các em “an toàn” hơn khi học tạm.

Mạnh Cường

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/nom-nop-lo-truong-sap-768165.html