“Nối vòng tay lớn” cho nhà nông

Thời thuộc Pháp, các đại điền chủ luôn phấn đấu để có nhiều “cánh đồng thẳng cánh cò bay”. Để đạt được mục đích, họ đã thôn tính đất đai của nhiều người bằng nhiều cách khác nhau. Nhiều nông dân không còn ruộng trở thành tá điền hoặc đi làm thuê, bị bóc lột, đối xử tệ mạt… Nhưng nhờ sự tích tụ ruộng đất mà các đại điền chủ canh tác thuận lợi, mùa màng bội thu, trở nên giầu có và nổi tiếng như Trần Trinh Trạch (bố của công tử Bạc Liêu), Trần Văn Xu ở Hà Tĩnh... Cách làm, cách đối xử với người nông dân của các đại điền chủ, các địa chủ như trước đây là không thể chấp nhận được.

Ảnh minh họa: doanhnhansaigon.vn

Trong thời đại ngày nay, việc sở hữu, sử dụng đất đai cần phải được thay đổi. Nhìn ra nước ngoài, rất nhiều nước nhờ tích tụ đất đai mà họ có nền nông nghiệp phát triển rực rỡ, đóng góp lớn cho ngân sách quốc gia, giải quyết việc làm cho nông dân.

Ở Việt Nam, ngay cả sau thời điểm nước nhà thống nhất (năm 1975), người nông dân vẫn lao động trong hợp tác xã nông nghiệp, mãi tới sau năm 2000 mới có chủ trương dồn điền đổi thửa. Nhưng trên các cánh đồng mẫu lớn lại có nhiều người nông dân làm chủ với giới hạn 3 ha đất/gia đình. Do vậy, tính riêng lẻ, chia cắt có ngay trên cánh đồng mẫu lớn, bởi vậy khó tạo nên liên kết các chuỗi giá trị nông sản. Ở mỗi tỉnh, thành, số lượng cánh đồng mẫu lớn còn quá ít, trong khi chiếm đa số vẫn là hộ gia đình có một ít đất thích gì thì trồng nấy. Sự không đồng nhất về chủng loại cây trồng hoặc con giống, vật nuôi là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh, sâu bệnh. Mặt khác, do diện tích nhỏ lẻ nên không thể cơ giới hóa, áp dụng kỹ thuật công nghệ.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Ngoài gạo, Việt Nam còn tiềm năng lớn về trái cây, thủy hải sản. Đất đai, khí hậu và con người là những thế mạnh vượt trội để phát triển một nền nông nghiệp toàn diện. Nhưng nhiều năm qua, tiềm năng đó chưa chuyển hóa thành hiện thực bởi nhiều rào cản, trong đó có rào cản hạn điền! Chúng ta lo ngại, nếu không có hạn điền thì nguy cơ tái diễn có điền chủ, địa chủ phát canh thu tô như thời trước.

Giáo sư Võ Tòng Xuân, người gắn bó máu thịt cả đời mình với nông nghiệp cho biết: Năm 1986, khi Quốc hội thảo luận Luật Đất đai đầu tiên, ông là đại biểu Quốc hội duy nhất đề nghị không nên quy định hạn điền. Và sau ông, có rất nhiều nhà chuyên môn về nông nghiệp, đất đai, quản lý Nhà nước đã có cùng quan điểm. Mới đây, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại nghị trường đề nghị Quốc hội sửa Luật Đất đai, bỏ quy định hạn điền, bởi hạn điền là “điểm nghẽn” của nông nghiệp.

Những người có cùng quan điểm cho rằng: Nông nghiệp muốn phất lên thì doanh nghiệp phải nhảy vào. Họ phải có đất, phải có nhiều cánh đồng thật lớn thì mới có đủ nông sản đáp ứng một lúc theo yêu cầu của thị trường. Việt Nam đang hòa nhập ngày càng rộng và sâu vào thị trường quốc tế. Manh mún đồng nghĩa với việc tụt hậu. Từ trước đến nay doanh nghiệp chủ yếu đi gom hàng từ nông dân để xuất khẩu chứ chưa liên kết thực thụ để sản xuất. Phần đa nông dân vẫn tự trồng, tự bán chạy theo phong trào nên mới dẫn đến tình trạng được mùa lại mất giá.

Nông nghiệp là một lĩnh vực rủi ro cao, do vậy muốn doanh nghiệp đổ tiền thì Quốc hội cần phải sớm xem xét sửa đổi kịp thời Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã, theo đó cần có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp để họ an tâm đầu tư với quy mô lớn.

Có nhiều giải pháp để nông dân gắn với doanh nghiệp. Nông dân góp đất như là một cổ phần để thực hiện dự án nông nghiệp. Họ không chỉ là cổ đông mà là người lao động làm việc theo hướng dẫn của doanh nghiệp. Như vậy, họ không hề bị mất đất mà vẫn được lao động trong những điều kiện tốt hơn, không phải lo về đầu ra sản phẩm, trong khi thu nhập lại cao hơn. Đó là một trong nhiều giải pháp “nối vòng tay lớn” cho nhà nông, để chủ trương “tam nông” của Đảng và Nhà nước ta sớm đạt được kết quả như mong muốn.

Thế Lữ

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/noi-vong-tay-lon-cho-nha-nong_t114c68n111713