Nỗi "vất vả" của doanh nghiệp Nhà nước nhìn từ việc EVN "kêu oan"

Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) "kêu oan" sau khi Thanh tra Chính phủ đưa ra kết luận về một số sai phạm tại EVN đang đặt tiếp câu hỏi, phải chăng, thông tin về doanh nghiệp nhà nước vẫn đang là vùng khó xác định.

Ông Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, người vốn kiên trì trong đề xuất đưa doanh nghiệp nhà nước vào kỷ luật thị trường, cũng phải thốt lên: doanh nghiệp nhà nước vất vả quá!

Nỗi vất vả mà ông Cung nhắc tới khi rà soát những nội dung liên quan đến quản trị doanh nghiệp nhà nước, chuẩn bị cho kế hoạch sửa Luật Doanh nghiệp đang được khởi động.

Tuy nhiên, điều đáng nói, theo ông Cung là những cố gắng của các bộ phận làm báo cáo của doanh nghiệp nhà nước đã không đủ tạo nên sự minh bạch, rõ ràng của hệ thống thông tin của doanh nghiệp nhà nước mà thị trường đang yêu cầu.

"Doanh nghiệp nhà nước phải báo cáo rất nhiều. Có tổng công ty phải thiết lập một bộ phận chuyên làm báo cáo. Có doanh nghiệp làm tới 23 loại báo cáo gửi các cơ quan khác nhau", ông Cung kể lại thực tế.

Tuy nhiên, các báo cáo này hầu như không phân biệt đâu là báo cáo cho chủ sở hữu nhà nước, đâu là báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước. Nội dung các báo cáo, vì vậy thường giống nhau và được thực hiện theo các "form" báo cáo báo cáo tài chính, hoặc báo cáo thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh…

Hệ quả là, báo cáo thì nhiều, nhưng khi bất cứ có vụ việc phát sinh, điều đầu tiên doanh nghiệp được yêu cầu là... làm báo cáo!

"Lý do chính là, mục tiêu yêu cầu báo cáo không rõ. Nhiều khi, các cơ quan nhận báo cáo sử dụng báo cáo theo ý đồ của mình chứ không phải là bám sát hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp", ông Cung phân tích.

Về nguyên tắc trong quản trị doanh nghiệp, để phục vụ mục tiêu giám sát, thông tin được yêu cầu là cập nhật tiến độ, mức độ thực hiện các yêu cầu công việc, nhiệm vụ được giao, trên cơ sở đó, đánh giá kết quả thực hiện theo từng chỉ tiêu xác định. Chính trong quá trình này, những biến động đột xuất, cả chủ quan và khách quan, tới việc thực hiện và khả năng thực hiện nhiệm vụ sẽ được phát hiện và có giải pháp kịp thời, hoặc là thổi còi, hoặc là hỗ trợ thêm các điều kiện để thực hiện.

Khi đó, những tranh luận đang diễn ra về khoản 121.000 tỷ đồng là đầu tư vào công ty con, hay đầu tư ngoài ngành giữa EVN và kết luận của Thanh tra Chính phủ sẽ không xảy ra.

"Với cách thức cung cấp thông tin từ dưới lên và không có mục tiêu rõ ràng, các cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước đang thụ động trong việc xem xét, sử dụng báo cáo của doanh nghiệp", ông Cung phân tích.

Thực ra, đây là trách nhiệm của chủ sở hữu, vì chỉ có chủ sở hữu mới xác định rõ mục tiêu, sứ mệnh của các doanh nghiệp của mình, từ đó đặt ra các chỉ tiêu, kế hoạch gắn với sứ mệnh đó. Tuy nhiên, nếu thử lập bảng phân công nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu với các doanh nghiệp nhà nước hiện tại, một sơ đồ khá phức tạp với các cấp, đi kèm là các quyền, trách nhiệm liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Có thể kể ngay tới các bộ quản lý ngành, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các nội dung về trách nhiệm có ý kiến, hoặc trình, hoặc chủ trì… với các nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu với các doanh nghiệp nhà nước được phân giao. Nếu các cơ quan này không làm rõ yêu cầu với các nội dung báo cáo của doanh nghiệp nhà nước trong vai trò là cơ quan quản lý nhà nước hay đại diện chủ sở hữu, các nỗ lực thu thập và xây dựng báo cáo của các doanh nghiệp nhà nước sẽ không thể đáp ứng yêu cầu.

Đó là chưa kể, vì có nhiều ông chủ, mỗi ông chủ chỉ nắm một góc, nên doanh nghiệp rất có thể sẽ rơi vào tình trạng, hoặc là không rõ mục tiêu, hoặc có quá nhiều mục tiêu. Việc thực hiện các mục tiêu này cũng trở thành áp lực với chính những người lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước.

Theo Báo công thương

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/doanh-nghiep/noi-vat-va-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-nhin-tu-viec-evn-keu-oan-3830.html