Nói tiếng nói của cử tri

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV vừa kết thúc sáng qua (23-11). Một kỳ họp thành công theo như nhận định của nhiều ĐBQH và cử tri, nhân dân cả nước.

Nói là thành công là không hề quá lời. Bởi, một Quốc hội có bề dày truyền thống tới 70 năm nhưng với Quốc hội khóa XIV thì đây thực sự là một Quốc hội “trẻ” vì nhiều lẽ. Thứ nhất khá nhiều ĐBQH trẻ và thứ hai, số ĐBQH mới lần đầu tham gia QH nhiều. Vì thế, ngay từ đầu khóa Quốc hội XIV cũng đã có ý kiến bày tỏ nghi ngại. Liệu nhiều người “trẻ” thì Quốc hội liệu có “dễ tính” hơn không và ít “nóng” hơn không?

Quang cảnh lễ bế mạc. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN).

Thực tế, kỳ họp thứ nhất khá ngắn ngày lại chủ yếu làm công tác nhân sự nên cũng chưa có nhiều điều kiện để ĐBQH thể hiện vai trò, bản lĩnh của mình.

Tuy vậy, với những gì các ĐBQH khóa XIV thể hiện đã cho thấy những băn khoăn ban đầu là không thực sự cần thiết. Đó là nói ở góc độ những đánh giá tổng thể đầu tiên về kỳ họp và về các đại biểu của dân.

Còn thì, với Quốc hội khóa XIV những điểm mới nổi bật quả thực không ít. Điểm mới đầu tiên, đúng như Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói tại buổi họp báo ngay trước hôm khai mạc: Kỳ họp thứ 2 Quốc hội xem xét, thông qua hàng loạt dự án luật và nghị quyết.

Trong đó, Quốc hội dành khoảng 10 ngày làm việc để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.

Trong đó, đặc biệt quan trọng với các kỳ họp cuối năm là các báo cáo của Chính phủ gồm: Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017; Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; Báo cáo kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; Báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm; Báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; Báo cáo về mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016; Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường và bài học kinh nghiệm, các giải pháp để bảo vệ môi trường; Báo cáo về tình hình Biển Đông.

Từ chương trình ấy để thấy, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thực hiện rất thành công chủ trương: Trong quá trình xin ý kiến, thấy luật nào chưa yên tâm, còn nhiều ý kiến khác nhau thì kéo dài thời gian sang kỳ sau, tăng thời lượng thảo luận tại tổ và hội trường. Đã có những dự thảo luật và bộ luật như thế được đưa ra khỏi chương trình.

Thậm chí, trước một chủ trương lớn là xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội khóa XII thông qua; nhưng vào thời điểm hiện nay, sau khi cân nhắc mọi yếu tố và sau khi xem xét tờ trình của Chính phủ, Quốc hội đã biểu quyết dừng việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Xem xét việc chưa biểu quyết thông qua một số dự án luật và biểu quyết dừng Dự án điện hạt nhân là một quyết định sáng suốt, “dũng cảm” của Quốc hội khóa XIV.

Không còn chuyện “dĩ hòa vi quý” với các đề nghị của Chính phủ mà người ta thường gặp xưa nay tại các kỳ họp. Điều đó càng phần nào cho thấy, tính phản biện của Quốc hội đã tăng lên.

Một điểm mới khác, đó là, kỳ họp đã tạo điều kiện cho ĐBQH tranh luận khi phát biểu tại hội trường. Các Bộ trưởng sẽ trao đổi cùng với các đại biểu nhằm làm sáng tỏ các nội dung.

Ngoài việc đăng ký trên màn hình ĐBQH nào muốn tranh luận thì có hình thức giơ biển để chủ tọa tạo điều kiện cho tranh luận tại hội trường.

Thực tế, trong những buổi họp đầu tiên, việc giơ biển tranh luận chưa nhiều nhưng càng về cuối kỳ họp càng có nhiều ĐBQH sử dụng quyền tranh luận của mình.

Một mặt, Quốc hội đã thể hiện nỗ lực, làm sao cho các ĐBQH đăng ký được phát biểu để trao đổi tại các phiên truyền hình trực tiếp và kể cả không trực tiếp. Mục đích không gì khác là để hiểu nhau; để đi đến tận cùng “chân lý” trong mỗi vấn đề mà họ quan tâm, theo đuổi.

Nhận định về việc tại kỳ họp này Quốc hội chuyển từ Quốc hội tham vấn sang Quốc hội tranh luận, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, đây là một sự đổi mới cực kỳ căn bản, gần như là một sự chuẩn bị triết lý của Quốc hội bởi đây là nghị trường.

Cái lý mà ĐB Lưu Bình Nhưỡng dựa vào đó để đánh giá về Quốc hội tranh luận, đó là: chúng ta dường như chưa phát huy được tính chất của nghị trường - một nơi vốn dĩ cần phải tranh luận nhiều để tìm ra chân lý; một nơi không cho phép sự xuôi chiều bởi rất có thể từ sự xuôi chiều, nó sẽ góp phần tạo ra những sản phẩm kém; những sản phẩm nhàn nhạt hay nói cách khác là những “sản phẩm lỗi”. Mà “lỗi” ở khâu này, vẫn theo ĐB Nhưỡng sẽ kéo theo “sản phẩm của hành pháp và tư pháp sẽ cực kỳ khó khăn”.

Còn, với ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) thì, việc cải tiến từ Quốc hội tham luận sang tranh luận cũng là cách để tạo ra sự năng động, tìm được lời giải mang tính thuyết phục; giúp nhiều ĐB có thể đưa ý kiến của mình để cuối cùng chúng ta chọn một phương án tối ưu nhất.

Do đó “tranh luận trong Quốc hội là cần thiết và phát huy tính năng động của các ĐB có sáng kiến, phát huy được sáng kiến của các ĐBQH.”

Khen là khen vậy nhưng với cả ĐB Lưu Bình Nhưỡng và Mai Thị Ánh Tuyết thì việc phản biện lại chủ trương tranh luận tại kỳ họp thứ 2 rất đáng lưu tâm.

Theo bà Tuyết, do lần đầu chúng ta làm nên các vấn đề mà các ĐB tranh luận cũng chưa được tập trung làm cho buổi tranh luận chưa phát huy được đúng nghĩa của nó.

Còn, ông Nhưỡng thì cho rằng, đây mới là bước khởi đầu nên chúng ta chưa thể cầu toàn ngay ở những khóa đầu, đặc biệt là ngay khóa XIV thì tỷ lệ ĐB lần đầu tiên tham gia là tương đối cao, trong đó có những người chưa tham gia hoạt động pháp luật, chưa tham gia vào hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề lớn.

Khó là vậy mới càng thấy quyết tâm đổi mới của Quốc hội khóa XIV là hết sức quan trọng và cần thiết. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ: Các ĐBQH đã thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề; đặc biệt là tăng tính tranh luận để làm rõ thêm…

Các vị Bộ trưởng lần đầu trả lời chất vấn đã nắm bắt yêu cầu; bám sát chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực mình phụ trách; trả lời thẳng vào vấn đề được hỏi, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu, đưa ra giải pháp và hướng khắc phục những hạn chế, bất cập.

Có thể nói, Chủ tịch QH đã khái quát rất sắc những thành công trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Nhưng có lẽ cái thành công lớn hơn cả là cử tri và nhân dân nhìn rõ: Tăng tính tranh luận không chỉ tăng hàm lượng giám sát, phản biện của Quốc hội; mà nó còn tăng lên về chất các hoạt động của Quốc hội thông qua kỳ họp.

Rồi đây, cử tri và nhân dân chắc sẽ rất mong đợi, theo dõi sát sao các kỳ họp Quốc hội. Vì họ biết, ở đó, các ĐB của mình sẽ nói tiếng nói của mình.

Hoàng Mai

Từ khóa

bế mạc kỳ họp 2 quốc hội khóa XIV

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/noi-tieng-noi-cua-cu-tri/136552