Nội soi dạ dày có nguy hiểm?

TT - Nội soi là thủ thuật mà bác sĩ sẽ đưa một dụng cụ (dây soi) vào lỗ tự nhiên của cơ thể để quan sát nhằm chẩn đoán bệnh ở các cơ quan bên trong.

Bác sĩ nội soi dạ dày cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Ảnh: CTV

Trong các lĩnh vực nội soi thì nội soi tiêu hóa, nhất là nội soi dạ dày, phổ biến nhất vì tỉ lệ bệnh cao trong dân số. Hiện tại có hai loại nội soi dạ dày là nội soi chẩn đoán và nội soi can thiệp.

Nội soi chẩn đoán là bước cơ bản nhất: nhờ điều khiển được dây soi đi sâu vào ống tiêu hóa (thực quản - dạ dày và đoạn đầu ruột non) mà bác sĩ có thể nhìn tận mắt rõ ràng được trong thực quản, dạ dày, ruột non của bệnh nhân có bị bệnh lý gì, từ đó chẩn đoán chính xác bệnh. Sau khi quan sát, bác sĩ có thể đưa một dụng cụ luồn vào dây soi vào dạ dày để lấy một mẩu nhỏ trong dạ dày ra làm xét nghiệm tìm vi trùng H.pylori có hiện diện trong dạ dày hay không, thậm chí lấy mẫu đó đem cấy xem vi trùng có độc lực gì và nhạy với kháng sinh gì. Khi nhìn bằng mắt thường có những vùng nghi ngờ, bác sĩ có thể đưa dụng cụ luồn qua dây soi vào dạ dày bấm lấy một mẩu nhỏ của dạ dày đem phân tích và đọc dưới kính hiển vi để chẩn đoán sâu hơn nhằm phát hiện ung thư...

Nội soi can thiệp là nội soi nâng cao. Sau khi hoàn thành giai đoạn chẩn đoán, các bác sĩ sẽ tiến tới nội soi can thiệp như đưa dụng cụ luồn vào dây soi để tiến hành các thủ thuật nhằm điều trị cho bệnh nhân, thí dụ như cột, chích, kẹp, cột thắt, gây xơ hóa, gây đông keo, đốt cầm máu trong dạ dày và thực quản nhằm làm cầm máu trong những trường hợp bị chảy máu tiêu hóa. Cũng bằng dụng cụ luồn qua dây nội soi, bác sĩ có thể gắp các dị vật mà bệnh nhân đã lỡ nuốt vào thực quản, dạ dày, cắt bỏ các u lành (polyp) trong thực quản, dạ dày và ruột non...

Nội soi dạ dày qua đường miệng không đau nhưng khó chịu. Cảm giác khó chịu chủ yếu là buồn nôn, nôn ói và cảm giác chặn ở cổ nên nhiều người rất sợ. Làm sao khắc phục vấn đề này? Cách thứ nhất là tiến hành gây mê nhẹ nhàng cho bệnh nhân ngủ ngắn trong 15- 20 phút (thường áp dụng cho trẻ em và một số người trưởng thành lo lắng quá mức). Cách thứ hai là phối hợp tốt giữa bác sĩ và bệnh nhân. Khi đó, bác sĩ có kỹ thuật tốt sẽ thao tác nhẹ nhàng, nhanh chóng, mềm mại. Còn bệnh nhân đừng quá căng thẳng, không nên gồng người, nên hít thở sâu và đều đặn bằng mũi và miệng.

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/chinh-tri-xa-hoi/song-khoe/555549/noi-soi-da-day-co-nguy-hiem.html