Nỗi quê trong “Khoảng trời ký ức”

Nguyễn Bá Hòa

(Cadn.com.vn) - Tập thơ “Khoảng trời ký ức” (Nhà xuất bản Văn học phát hành tháng 9-2016) của Lê Trường Long (hội viên Hội VHNT Quảng Nam) góp thêm vào vườn thơ những nét riêng đầy thú vị trong khi văn hóa đọc đang là trăn trở của nhiều người, nhất là đọc thơ! Chính Lê Trường Long cũng đã tự hỏi: Những cuốn sách nằm im trên giá/ thời gian dài chưa thấy chuyền tay/ sách có lỗi hay người có lỗi/ câu hỏi này ai trả lời đây?(Sách). “Khoảng trời ký ức” của Lê Trường Long là khoảng trời nhớ nhung về tình yêu đầu đời còn bổi hổi trong anh dẫu đã ngót 30 năm qua rồi: Có buổi chiều không thể nào quên, em bỏ đi anh trơ trọi một mình/ gió thổi miên man hàng cây run rẩy/sắc chiều vàng úa cả không gian (Có buổi chiều). “Khoảng trời ký ức” chất chứa bao kỷ niệm trăn trở về những miền đất mà anh đã đi qua: Thuyền câu lướt nhẹ mái chèo/ trông lên Hòn Lá men theo Bãi Làng/ đưa tay hứng nhận Vú Nàng/ để rơi giọt nhớ nắng vàng giọt mưa (Bến quê) hay Thành phố trẻ sông Hàn như dải lụa/choàng tay ôm/ cửa biển gió xôn xao (Anh vẫn đợi), với Đà Lạt trong anh Thác Prenn phượng tím chiều nhung nhớ/ tóc ai bay phố núi sương mờ (Những nẻo đường)

Những vu vơ trong “Khoảng trời ký ức” để lại trong lòng người đọc những cảm giác thật dễ chịu ví như bâng quơ đứng ở “Ngã ba đường”cứ “Dùng dằng ngọn gió” thấy “Trời vẫn xanh” đăm đăm nhìn "Mắt lá” rồi “Để rơi nỗi nhớ”. Chẳng biết có ai nhặt nỗi nhớ của Lê Trường Long hay không, nhưng có những nỗi nhớ không bao giờ anh để rơi là nỗi nhớ thương quê. Nơi anh sinh ra và lớn lên, một miền quê trung du nơi ấy có con sông chở mặt trời từ Đông sang Tây, một vùng quê không lẫn lạc vào đâu được bởi những Ngõ chè tàu đã khuyết mấy mùa trăng (Ngõ chè tàu) hay như Ừ ngõ đá/ coi chừng ngã đó/ ủa mần răng?/ chuyện đó có chi mô/ gió vén mây/ cửa Rừng kia đã mở/ dòng Tiên xanh bên lở nhớ bên bồi (Sợi tơ trăng).

Có thể nói đậm đặc trong “Khoảng trời ký ức” là tình yêu quê hương mãnh liệt: Em ơi!/ những khu vườn xanh/ những đồi dó xanh, những rừng keo bạt ngàn/ thanh trà trĩu quả/ bên triền đê tiếng nghé/ gọi nhau (Chín hồng đôi mắt), dẫu nói về tình yêu riêng anh vẫn không quên không gian quê làm điểm tựa: Ngõ đá chạy vòng quanh/ chúng mình trốn kiếm/ tiếng em tựa tiếng chim chiền chiện/ gọi hoài trong mơ (Cây gạo đầu làng). Đó là niềm tự hào về cội nguồn: Mảnh đất đã sinh ra bao vị anh hào/ Lê Vĩnh Khanh, Lê Vĩnh Huy, Huỳnh Thúc Kháng/ và những bậc tiền nhân làm rạng rỡ quê nhà (Tắm nắng hoàng hôn). Lê Trường Long khắc họa những địa danh quê hương anh không chỉ bằng nét bút vần thơ mà bằng cả trái tim đau đáu: Đắm đuối nhìn đắm đuối mộng mơ/ ráng rẻ quạt xòe ra sao mà hồng đến vậy?/ khói lam chiều nâng ngọn gió rong chơi (Khói lam chiều). Lò Thung, một thắng cảnh thiên nhiên, thuộc khu du lịch sinh thái Lộc Yên, xã Tiên Cảnh, H. Tiên Phước được anh chấm phá: Lò Thung/ em là ai mà trăng qua cũng phải dừng/ gió hội tụ/ đất trời hội tụ/ tiếng đàn đá vút lên những âm thanh huyền diệu ngọt ngào như những môi hôn (Huyền thoại Lò Thung). Xóm Bàu, nơi anh ở được vẽ lên trên nền ký ức bềnh bồng: Xóm tôi ở dọc theo triền Củi Lớn/ ngõ đá rêu phong/ ngõ đá đẹp như là…/ mùa nước lũ/ sông Đá Giăng băng bàu gặp suối/ bốn bề nước réo/ gọi nhau (Bềnh bồng sương mai).

Quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, cái nôi ấy, cái nguồn cội ấy ai cũng có, nhưng ở Lê Trường Long sao mà sâu nặng đến mức tưởng như không thể... vì ba đứa con trai em sau này mỗi thằng một miếng/ anh mua đất nơi chôn nhau cắt rốn/ mai sau còn có cội nguồn (Vệt lửa ngang trời). Mua đất cho con tính toán như thế thú thật người viết bài này cũng chưa nghĩ đến! Trong bài Hương đất anh viết: “Con đường nhỏ/ con đường mơ ước/ đưa ta đi rồi trở lại quê nhà”, một sự khẳng định như trái tim phải nằm trong lồng ngực, mặc tất cả thời gian, không gian biến động bể dâu! Quê hương cội nguồn trong thơ anh ngỡ như hằn sâu những vết mòn thân phận nhưng vẫn tràn trề niềm tin, niềm quan lạc như cái đà cửa nhà cũ mèm bao thế hệ vẫn bước qua: “Cái đà cửa vẹt mòn thân phận/ Nội ngoáy trầu, ngoáy cả thời gian” (Cái đà cửa).

Người viết bài này không đủ điều kiện để đi vào không gian nghệ thuật của “Khoảng trời ký ức”, nhưng vẫn thấy ánh lên những bài thơ, nhưng câu thơ dịu dàng đầy xúc cảm:

Ô kìa

xanh ngắt nương dâu

giọt sương lúng liếng trên đầu mắt ai

(Năm ngoái)

Chị tôi tóc chấm vai

tuổi thanh xuân gởi lại chiến trường

Ôm đồng đội máu hòa vào đất

Ngày sơn hà thống nhất chị trở về sà vào lòng mẹ

Có một điều lòng tôi se thắt

Gió trở trời chị ôm gối

À ơi…!

(Sau lũy tre)

“Khoảng trời ký ức” nặng trở trăn nhưng không bi lụy, đầy ắp những nghĩ suy từ một vùng quê trung du khuất lấp núi đồi. Mượn hai câu của Lê Trường Long kết thúc bài viết:

Làng tôi bốn bề lũy tre che chở

Khuất tầm nhìn đâu phải khuất nghĩ suy

và trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_156260_no-i-que-trong-khoa-ng-tro-i-ky-u-c-.aspx