Nói phải đi đôi với làm

Tại phiên họp thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh: Chính phủ nói phải đi đôi với làm.

Thông điệp hành động của Thủ tướng dường như giải tỏa sự trăn trở của cử tri và nhân dân. Bởi, vấn nạn “nói nhưng không làm, hoặc nói một đàng làm một nẻo” luôn là nỗi ám ảnh của xã hội, làm giảm lòng tin của nhân dân. Hành động thực tiễn cụ thể, thiết thực của lãnh đạo giữ trọng trách không chỉ khắc chế căn bệnh trì trệ của bộ máy công quyền, mà còn mang đến cho người dân sức lôi cuốn và kỳ vọng vào sự chuyển biến tích cực.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp thường kỳ Chính Phủ hôm nay 29/11.

Mục tiêu kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh, phục vụ thuận lợi người dân và doanh nghiệp là câu chuyện thời sự phản ánh sự vận hành của bộ máy hành chính, nhất là sự ảnh hưởng bởi các thủ tục hành chính.

Chỉ riêng chính sách thuế và hải quan, đã là bài toán lớn đòi hỏi lời giải thấu đáo. Đối với cộng đồng doanh nghiệp thì từ lâu thuế và hải quan là hai cửa ải với rừng thủ tục từng gây nhiều nỗi ám ảnh, bức bối.

Việc cải cách thủ tục hành chính trong hai lĩnh vực này là đòi hỏi bức thiết, tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, biểu hiện rất rõ tính chất, mức độ phục vụ dân doanh của nền hành chính.

Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, bên cạnh việc phát huy vai trò giám sát của các thiết chế liên quan, từ đầu năm 2016 đến nay, số thủ tục hành chính thuế đã được chuẩn hóa và cắt giảm từ 385 xuống còn 300 thủ tục.

Tất cả 100% các địa phương trên cả nước đã thực hiện khai thuế điện tử đối với doanh nghiệp. Tổng cục Thuế ký thỏa thuận với 45 ngân hàng thương mại để triển khai nộp thuế điện tử tại 63 địa phương, và đã cắt giảm được 420 giờ nộp thuế (từ 537 xuống còn 117 giờ).

Bên cạnh đó, dù đã có những cải cách nhưng đối với ngành hải quan, việc giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan vẫn chứa chất nhiều thủ tục làm mệt mỏi doanh nghiệp nhiều nhất.

Mặc dù vậy, ghi nhận chung những nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính vẫn chưa đủ ngăn chặn triệt để nạn gây phiền hà, khó khăn, tốn kém chi phí sản xuất kinh doanh.

Cải cách thủ tục hành chính trong thời gian qua vẫn bị mang tiếng nặng về giải pháp tình thế, thiếu tính tổng thể. Thủ tục hành chính là biểu hiện tập trung nhất của hoạt động nhà nước can thiệp vào quá trình kinh tế và xã hội với mục đích tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của kinh tế và xã hội.

Vì vậy, vấn đề về mức độ và phương pháp can thiệp của nhà nước trong từng lĩnh vực quản lý cụ thể như thế nào là phù hợp cần phải tiếp tục được giải mã cụ thể.

Tầm tư duy và tổng kết thực tiễn xây dựng chính sách vĩ mô đòi hỏi thoát khỏi tình trạng bất cập, nặng về đề phòng, trói buộc, thiếu sự chủ động, thông thoáng. Thủ tục hành chính nhìn chung vẫn chưa đủ mức hấp dẫn, giải phóng và khai thác mọi nguồn lực trong nước, trong dân và quốc tế, luôn bị động trước yêu cầu phát triển nhanh của đời sống thực tiễn.

Trên bình diện vận hành chung của cả bộ máy hành chính, thực thi chức năng hành pháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ trưởng phải thực hiện nghiêm túc các lời hứa trước Quốc hội và sớm bắt tay ngay vào việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội năm 2017.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng phải thực hiện nghiêm túc các lời hứa trước Quốc hội, và nhấn mạnh: “Các lời hứa trước Quốc hội, các Bộ trưởng đã hứa, Thủ tướng cũng trả lời trước Quốc hội nhiều vấn đề, nhưng có làm không? Hay chỉ nói để lấy lòng Quốc hội? Chính phủ nói phải đi đôi với làm, giữa lời nói và hành động cần phải đặt vấn đề rõ hơn.”.

Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Các thành viên Chính phủ, các địa phương được yêu cầu bắt tay ngay vào việc thực thi nhiệm vụ quản lý, điều hành của năm 2017 với tinh thần chủ động ngay từ quý I, công khai minh bạch cơ chế phân cấp, giao quyền, hạn chế tối đa cơ chế xin - cho để các địa phương sớm tổ chức triển khai.

Những thông điệp hành động mạnh mẽ của Chính phủ đang thúc giục bộ máy hành chính quốc gia vận hành hiệu lực, hiệu quả.

Thông điệp hành động của người đứng đầu Chính phủ là cơ sở thực tiễn mở ra kỳ vọng cải tiến phương thức hoạt động của bộ máy hành chính. Qua đó xác định đầy đủ, rõ ràng chức trách của mỗi cơ quan, cá nhân, đồng thời loại bỏ những công việc không thuộc chức trách của mình nhằm khắc phục tình trạng bao biện làm thay hoặc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cấp hành chính.

Đây là những yêu cầu đặt ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước cần sớm xử lý nợ xấu, xử lý các ngân hàng yếu kém, kiểm soát nợ công, giải quyết triệt để các trường hợp công trình, dự án, doanh nghiệp thua lỗ, dự báo đúng tình hình quốc tế tác động đến sự phát triển của đất nước. Người dân và doanh nghiệp phải sớm được nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Có thể nói, năm 2016 chính là năm của tinh thần hành động từ Chính phủ. Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ như luồng gió mới thổi vào tiến trình thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.

Việc đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ thể hiện dấu ấn rất rõ việc đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, thực hiện nguyên tắc nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, tuân thủ, thượng tôn pháp luật; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính; công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Đấy là cơ sở pháp lý có tính ràng buộc sự hành động “nói phải đi đôi với làm” của những cá nhân giữ trọng trách. Thông điệp hành động của Thủ tướng đang hướng đến việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, phục vụ. Và sau những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, người dân và cộng đồng doanh nghiệp đang có cơ sở trông đợi sự chuyển động tích cực tiếp theo của cả bộ máy hành chính quốc gia.

Chu Ninh

Từ khóa

Nguyễn Xuân Phúc Chính phủ kiến tạo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tham-vanphan-bien/noi-phai-di-doi-voi-lam/137808