Nồi niêu xoong chảo chống lại dùi cui

Suy thoái kinh tế và khủng hoảng nợ công buộc chính phủ nhiều nước tăng thu, giảm chi ở hầu hết lĩnh vực mà giáo dục không thể tránh khỏi. Giảm đầu tư cơ sở, trang thiết bị giáo dục đã gây ra nạn chảy máu chất xám "âm thầm" ở một số trường đại học hàng đầu thế giới. Trong khi hệ quả của chính sách tăng học phí thì lại nhận lấy sự phản kháng rầm rộ của giới sinh viên và các công đoàn giáo dục thế giới.

Khó khăn kinh tế kèm theo những sức ép từ các đảng đối lập cũng như từ khối EU liên quan đến cắt giảm nợ công theo hiệp ước quy định chung, một số chính phủ châu Âu buộc phải "chặt chém" nhiều khoản chi phí mà họ cho là "không đem lại hiệu quả kinh tế tức thì".

Ngân quỹ dành cho các công trình nghiên cứu khoa học là khoản chi tiêu nằm trong danh mục bị cắt đầu tiên của ngành giáo dục nước Anh. Hậu quả là các nhà nghiên cứu, giáo sư các trường đại học nổi tiếng phải nghiên cứu "chay". Một phóng sự mới đây của kênh truyền hình BBC, Anh, cho biết lực lượng các nhà khoa học tinh túy nhất tại Trường đại học nổi tiếng Oxford của Anh đã bỏ đi gần hết vì ngân sách dành cho nghiên cứu khoa học của họ bị cắt giảm thê thảm.

BBC cảnh báo nếu Chính phủ Anh cứ tiếp tục cắt giảm như hiện nay, niềm tự hào không chỉ riêng của nước Anh mà còn của cả thế giới - Đại học Oxford, trong vài năm nữa sẽ chỉ còn lại là một "trường làng".

Đối với các giáo sư đại học, không dạy chỗ này thì dạy chỗ khác, miễn là ở đâu có thù lao cao và trang thiết bị cho họ nghiên cứu. Nhưng sinh viên thì sao, khi mà trường họ học nay tăng học phí? Theo thống kê của Hiệp hội các trường đại học quốc tế, học phí đại học ở Mỹ, Anh, Canada, Úc... tăng từ 5 đến 9% trong năm 2011, thậm chí ở Canada có trường còn dự tính tăng học phí 75% trong 5 năm tới. Và cuộc chiến "nồi niêu xoong chảo" của sinh viên chống lại dùi cui của cảnh sát bùng phát tại nhiều nước trên thế giới.

Có thể điểm lại một số phong trào biểu tình ở Mỹ và Anh: Hàng ngàn sinh viên ngày 6/3/2012 đã kéo về thủ phủ Sacramento của tiểu bang California để phản đối học phí tăng quá cao. Một nhóm trong số này tìm cách khiêu khích nhân viên công lực để bị bắt giữ. Khoảng 68 người bị bắt vì không chịu rời khỏi Tòa thị chính. Cảnh sát cưỡi ngựa đụng độ sinh viên biểu tình chống luật mới, gia tăng học phí đại học, ngay trên quảng trường Parliament Square tại London. Cuộc biểu tình này bị xem là vụ bạo động chính trị nặng nề nhất trong nhiều năm qua. Luật mới tăng tiền học gấp 3 lần, lên tới 14.000 USD/năm...

Nhưng những trường hợp trên đây chưa là gì so với cuộc chiến của sinh viên Québec, Canada, hiện nay. Đầu tháng 5 vừa qua, hơn 2.000 sinh viên, giáo sư và đại diện của giới công đoàn khắp vùng Québec, miền Đông Canada, biểu dương lực lượng trên đường phố Victoriaville, nơi đảng Québec Tự do (PLQ) đang họp đại hội. Chính quyền Canada huy động cảnh sát chống bạo động để giải tán đoàn người biểu tình, làm ít nhất 11 người bị thương, trong đó có 4 nhân viên an ninh. Nhiều người bị câu lưu.

Sinh viên xuống đường chống tăng học phí tại Montreal, Québec (Canada).

Victoriaville nằm cách thủ phủ Montreál 170km về phía đông. Đảng PLQ phải chuyển địa điểm họp đại hội về Victoriaville để tránh các đợt biểu tình của sinh viên vùng Québec đã diễn ra hàng ngày từ giữa tháng 2/2012 sau khi chính quyền vùng này chuẩn bị tăng 75% học phí ở cấp đại học từ nay đến năm 2017.

Cụ thể hơn, Thủ hiến vùng Québec Jean Charest thông báo kế hoạch hàng năm tăng thêm 325 USD tiền ghi danh vào đại học. Như vậy đến năm 2017 mỗi sinh viên sẽ phải đóng 3.800 USD học phí hàng năm thay vì 2.175 USD như hiện nay. Chính quyền của Thủ hiến vùng Québec giải thích: vì cho tới nay, tiền học phí của Canada thấp hơn quá nhiều so với mức trung bình ở khu vực Bắc Mỹ và chênh lệch quá lớn so với khoản ghi danh của các sinh viên tại Mỹ.

Phong trào phản kháng của sinh viên vùng Québec, hiện được khoảng 170.000 người hưởng ứng. Từ gần 4 tháng nay, sinh viên Québec liên tục xuống đường biểu tình, bãi học đòi ông Charest hủy bỏ kế hoạch tăng học phí đối với sinh viên, đã khiến trường đại học đóng cửa suốt từ đó đến nay. Hàng trăm sinh viên đã bị bắt giữ, với số lượng lên đến 700 vào hôm 12/6.

Các cuộc biểu tình đã diễn ra hàng ngày và bị cảnh sát thẳng tay đàn áp vì bị cho là bất hợp pháp. Không chỉ biểu tình ban ngày, từ hơn một tháng nay, sinh viên biểu tình vào buổi tối. Và không giới hạn ở Québec, tối ngày 24/5, khoảng 2.000 sinh viên đã xuống đường ở Montreál, không ngại mưa như trút nước. Họ mang theo xoong nồi, đánh lên vang rền. Theo hãng tin AFP, hai bên đường đoàn biểu tình đi qua, người dân cũng mở cửa sổ gõ nồi, chảo, để hưởng ứng, những người lái xe bóp kèn inh ỏi.

Chưa dừng lại ở đó, mới đây nhất, sinh viên cùng với một số tổ chức, công đoàn còn đưa đơn kiện chính quyền đạo luật đặc biệt - Đạo luật 78, thông qua ngày 18/5 - mà theo họ, đã giới hạn quyền tự do ngôn luận và tập hợp. 140 người thuộc 25 tổ chức sinh viên, cũng như công đoàn, tổ chức môi sinh, cộng đồng, nghệ sĩ đã đưa hai đơn kiện lên Tòa án Tối cao Québec.

Cuộc đấu tranh trên bình diện pháp lý mà 20 luật sư của các hiệp hội và công đoàn đang tiến hành nhắm vào hai mục tiêu: Một mặt đưa đơn yêu cầu đình chỉ áp dụng Đạo luật 78, trong thời gian các thẩm phán xem xét vấn đề. Yêu cầu thứ hai là bãi bỏ đạo luật, xem nó vô hiệu về mặt pháp lý. Những người kiện tố cáo đạo luật ngăn cản không cho người dân biểu tình một cách chủ động, vì họ phải nộp lộ trình trước 8 tiếng đồng hồ và cảnh sát có thể tùy nghi sửa đổi.

Đạo luật còn làm nản lòng người biểu tình với những khoản tiền phạt rất cao nếu vi phạm luật. Gần 800 euro đối với một cá nhân, hơn 30.000 euro đối với một lãnh đạo phong trào sinh viên trong trường hợp tái phạm. Ngoài ra, các hiệp hội sinh viên có thể không được huy động sự đóng góp của thành viên, nếu không tôn trọng luật quy định. Nhiều luật gia đầy kinh nghiệm và các nhà nghiên cứu hiến pháp đã lao vào giúp đỡ những người đệ đơn kiện. Họ cũng được 200.000 người ủng hộ trên mạng.

Khắp nơi đâu đâu cũng thấy các trường đại học tăng học phí, ngoài sự phản đối trên diện rộng của sinh viên và giới công đoàn giáo dục, một số cơ quan khác cũng đã vào cuộc để bảo vệ quyền lợi cho thế hệ tương lai. Chẳng hạn, trước thực trạng học phí ngày càng tăng, Cơ quan Bảo vệ Tài chính người tiêu dùng Mỹ (CFPB) vào giữa tháng 4/2012 đã tung ra trang web giúp học sinh và phụ huynh "liệu cơm gắp mắm", so sánh học phí của 7.500 trường đại học khắp nước Mỹ trước khi quyết định xin đi học, mượn tiền trả học phí và phải trả nợ trong bao lâu sau khi tốt nghiệp.

Theo giới quan sát, có lẽ phong trào phản đối của sinh viên Canada sẽ không bùng nổ dữ dội nếu như Chính phủ Canada không phạm bốn sai lầm nghiêm trọng. Thứ nhất, làm mọi cách để hạ uy tín của giới sinh viên khi cho rằng "họ không đại diện cho ai và không kiểm soát được gì cả". Thứ hai, khi phong trào phản đối đã lan rộng, nhưng chính quyền vẫn bịt tai làm ngơ và khẳng định rằng "không có chút ấn tượng nào". Thứ ba, trong khi bản thỏa thuận tạm thời vẫn còn chưa ráo mực thì chính phủ đã vội vàng đánh trống thổi kèn cho rằng họ đã đạt thắng lợi trên trận tuyến. Cuối cùng, chính việc thông qua một đạo luật khẩn cấp quy định cấm tụ tập nơi công cộng, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng.

Chính quyền đã sai lầm khi hăm dọa người biểu tình. Bởi lẽ, điều ngược lại đã xảy ra. Hơn 250.000 người trong một thành phố chỉ có 1,9 triệu dân đã xuống đường. Một sự kiện chưa từng có tại Montreál. Và làn sóng phản đối đang ngày càng lan rộng

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/sukien/2012/6/78361.cand